Nghĩa tình Trường Sơn – Dấu ấn tri ân

Đường Trường Sơn, con đường huyền thoại đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam với những chiến công hào hùng chấn động toàn cầu. Hơn 35 năm sau ngày hòa bình, nhiều địa danh lịch sử theo thời gian đang dần biến mất, nhiều con người góp phần làm nên lịch sử cũng có những số phận khác nhau, trong đó không ít người gặp hoàn cảnh khó khăn. Trong bối cảnh đó, Báo SGGP đã đứng ra phát động chương trình Nghĩa tình Trường Sơn.
Nghĩa tình Trường Sơn – Dấu ấn tri ân

Đường Trường Sơn, con đường huyền thoại đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam với những chiến công hào hùng chấn động toàn cầu. Hơn 35 năm sau ngày hòa bình, nhiều địa danh lịch sử theo thời gian đang dần biến mất, nhiều con người góp phần làm nên lịch sử cũng có những số phận khác nhau, trong đó không ít người gặp hoàn cảnh khó khăn. Trong bối cảnh đó, Báo SGGP đã đứng ra phát động chương trình Nghĩa tình Trường Sơn.

  • Từ một ký sự

Năm 2009, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn 559 - Binh đoàn Trường Sơn và con đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh huyền thoại, Báo SGGP đã thực hiện loạt ký sự 14 kỳ: “Trở lại Trường Sơn huyền thoại” (khởi đăng trên Báo SGGP từ ngày 13-4-2009 đến 22-5-2009). Để lấy thông tin, đoàn công tác đã đi suốt 20 ngày, vượt qua trên 6.000km để ghi nhận những thay đổi trên tuyến đường Trường Sơn hôm nay. Chính từ chuyến đi này, đoàn đã tận mắt chứng kiến cuộc sống còn quá khó khăn của rất nhiều gia đình cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, đồng bào dân tộc thiểu số…, những người đã không tiếc máu xương, tuổi xuân, của cải để bảo vệ tuyến đường vĩ đại năm nào.

Đồng chí Trần Thế Tuyển, Tổng Biên tập Báo SGGP, hồi tưởng: “Trước đó, Báo SGGP không có kế hoạch xã hội nào về Trường Sơn, thế nhưng với những gì trải qua sau chuyến đi, tất cả anh chị em cán bộ đều nhất trí cần phải có một cuộc vận động toàn xã hội để chung tay góp sức chăm lo cho những người có công năm xưa”.

Ngày 27-7-2009, chương trình Nghĩa tình Trường Sơn chính thức được phát động trên mặt báo và đến ngày 15-9, gala Nghĩa tình Trường Sơn được tổ chức tại nhà hát Hòa Bình và ngay trong đêm đó, đã có 10 doanh nghiệp, cá nhân cùng chung tay vì những người con của Trường Sơn năm xưa. Sau 2 năm triển khai, tổng số tiền ủng hộ chương trình đã lên đến con số hơn 57 tỷ đồng. Có nhiều lý do dẫn đến sự ủng hộ nhiệt tình của các cá nhân, đoàn thể, doanh nghiệp nhưng tựu trung lại, đó chính là tấm lòng tri ân đối với những con người đã góp phần mang lại độc lập, thống nhất, hòa bình cho đất nước.

Tổng Biên tập báo SGGP Trần Thế Tuyển (trái) tặng hoa cảm ơn ông Nguyễn Văn Du, đại diện Ngân hàng VietinBank, đơn vị tài trợ chính cho chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Ảnh: AN DUNG

Tổng Biên tập báo SGGP Trần Thế Tuyển (trái) tặng hoa cảm ơn ông Nguyễn Văn Du, đại diện Ngân hàng VietinBank, đơn vị tài trợ chính cho chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Ảnh: AN DUNG

Với nguồn kinh phí đó, chương trình đã xây được 683 căn nhà tình nghĩa tại 14 tỉnh, thành (trị giá 19,775 tỷ đồng), xây dựng và trang bị trang thiết bị cho 3 bệnh xá (4 tỷ đồng), trao tặng 1.330 suất học bổng (2,56 tỷ đồng), cứu trợ bão lụt và tặng quà tết đồng bào miền Trung, Tây Nguyên, xây dựng 2 cầu nông thôn ở Long An, tặng 69 tivi cho các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Lâm Đồng, Long An. Bên cạnh đó, chương trình còn đang xây dựng 2 đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn tại 2 trọng điểm năm xưa là bến phà Long Đại (Quảng Bình) và Bến Tắt (nơi vượt dòng Bến Hải - Quảng Trị), xây dựng làng Ho (di tích lịch sử, căn cứ đầu tiên của bộ đội Trường Sơn năm 1959), trạm xá quân dân y kết hợp tại Hương Khê, Hà Tĩnh, trạm xá Pa Lọ Vạc (Quảng Trị), trang bị trang thiết bị trường học cho Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum…

Một điều đặc biệt ở Nghĩa tình Trường Sơn là phương thức hoạt động. Toàn bộ tiền tài trợ sẽ chuyển thẳng từ đơn vị tài trợ xuống chủ đầu tư hoặc đơn vị thực hiện. Báo SGGP chỉ giữ nhiệm vụ khảo sát, chọn địa điểm, chọn đối tượng thụ hưởng, ra quyết định thực hiện chương trình, tặng nhà tình nghĩa… Nói cách khác, báo chỉ giữ vai trò cầu nối, sau khi kết nối, địa phương sẽ là chủ đầu tư, doanh nghiệp tài trợ sẽ giám sát để đảm bảo công trình minh bạch.

  • Nối dài nghĩa tình

Nhà báo Đức Quang, Phó ban thường trực chương trình Nghĩa tình Trường Sơn cho biết, ban đầu chương trình chỉ dự kiến làm từ năm 2009 đến 2011 là chấm dứt. Tuy nhiên, trước thành công ngoài dự kiến, bạn đọc từ khắp nơi liên tục gửi về ủng hộ cũng như đề nghị giúp đỡ. Trước tình hình đó, Báo SGGP đã quyết định thực hiện tiếp giai đoạn 2 và ngay khi nhận thông tin, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đã ký kết đồng hành cùng chương trình và hỗ trợ ngay 52 tỷ đồng. Theo đồng chí Trần Thế Tuyển, cho đến nay tổng số tiền ủng hộ cho giai đoạn 2 đã lên đến hơn 60 tỷ đồng.

Dự kiến, trong giai đoạn 2 này, chương trình Nghĩa tình Trường Sơn sẽ hướng đến mục tiêu xây dựng 800 căn nhà tình nghĩa, 3 đền tưởng niệm và 1 tượng đài các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn tại 3 địa điểm là trọng điểm A-T-P trên Đường 20 Quyết thắng (sát biên giới Lào), giao điểm Đông-Tây Trường Sơn tại huyện Ngọc Hồi - Kon Tum và căn cứ điểm cuối cùng của đường Trường Sơn tại huyện Lộc Ninh (Bình Phước). Ngoài ra, chương trình còn xây 5 trạm xá tại các làng biên giới thuộc các tỉnh Đắc Lắc, Quảng Nam, Quảng Trị, Xavanakhet (Lào), Rattana Kiri (Campuchia) và tặng 2.500 suất học bổng.

Cũng trong dịp này, VietinBank còn tài trợ toàn bộ kinh phí để thực hiện loạt phim tài liệu “Trở lại Trường Sơn huyền thoại” do Báo SGGP và Đài Truyền hình TPHCM phối hợp thực hiện. Khác với nhiều bộ phim về đường Trường Sơn, nội dung chính của phim tập trung vào những thay đổi từ tự nhiên đến con người trên đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh hôm nay.

Video buổi họp báo giới thiệu giai đoạn 2 chương trình Nghĩa tình Trường Sơn 

Nghĩa tình Trường Sơn – Dấu ấn tri ân ảnh 2
 

Đêm gala nghĩa tình 

Vào lúc 20 giờ 30 ngày 24-2-2012, Báo SGGP phối hợp cùng VietinBank tổ chức chương trình Gala Nghĩa tình Trường Sơn lần thứ 2 tại Nhà hát TPHCM, số 7 Công trường Lam Sơn, quận 1. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV 9 Đài Truyền hình TPHCM. Đêm gala sẽ là một không gian âm nhạc thật hào hùng, được dàn dựng công phu, gợi lên nhiều xúc cảm, có những trường đoạn bi tráng nhưng cũng có những lúc trẻ trung, sôi động. Chương trình quy tụ nhiều ca sĩ nổi tiếng như Ái Xuân, Đàm Vĩnh Hưng, Trọng Tấn, Lệ Quyên, Mỹ Dung, Ngọc Tuyền, Hương Giang, Sa Khang, nhóm Áo Lính… và ca sĩ trung tá quân đội Phương Hoa. Tác phẩm được trình bày là những ca khúc bất hủ về Trường Sơn như: Bài ca Trường Sơn, Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Sợi nhớ sợi thương, Huyền thoại Truông Bồn… Chương trình do đạo diễn Trần Vi Mỹ thực hiện.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục