Nghị định (NĐ) 97/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghiệp với một số quy định mới hơn, nhưng liệu có tạo được những bước tiến trong việc ngăn chặn nạn hàng nhái, hàng giả đang tung hoành như hiện nay? Trong khi đó, những kẻ làm hàng gian, hàng giả thì ngày càng tinh vi…
Chế tài nặng, chưa đủ...
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM phát hiện gần 90 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ, xử phạt hành chính 522 triệu đồng. Đây là con số xử phạt quá nhỏ so với thực tế. Nghị định 97 sẽ như thế nào khi quy định thêm những tổ chức, cá nhân buôn bán hàng nhái, hàng giả mạo nhãn hiệu sẽ bị tịch thu phần lợi nhuận bất hợp pháp, thay vì chỉ phạt tiền như trước…
Vấn đề hiện nhiều người quan tâm là thủ đoạn của những kẻ làm hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, ma mãnh. Không phải người tiêu dùng nào cũng có thể nhận biết được. Ngay một số cán bộ quản lý thị trường cũng thừa nhận đôi khi cũng không thể phân biệt được những mặt hàng nhái. Nhà quản lý còn lúng túng, thử hỏi người dân làm sao tránh được bẫy giăng?
Một cán bộ chuyên điều tra về hàng gian, hàng giả đại diện Chi cục quản lý thị trường TPHCM, cho biết: “Để đi đến kết luận một sản phẩm là hàng giả, hàng nhái không đơn giản. Người cán bộ quản lý không được dùng cảm quan, phỏng đoán để khẳng định sản phẩm. Bên cạnh đó, chúng tôi rất cần có sự phối hợp của chính cơ sở, doanh nghiệp sản xuất khẳng định sản phẩm bị vi phạm quyền sở hữu công nghiệp bằng văn bản mới xử lý triệt để được những đối tượng làm hàng giả, hàng nhái”.
Khó xác định vi phạm
Thẩm quyền xử lý hàng gian, hàng giả, vi phạm trong lĩnh vực công nghiệp theo quy định cũ trước đây có đến 5 cơ quan cùng có trách nhiệm là Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an và UBND cấp tỉnh, huyện. Chính kiểu “cha chung không ai khóc này” nên khi thị trường có nhiều hàng gian, hàng giả chưa xử lý hết, không ai chịu trách nhiệm. Nay NĐ 97 lại bổ sung thêm thẩm quyền xử phạt hành chính cho 2 đơn vị: Cơ quan Thanh tra Thông tin và Truyền thông; Cục quản lý cạnh tranh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Mộng Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TPHCM, 7 đơn vị trên sẽ đứng trước nguy cơ xử phạt chồng chéo theo kiểu giẫm chân lên nhau. Ông cho rằng trong số các đơn vị này, không đơn vị nào là đầu mối chịu trách nhiệm quản lý chung vấn nạn hàng gian, hàng giả. Thực tế phân công công việc tuy rạch ròi nhưng tính chất pháp lý chưa cao.
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng nhấn mạnh quyền lợi của người tiêu dùng (NTD) bị bỏ quên tại NĐ 97. “Nếu NTD mua phải thuốc dỏm, uống và bị phản ứng phụ gây nguy hại thì họ có thể khiếu nại nơi bán thuốc giả. Nhưng nếu uống thuốc ngấm vào người, sau 10-15 năm mới gây bệnh, thử hỏi nhà nước bảo vệ NTD như thế nào. Điều này không thấy nêu cụ thể ở NĐ 97” – ông Hùng lo ngại.
Trên thực tế, rất ít tổ chức, cá nhân bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đứng ra tố cáo và theo đuổi sự việc. Điều đó khiến cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu sự việc càng gặp nhiều khó khăn hơn. Hiện tại chế tài xử phạt đã hết sức rõ ràng, nghiêm minh, nhưng làm thế nào để xác định được hành vi vi phạm (mức độ xử phạt phụ thuộc vào hành vi vi phạm) lại là chuyện khác.
“Chúng tôi chỉ chủ yếu xử lý vi phạm hành chính. Hai biện pháp còn lại (xử lý dân sự và xử lý hình sự) rất ít sử dụng trong những trường hợp vi phạm về hàng gian, hàng giả như hiện nay. Hy vọng rằng trong tương lai, biện pháp xử lý dân sự, hình sự sẽ được phổ biến, theo hướng quốc tế hóa” – đại diện Chi cục Quản lý thị trường TPHCM nói.
Thi Hồng