Nghị lực của cô sinh viên khuyết tật

Nỗ lực không ngừng
Nghị lực của cô sinh viên khuyết tật

Cũng như bao sinh viên khác, Ngọc phải đang “dùi mài kinh sử” kỳ thi học gần cuối đời sinh viên. Gặp và trò chuyện với chúng tôi tại một góc nhỏ trong khu tự học của trường, cô sinh viên không may phải chịu biến chứng của chất độc hóa học vẫn cười tươi cho biết đã có thời điểm cô phải trốn gia đình quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình.

Sinh viên Trịnh Thị Bích Ngọc (trái) đang ôn bài cùng bạn trước giờ thi tại khu tự học của trường.

Sinh viên Trịnh Thị Bích Ngọc (trái) đang ôn bài cùng bạn trước giờ thi tại khu tự học của trường.

Nỗ lực không ngừng

Là chị cả trong gia đình có 3 chị em, không may bị đột biến gen bởi nhiễm chất độc hóa học, Trịnh Thị Bích Ngọc (hiện là sinh viên năm cuối, bộ môn Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM) từ nhỏ phải chịu nhiều thiệt thòi so với những đứa trẻ đồng trang đồng lứa. Tốt nghiệp cấp 3, sức khỏe không đảm bảo, cộng với kinh tế gia đình khó khăn, Ngọc phải nghỉ học theo đề nghị của gia đình để giúp hai đứa em tiếp tục việc học. Lúc đó, cô đã khóc, cảm thấy mình là thứ dư thừa, là gánh nặng của gia đình, hoàn toàn đánh mất tự tin vào chính bản thân.

Ngọc tâm sự: “Mình đã khóc thật nhiều mỗi khi nhìn bạn bè cắp sách đến trường. Nhưng ngoảnh lại nhìn gia đình, mẹ đi buôn bán ở xa, ba gắn hơn nửa đời người với mấy mảnh ruộng, mình phải đứng lên mà tự bươn chải”.

Xin vào làm công nhân tại xưởng may trong huyện, vì sức khỏe yếu, cộng thêm cặp mắt luôn đau nhức nên mọi thứ đối với Ngọc cũng trở nên chậm chạp, thiếu hiệu quả. Nhưng nhờ tính tình dễ thương, lại chăm chỉ, cô được giữ lại xưởng làm việc và ăn theo sản phẩm. Trong những chuyến làm công tác xã hội tại địa phương, tiếp cận và lắng nghe với những định hướng từ các anh chị sinh viên, Ngọc lên kế hoạch làm lại giấc mơ còn bỏ ngỏ. Vào thời điểm đó, cô nhận được hỗ trợ từ một dự án phi chính phủ dành cho nạn nhân nhiễm chất độc hóa học. Cộng thêm tiền để dành được trong 5 năm đi làm, Ngọc âm thầm nộp đơn vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên hướng nghiệp Thăng Bình (Quảng Nam) tiếp tục đi học, đồng thời xin ở nhờ nhà chú học gần trường cho tiện đi lại. Sau khi có kết quả học kỳ đầu tiên với giấy khen loại giỏi, gia đình mới biết chuyện. “Nếu mình không tiền trảm hậu tấu, thì có lẽ đến giờ vẫn còn đạp máy may ở nhà”, Ngọc cười, chia sẻ. Kể từ đây, bằng động lực của bản thân, sự giúp sức từ ba mẹ, Ngọc 3 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi và đỗ vào Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, bộ môn Công tác xã hội trong niềm vui tột độ và tự hào của gia đình, lối xóm.

Chia sẻ yêu thương

Những ngày đầu tiên của môi trường đại học thật sự là nỗi khó khăn không tả xiết đối với cô gái xứ Quảng. Tự lo việc học, lại xin đi dạy thêm để trang trải cuộc sống thường ngày, một áp lực quá lớn đối với bất kỳ sinh viên bình thường nào chứ đừng nói với sinh viên khuyết tật như Ngọc. “Nhưng dần dần rồi cũng quen, bản thân vốn năng động lại vui vẻ, nên mình nhanh chóng hòa đồng và gia nhập Câu lạc bộ Đồng hành - ngôi nhà của những sinh viên khuyết tật trong trường. Ở đây mình thực sự được san sẻ và cũng là nơi mình thể hiện hết khả năng mà mình có được”, Ngọc cho biết. Chỉ sau chưa đầy 2 năm hoạt động, Ngọc được các thành viên tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm câu lạc bộ, công việc mà theo cô là niềm vui nhưng cũng gánh thêm nhiều áp lực.

Dưới sự điều hành của Ngọc, câu lạc bộ đang thu hút được nhiều các bạn sinh viên, phần lớn là các bạn khuyết tật trong trường. Đồng thời, câu lạc bộ cũng tổ chức các chuyến đi vì đồng bào dân tộc thiểu số, tham gia hỗ trợ các mái ấm trên địa bàn TPHCM. Ngọc cho biết, cuối tháng này, tất cả các thành viên sẽ thực hiện chuyến đi tặng quà cho đồng bào thiểu số tại Bảo Lộc - Lâm Đồng. Dự kiến có khoảng 30 phần quà và nhiều quần áo cũ với tổng số tiền vào khoảng vài chục triệu đồng mà câu lạc bộ đã quyên góp được trong thời gian qua đến tay bà con nghèo. Ngọc tâm sự: “Những chuyến đi như thế là dịp để mình hiểu hơn về cuộc sống, văn hóa, con người Việt, vừa là dịp để khơi gợi niềm tin vào cuộc sống, chia sẻ tình yêu thương giữa những người khuyết tật với nhau. Khi có tự tin, những người khuyết tật như mình có thể làm được mọi điều tốt đẹp cho những người xung quanh khác”.

Tường Hân

Tin cùng chuyên mục