Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ cho phép TPHCM và Hà Nội áp dụng mức xử phạt nặng, cao hơn từ 40% đến 200% so với mức bình thường cả nước. Nhiều hành vi vi phạm ở nội thành sẽ có mức phạt cao hơn nhiều lần so với ngoại thành. Vì thế, Sở GTVT TPHCM vừa trình UBND TP ba phương án xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo nghị định này, sẽ được áp dụng từ ngày 20-5.
3 chọn 1: Chưa thống nhất
Phương án thứ nhất bao gồm 19 quận nội thành, đó là: quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân và Tân Phú. Theo Sở GTVT, ưu điểm của phương án này là người dân rất dễ nhận biết phạm vi bị xử phạt tăng nặng, cũng không cần lắp đặt quá nhiều biển báo vì chỉ cần gắn biển báo tại các cửa ngõ trên các trục đường chính từ các huyện ngoại thành vào quận nội thành hoặc từ các tỉnh khác vào quận nội thành như quốc lộ 1, quốc lộ 22, quốc lộ 50... Tuy nhiên, nhược điểm phạm vi thực hiện thí điểm tương đối lớn, bỏ qua các tuyến quốc lộ 1, 22, 50 và một số tuyến như Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ, tỉnh lộ 10.
Phương án hai bao gồm phạm vi của phương án thứ nhất và bổ sung các tuyến quốc lộ, trục chính đô thị trên địa bàn, như quốc lộ 1A, Nguyễn Văn Linh, đại lộ Đông Tây, tỉnh lộ 10, Phạm Hùng, Đường 9A (khu Trung Sơn), đoạn nối cao tốc TPHCM - Trung Lương (Tân Tạo - Chợ Đệm) của huyện Bình Chánh; đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè); quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn và Củ Chi). Nhược điểm của phương án này là phạm vi thực hiện tương đối lớn, phải lắp đặt nhiều biển báo trên các đường ngang với các tuyến quốc lộ và các trục chính đô thị.
Phương án ba là chỉ thí điểm xử phạt tăng nặng trên Vành đai 1 và toàn bộ các tuyến đường bên trong Vành đai 1: Quốc lộ 1A (bắt đầu từ nút giao thông Thủ Đức) - Nguyễn Văn Linh - đường dẫn cầu Phú Mỹ - cầu Phú Mỹ - Vành đai Đông - Nguyễn Thị Định - xa lộ Hà Nội - nút giao thông Thủ Đức. Phương án này có nhược điểm là sẽ bỏ qua các quận 2, 7, 9, Bình Tân, Thủ Đức - vốn có tình hình giao thông tương đối phức tạp.
Khi lấy ý kiến của các cơ quan chức năng để chọn ra phương án tối ưu thì mỗi nơi đều có sự chọn lựa khác nhau.
Sở Tư pháp thống nhất phương án hai vì theo sở này: “Phương án ba đã loại bỏ toàn bộ quận 9 và một phần của các quận 2, 7, Thủ Đức. Phạm vi thực hiện của phương án hai khá rộng nhưng cũng không quá khó làm”.
Ban An toàn giao thông TPHCM thống nhất phương án một vì “gom” được khu vực nội thành của TP.
Công an TP và Sở GTVT TPHCM thống nhất phương án ba. Trong tờ trình cho lãnh đạo UBND TP, Sở GTVT cũng chọn phương án ba là chỉ thí điểm xử phạt tăng nặng trên Vành đai 1 và toàn bộ các tuyến đường bên trong Vành đai 1.
Hạn chót để UBND TPHCM chọn phương án thực hiện là ngày 10-5.
Công an TPHCM đề nghị không áp dụng mức xử phạt thí điểm đối với các tuyến đường trong vành đai nhưng nằm trên địa bàn huyện và tỉnh khác. Tuy nhiên, phương án này có ưu điểm là chỉ cần lắp đặt biển báo tại 86 giao lộ, thuận lợi cho việc xử phạt của cơ quan chức năng.
Phạt nặng hành vi cố ý vi phạm
Theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP, Thanh tra giao thông Sở GTVT TPHCM được quyền dừng các phương tiện đang lưu thông nếu có hành vi vi phạm để kiểm tra và xử phạt. Trước đây, Thanh tra giao thông chỉ được quyền xử phạt đối với giao thông tĩnh, tức khi phương tiện giao thông dừng đỗ và việc dừng phương tiện đang lưu thông phải có sự phối hợp với CSGT. Cũng theo nghị định này, Thanh tra giao thông có quyền xử phạt 201 nhóm hành vi vi phạm, nhiều hơn 46 nhóm hành vi so với quy định trước đây. |
Theo Nghị định 34, từ ngày 20-5, người điều khiển ô tô ở hai thành phố là Hà Nội và TPHCM không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ…) sẽ bị phạt từ 600.000 - 800.000 đồng (trước đây mức phạt từ 200.000 - 400.000 đồng).
Với người điều khiển mô tô, xe máy nếu không mang theo giấy đăng ký xe hoặc giấy phép lái xe và không có giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự sẽ bị phạt từ 60.000 - 80.000 đồng (trước đây, hành vi này là 40.000 - 60.000 đồng).
Người tham gia giao thông bằng xe máy đội nón bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy định cũng bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.
Với xe khách chở vượt số người quy định sẽ phạt từ 200.000 - 300.000 đồng trên mỗi hành khách chở dư, trước đây là 100.000 đến 300.000 đồng. Riêng hành vi sang nhượng khách dọc đường nhưng không được hành khách đồng ý sẽ bị phạt tới 2 triệu đồng, gấp bốn lần so với mức phạt 500.000 đồng trước đây. Người đi bộ vi phạm (không đi đúng phần đường quy định...) cũng bị tăng mức tiền xử phạt 1,5 lần, từ 40.000 lên đến 60.000 đồng.
Với người chiếm dụng đường bộ để họp chợ, mua bán hàng sẽ bị phạt 500.000 đồng, tăng gần 10 lần so với mức phạt 50.000 đồng trước đây. Khi dừng xe, mở cửa ô tô không bảo đảm an toàn và gây ra tai nạn trong nội thành, mức phạt sẽ từ 1,4 triệu đến 2 triệu đồng. Dừng xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế ở nội thành sẽ bị phạt 800.000 đồng, tước giấy phép lái xe 30 ngày...
Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an TPHCM, quy định mới sẽ xử phạt nặng (phạt mức cao nhất) đối với những hành vi không tuân theo biển hiệu, biển báo giao thông trên đường.
Quốc Hùng
Thượng tá Võ Văn Vân, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ Công an TPHCM Xung quanh việc tăng mức phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP, trao đổi với PV Báo SGGP, thượng tá Võ Văn Vân, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ (CSGT – PC26) Công an TPHCM, cho biết: Vừa qua, Công an TP đã triển khai tập huấn nội dung Nghị định 34 tới toàn thể cán bộ chiến sĩ CSGT thuộc PC26 và CSGT thuộc 24 quận huyện trên địa bàn TPHCM để lực lượng CSGT nắm rõ các quy định mới nhằm triển khai đồng bộ, nghiêm túc, xử lý nghiêm minh những vi phạm. Qua đó, chúng tôi còn lồng ghép việc phổ biến, tuyên truyền cho người dân hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ và những quy định xử phạt mới. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền rộng rãi để người dân TP nắm rõ kiến thức pháp luật, không lúng túng, bất ngờ khi luật được triển khai vào cuộc sống. Bộ Công an đã gửi công văn tới công an các địa phương hướng dẫn việc triển khai thực hiện một số nội dung của Nghị định 34. Trong đó quy định, khi người tham gia giao thông bị áp dụng biện pháp phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX trong thời hạn 60 ngày thì phải đi học lại Luật Giao thông đường bộ theo quy định tại Thông tư liên tịch của Bộ Công an và Bộ GTVT. Đây cũng là một trong những chế tài mang tính răn đe cao. Ngoài ra, thẩm quyền xử phạt của các cơ quan chức năng cũng được bổ sung thêm trong Nghị định 34: chiến sĩ công an khi thi hành công vụ có quyền xử phạt tới 200.000 đồng (trước là 100.000 đồng), trưởng công an xã có quyền phạt tới 2 triệu đồng (trước đây là 500.000 đồng), trưởng công an cấp huyện có quyền phạt tới 10 triệu đồng, giám đốc công an tỉnh được phạt tới 30 triệu đồng. Lực lượng thanh tra giao thông các cấp cũng lần lượt được tăng thẩm quyền xử phạt tương đương lực lượng công an. TPHCM hiện có trên 4 triệu xe gắn máy, ô tô nhưng diện tích lưu thông chỉ có 3.786km2. Cơ sở hạ tầng của TP đã không theo kịp với tốc độ gia tăng của các phương tiện cơ giới và mật độ lưu thông của người dân. Thiết nghĩ, việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông (nhất là biện pháp áp dụng thí điểm phạt tăng nặng tại khu vực nội thành) sẽ là một trong những giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông, hạn chế lượng phương tiện lưu thông vào TP, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân TP. Hoàng Hoa (ghi) |