“Nghĩ đến xe buýt… đầu tiên”

Trong hội thảo “Bàn về các giải pháp phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng TPHCM” do Báo SGGP và Sở GTVT TPHCM phối hợp tổ chức ngày 4-12 vừa qua, có một phát biểu rất đáng chú ý của ông Đậu An Phúc, Giám đốc Trung tâm Điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM.

Trong hội thảo “Bàn về các giải pháp phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng TPHCM” do Báo SGGP và Sở GTVT TPHCM phối hợp tổ chức ngày 4-12 vừa qua, có một phát biểu rất đáng chú ý của ông Đậu An Phúc, Giám đốc Trung tâm Điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM.

Ông Đậu An Phúc cho rằng, khi đứng ở cương vị Giám đốc Trung tâm Điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM ông mới nhận thấy rằng “ngày trước” lúc còn làm Trưởng phòng Quản lý giao thông thuộc Sở GTVT TPHCM, trong rất nhiều trường hợp khi nghiên cứu, tổ chức hoặc điều chỉnh lại giao thông ở một khu vực nào đó, chưa quan tâm đúng mức đến việc tạo điều kiện cho xe buýt lưu thông thuận tiện. Lúc ấy, điều chỉnh giao thông chỉ cốt cho tất cả các loại xe đi được. Tất nhiên, việc đó không sai nhưng chính ngành giao thông còn chưa nghĩ nhiều tới việc tạo điều kiện cho xe buýt hoạt động khi tổ chức giao thông, ai sẽ quan tâm đến xe buýt đây? Kinh nghiệm phát triển vận tải hành khách công cộng của nhiều nước trên thế giới đã chứng minh, nếu không được đầu tư và quan tâm đúng mức, xe công cộng rất khó phát triển như kỳ vọng. Rất may, qua hội thảo “Bàn về các giải pháp phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng TPHCM”, ngành giao thông cho mọi người thấy, họ đã nhận ra vấn đề này.

Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, hiện nay trên nhiều tuyến đường của thành phố, chỉ cần ngành giao thông rà soát và có điều chỉnh hợp lý là xe buýt có thể lưu thông dễ dàng hơn. Ví dụ, vào giờ cao điểm tuyệt đối cấm ô tô dừng, đậu trên một số tuyến đường, một số vị trí gần giao lộ… Khoảng 50% số đường ở TPHCM có chiều rộng mặt đường nhỏ hơn 7m. Như vậy, chỉ cần có một chiếc ô tô dừng, đậu sát vỉa hè, thậm chí chỉ vài phút cũng đã như một cái nút chai, bít chặt đường đi của các phương tiện giao thông trên làn đường này. Làn đường sát vỉa hè lại là làn đường mà xe buýt TPHCM thường xuyên phải ghé vào để đưa đón khách. Không cho hình thành nút chai này, chắc chắn xe buýt sẽ đi lại và đưa đón khách thuận tiện, dễ dàng hơn. Cắm biển cấm dừng, đậu trên các tuyến đường hoàn toàn nằm trong quyền hạn của Sở GTVT TPHCM. Thậm chí sở này có thể gắn camera theo dõi tại các điểm nóng và bố trí lực lượng thanh tra giao thông đi kiểm tra và xử lý các hành vi xâm phạm công trình đường giao thông… Hoặc phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, xử phạt nghiêm hành vi dừng, đậu xe không đúng quy định.

Đồng ý là để hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của TPHCM hoạt động tốt, cần triển khai đồng bộ rất nhiều giải pháp. Từ quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông cho người dân, đầu tư đổi mới xe buýt, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách của đội ngũ tiếp viên, tài xế xe buýt, Nhà nước trợ giá cho người dân đi xe công cộng…. Tuy nhiên, để thuyết phục được những ban ngành liên quan, người dân, các cơ quan truyền thông chung tay cùng với Sở GTVT TPHCM, chính sở này trong quyền hạn của mình phải “nghĩ” cho xe buýt trước, trong tất cả các quyết sách liên quan đến công tác tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố. Là cơ quan chuyên môn của ngành, Sở GTVT TPHCM phải đi trước và nêu gương thì mới thu hút được mọi người ủng hộ mình.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục