Bốn mươi năm trôi qua, những người trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh không còn nhiều. Theo quy luật của muôn đời, các tướng lĩnh, các cựu chiến binh trực tiếp chỉ huy trận đánh cuối cùng, lập nên một trong những chiến công chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc đã lần lượt về với tổ tiên. Số còn lại rất ít, nay sức đã yếu, nhưng vẫn minh mẫn. Ký ức về một thời oanh liệt vẫn còn nguyên vẹn. Càng thêm độ lùi thời gian, ta càng thấm giá trị của ngày toàn thắng...
Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30-4-1975. Ảnh: Trần Mai Hưởng - TTXVN
Trung tướng Lê Nam Phong sắp bước vào tuổi cửu tuần. Tuy sức khỏe không còn được như trước, nhưng vị tướng suốt đời gắn bó với chiến trận vẫn còn minh mẫn, thông tuệ. Trở lại Xuân Lộc (Đồng Nai), nơi cách đây vừa tròn 40 năm, là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, ông trực tiếp chỉ huy trận đánh then chốt, phá tan cánh cửa thép trong tuyến phòng thủ phía Đông Sài Gòn của địch. Trung tướng Lê Nam Phong kể lại: Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Phước Long, Sư đoàn 7 nhận lệnh tiến công giải phóng Đà Lạt và các cụm cứ điểm của địch dọc quốc lộ 20. Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi được giao làm mũi chủ công, cùng các đơn vị tiêu diệt cụm cứ điểm Xuân Lộc do Sư đoàn 18 quân ngụy đóng giữ. Tôi còn nhớ như in trong lễ xuất quân, Thượng tướng Hoàng Cầm, lúc ấy là Tư lệnh Quân đoàn 4 giao cho chúng tôi lá quân kỳ quyết thắng để cắm trên nóc Dinh Độc Lập, hang ổ cuối cùng của chế độ cũ. Nhưng như mọi người đã thấy, chiến tranh có diễn biến phức tạp, không phải cái gì cũng đúng kế hoạch. Sau hơn 10 ngày tiến công, giải phóng được Xuân Lộc, khi hành quân vào Sài Gòn, Sư đoàn 7 không gặp thuận lợi. Hành quân trên quốc lộ 1, xe tăng của ta không qua được cầu Ghềnh (Biên Hòa) nên phải chuyển hướng tiến quân. Và khi đơn vị đầu tiên của Sư đoàn 7 tới Dinh Độc Lập thì Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 đã có mặt…
Ngừng một lát, Trung tướng Lê Nam Phong kể tiếp: Thời khắc lịch sử ấy, “quân sĩ” của tôi không được vui, do nhiệm vụ và cũng là vinh dự đặc biệt cắm quân kỳ quyết thắng lên nóc Dinh Độc Lập không thực hiện được. Nhưng ngay lúc ấy tôi đã khẳng định, tất cả chúng ta là người chiến thắng. Toàn quân, toàn dân ta là người chiến thắng. Tôi còn nói vui, chúng ta cũng hoàn thành nhiệm vụ cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Chỉ có điều, đơn vị bạn thuận lợi, đến trước, cắm cờ trên cao. Còn chúng ta gặp khó khăn, đến sau cắm cờ dưới thấp…
Câu chuyện của vị tướng trực tiếp chỉ huy trận đánh phá toang cánh cửa thép Xuân Lộc, tạo thuận lợi cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn thật xúc động. Nếu không có hàng ngàn người, trong đó có những người lính của Sư đoàn 7 ngã xuống trong trận Xuân Lộc thì làm sao cánh quân phía Đông của ta có thể tiến thẳng vào cắm cờ trên Dinh Độc Lập trưa ngày 30 tháng 4 lịch sử. Đó là chiến công chung của toàn quân, toàn dân, của cả dân tộc Việt Nam.
Cùng dòng suy nghĩ ấy, tôi nhớ lại cuộc trò chuyện gần đây với Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc về Chính trị của Học viện Lục quân. Trong trận tiến công giải phóng Xuân Lộc, ông là Phó Chính ủy Sư đoàn 7. Trung tướng Nguyễn Văn Thái kể: Chiều 30 tháng 4 năm 1975, Sư đoàn 7 nhận lệnh tiếp quản Dinh Độc Lập. Hôm sau, 1 tháng 5, chúng tôi được giao tổ chức buổi trả tự do cho nội các Dương Văn Minh. Tôi còn nhớ rõ khoảnh khắc lịch sử ấy. Trong buổi làm việc, Thượng tướng Trần Văn Trà, lúc ấy là Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, nói: “Đây là chiến công chung của cả dân tộc Việt Nam ta”.
Cuối buổi làm việc, Thượng tướng Trần Văn Trà có cuộc gặp riêng các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền và Vũ Văn Mẫu (là Tổng thống, Phó tổng thống, Thủ tướng Chính phủ vừa bại trận). Ông Nguyễn Văn Thái được phân công giúp việc cho Chủ tịch Ủy ban quân quản. Theo Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nội dung cuộc gặp có nhiều vấn đề, nhưng điều đáng nhớ nhất, tại đây, Thượng tướng Trần Văn Trà tiếp tục khẳng định “Lúc này không nói chuyện thắng thua. Vấn đề cần làm là mọi người cùng chung tay xây dựng đất nước”. Bằng giọng ấm áp, chậm rãi, Thượng tướng nói như tâm sự: Một dân tộc đã từng 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông và ngày nay lại tiếp tục đánh thắng những “tên đế quốc to”, dân tộc ấy nhất định sẽ giữ vững hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước giàu mạnh.
Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng thấm thía ý nghĩa của chiến thắng 30 tháng 4 lịch sử; càng thấy tầm nhìn và tấm lòng, trái tim đầy chất nhân văn, nhân hậu của các bậc tướng trận lừng danh một thời.
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ lại một kỷ niệm trong đời làm báo. Ấy là vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày toàn thắng (30-4-1995), tôi có may mắn gặp những chiến sĩ quân giải phóng đầu tiên có mặt trong Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975. Đó không phải những chiến sĩ trên chiếc xe tăng 843 như mọi người biết đến, mà là những chiến sĩ trên chiếc xe tăng mang số hiệu 390 của Đại đội 4, Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 203 do chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn chỉ huy. Bài báo Hai mươi năm sau cuộc hội ngộ kỳ thú của tôi đăng trên Báo QĐND nói về kíp xe tăng này đã thu hút sự chú ý của bạn đọc, đặc biệt những người trong cuộc và những người làm sử.
Kỷ niệm 40 năm ngày toàn thắng, thêm một lần nữa chúng ta khẳng định ý nghĩa lịch sử chiến công chung của toàn dân tộc. Sự thật lịch sử phải được trả lại đúng ý nghĩa đích thực của nó. Đó là công việc của cả một quá trình. Nhưng điều chắc chắn là: Vinh quang này, trước hết thuộc về những người con ưu tú đã mãi mãi đi xa, hiến dâng cả đời mình cho độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc, ấm êm của mỗi mái nhà - tôi nghĩ thế.
TRẦN THẾ TUYỂN