Như Báo SGGP ngày 12-5-2012 đưa tin, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP, trong đó gồm các giải pháp như: Gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập… Tiếp nhận gói giải pháp này, hầu hết doanh nghiệp (DN) đều phấn khởi. Song đằng sau đó còn khá nhiều khó khăn, đặc biệt đối với DN vừa và nhỏ. Dưới đây là những chia sẻ của một số DN.
- Ông Đỗ Thanh Hùng Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bao bì giấy Việt Trung: Cần tăng thời gian gia hạn và giảm thuế
Chúng tôi hoan nghênh các giải pháp mà Chính phủ vừa đưa ra nhằm hỗ trợ DN. Nhìn qua các giải pháp của Chính phủ, việc gia hạn thuế giá trị gia tăng là thiết thực nhất với DN trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, việc gia hạn này chỉ kéo dài vài tháng của năm 2012 cũng chưa giúp được gì nhiều cho DN, do đó cần kéo dài thời gian gia hạn đến hết năm, thậm chí đến năm 2013.
Mặt khác, xem xét giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% hiện hành xuống 5% nhằm giúp giảm giá thành, kích cầu và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trong nước. Mặt khác, hỗ trợ DN bình ổn giá, tiếp cận lãi suất thấp càng nhanh càng tốt.
Đối với giải pháp giãn thuế thu nhập, thật sự không tác động và giúp nhiều cho DN. Bởi thực tế, sau thời gian dài ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, khối DN vừa và nhỏ hầu như không còn lợi nhuận hoặc lợi nhuận không nhiều, nên sẽ ít tác động. Đối với chính sách tín dụng, theo tôi không khả thi trong điều kiện và hoàn cảnh hiện nay. Bởi điểm yếu phổ biến của các DN vừa và nhỏ là thiếu tài sản đảm bảo cho các khoản vay, nay lại đang khó khăn, nên khó tiếp cận hoặc hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi của các ngân hàng. Về phía các ngân hàng, việc mất thanh khoản ở mức cao càng khiến họ dè dặt trong việc cho vay nên rất khó cho DN vừa và nhỏ.
- Ông Trần Bá Dũng Phó Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH TM SX Hương Mi: Hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm
Các giải pháp của Chính phủ ở góc độ nào đó đã chia sẻ bớt một phần gánh nặng khó khăn, làm cho DN yên tâm hơn trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để cứu DN một cách hiệu quả, toàn diện, Chính phủ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến việc sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ tại các DN, từ đó có từng giải pháp cụ thể. Bởi thực tế, hiện nay nhiều DN vẫn duy trì sản xuất kinh doanh và phát triển được. Nhưng vấn đề là đầu ra của sản phẩm tiêu thụ chậm hoặc không tiêu thụ được, khiến đồng vốn không thể xoay vòng để tái đầu tư.
Do đó, Chính phủ cần hỗ trợ đưa hình ảnh sản phẩm hàng hóa trong nước đến được với người tiêu dùng. Thực tế hiện nay trong nước có hàng trăm cơ quan truyền thông từ báo giấy, báo hình đến báo nói, nhưng những sản phẩm quảng bá đến được người tiêu dùng đa phần của các DN lớn, đa quốc gia hoặc hàng nhập khẩu với kinh phí quảng bá lớn.
Ví dụ, tại TPHCM có chương trình bán hàng bình ổn giá, nhưng quá trình triển khai thông tin sản phẩm đến với người tiêu dùng còn hạn chế do kinh phí hoặc ban tổ chức chưa quan tâm đến quảng cáo cho sản phẩm trong nước. Nếu Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho DN quảng bá sản phẩm thì người tiêu dùng sẽ biết đến và tìm mua sản phẩm trong nước, từ đó tạo ra làn sóng kích cầu tiêu dùng.
- Ông Đỗ Duy Thái Giám đốc Công ty Thép Pomina: Kích cầu đồng bộ
Việc Chính phủ ban hành các giải pháp hỗ trợ DN trong thời điểm này dù muộn nhưng cũng tạo ra hiệu ứng tích cực, giúp DN có thời gian tập trung vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, ngoài giải pháp giãn thuế giá trị gia tăng, các giải pháp còn lại ít tác động và khó khả thi đối với DN vừa và nhỏ. Thực tế, kích cầu tiêu dùng đang là vấn đề rất cấp thiết.
Tuy nhiên, để gói hỗ trợ lần này đi vào thực tế cần phải minh bạch và có các giải pháp mạnh mẽ hơn để kích cầu tiêu dùng trên diện rộng. Trong đó, phải đồng bộ từ giảm mạnh lãi suất cho vay, quản lý tốt để giá cả hàng hóa không tăng cao, giúp kích cầu, giảm hàng tồn kho…
Đối với ngành vật liệu xây dựng, hiện nay lượng sản phẩm tồn kho khá lớn. Riêng ngành thép đến thời điểm này tồn kho khoảng 800 ngàn tấn. Do đó, để giải cứu ngành vật liệu xây dựng phải có giải pháp kích cầu. Đơn cử, nếu hiện nay Nhà nước tạo điều kiện để kích cầu cho lĩnh vực nhà ở xã hội, sẽ giải quyết được rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, giải phóng được lượng hàng hóa vật liệu xây dựng tồn kho khi cầu tăng lên, giúp DN lưu thông được hàng hóa.
Thứ hai, giải quyết được nhu cầu nhà ở cho một lượng lớn người có thu nhập thấp, trong đó có cán bộ công nhân viên chức… Thực hiện được việc này sẽ tạo hiệu quả cao, kích cầu xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện được vấn đề này, Nhà nước cần rà soát quỹ đất, hỗ trợ vốn cho các nhà đầu tư. Mặt khác, cần có chính sách tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp mua được nhà và trả dần với thời gian dài hạn.
Lạc Phong
- Gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập đối với một số doanh nghiệp