Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh chiều qua (13-6) khá nóng với số câu hỏi và trả lời được coi là kỷ lục với hơn 50 lượt hỏi và trả lời. Nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm trong phiên chất vấn này là tình trạng đầu tư dàn trải, chạy dự án trong đầu tư công; tình trạng thất thoát, sai phạm ở một số tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước, điển hình là vụ Vinalines.
Tiêu tiền của dân như tiền riêng
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho biết, trong báo cáo của Chính phủ nêu rằng hoạt động của các TĐ, TCT nhà nước được các cơ quan quản lý nhà nước giám sát thường xuyên. Trên thực tế vẫn xảy ra nhiều sai phạm, gây thất thoát vốn lớn, nhưng lại được phát hiện chậm: “Vậy Bộ KH-ĐT có trách nhiệm gì về vấn đề này, đặc biệt là trường hợp Vinalines?”. Khá thẳng thắn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói ông thấy rõ trách nhiệm của mình về vấn đề này. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, với các dự án đầu tư, các DNNN được tự quyết định và chịu trách nhiệm: “Khi quyết các dự án, các TĐ, TCT đều không báo cáo nên bộ… không nắm được!”. Để khắc phục vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng cần phải làm rõ quy định về đại diện chủ sở hữu của nhà nước tại DNNN. Từ năm 2010, Bộ KH-ĐT đã chủ trì soạn thảo sửa đổi Nghị định 132 điều chỉnh quy định này, nhưng còn một số vấn đề tranh luận về quan điểm nên Chính phủ cho tạm dừng để nghiên cứu. Cách đây 1 tháng, Bộ KH-ĐT đã hoàn thiện và một lần nữa trình dự thảo sửa đổi lên Chính phủ. “Chúng tôi đã làm rất nghiêm túc trách nhiệm của mình, đúng thời hạn được giao để sửa đổi những bất cập về quản lý mà thực tiễn đặt ra” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định. Chia sẻ với bộ trưởng, nhưng ĐB Lê Thị Nga băn khoăn: “Vì sao các TĐ, TCT không báo cáo bộ về các dự án đầu tư?”. Giải thích thêm, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, theo quy định hiện hành DNNN khi quyết dự án đầu tư chỉ báo cáo người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN chứ không báo cáo lên các bộ, ngành: “Thậm chí Bộ KH-ĐT đến xin cũng không được. Bộ KH-ĐT quản lý chung nên tôi nhận là có trách nhiệm, nhưng thực tế thì rất khó”.
“Chia lửa” với Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng nói rằng để xác định trách nhiệm của các bộ trong quản lý hoạt động các TĐ, TCT nhà nước, mắc mứu lớn nhất hiện nay là Nghị định 132 về vai trò quản lý, đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DNNN. Với trách nhiệm của mình, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ cho thành lập Tổng cục Quản lý và giám sát tài chính DNNN. Chưa yên tâm về trách nhiệm của 2 vị bộ trưởng, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nói 2 năm trước cũng tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đã tranh luận và trở thành “vô can” trong câu chuyện thất thoát đầu tư ở các TĐ, TCT: “Vừa rồi bộ trưởng cũng cho biết các ông chủ tịch TĐ, TCT quyết hết, không ai biết gì cả. Một nguồn lực lớn của đất nước, của nhân dân giao như vậy, cơ quan tham mưu về phân bổ nguồn lực, quản lý hiệu quả nguồn lực là Bộ KH-ĐT lại không biết. Bộ trưởng có xót xa không khi tiền của nhân dân được dùng như tiền riêng của các ông đó. Sửa đổi chính sách chậm, liệu Bộ KH-ĐT có tiếp tục vô can trong những thất thoát sau này?”. Đáp lại, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trần tình: “Tôi thấy rất xót xa và rất trăn trở. Có thể hiện nay cơ chế quản lý chưa thật hoàn thiện, nhưng cơ bản đã rõ. Những sai phạm vừa qua phần lớn liên quan đến con người. Ngoài việc hoàn thiện cơ chế như tôi đã nêu, rõ ràng vấn đề phẩm chất đội ngũ cán bộ, những người trực tiếp đụng chạm đến tiền hàng cần được quan tâm hơn nữa”. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, sắp tới trong dự thảo sửa đổi Nghị định 132 quy định rõ bộ chủ quản chuyên ngành sẽ chịu trách nhiệm quản lý toàn diện các DNNN thuộc bộ mình quản lý. Đó là định hướng Chính phủ đang thảo luận và chấp nhận.
Không tin không có chuyện “chạy” dự án
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm là tình trạng đầu tư dàn trải, cơ chế “xin - cho” và hướng khắc phục. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết đây cũng chính là một nhiệm vụ chính ông được giao xử lý khi về Bộ KH-ĐT. Tình trạng đầu tư dàn trải đã kéo dài rất lâu, nhưng nhu cầu đầu tư của các địa phương để phát triển kinh tế cũng là hợp lý. Tuy nhiên, cơ chế phân cấp còn chưa đủ chế tài để quản lý. Bộ trưởng cho biết Chỉ thị 1792 của Thủ tướng ban hành cuối năm 2011 sẽ cơ bản khắc phục những bất cập này. Cụ thể là các địa phương phải cân đối được nguồn vốn mới được ký quyết định đầu tư, đồng thời Chính phủ giao vốn cả gói cho địa phương tự cân đối trong cả giai đoạn 3 - 5 năm. Cho rằng câu hỏi của mình chưa được trả lời thỏa đáng, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) hỏi thẳng: “Xin bộ trưởng cho biết có tình trạng chạy dự án hay không?”. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đáp: “Có hay không, nếu tôi bắt được thì tôi đã kỷ luật rồi. Nhưng nói không có thì tôi không tin. Vấn đề là sắp tới khắc phục tình trạng này thế nào cho triệt để”. Chia sẻ với bộ trưởng nhưng ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng những giải pháp đang triển khai chưa thể khắc phục được cơ chế “xin - cho”. Theo ông Tâm, vấn đề là cần phải có các tiêu chí minh bạch để xác định các dự án cần ưu tiên. Đồng tình rằng làm sao để phân bổ đầu tư hợp lý mới là bài toán đúng, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết hiện đã có tiêu chí phân bổ vốn ngân sách, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Sắp tới vấn đề này sẽ tiếp tục được sửa đổi cho phù hợp.
Theo ĐB Trần Du Lịch, điều quan trọng là “gốc” của tình trạng đầu tư dàn trải vẫn chưa được đề cập. Hiện nay địa phương nào cũng có cơ chế kinh tế riêng, nên những giải pháp đang triển khai chỉ giải quyết được phần ngọn. Thừa nhận quan điểm này là đúng, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng căn cơ của tình trạng dàn trải là rất sâu xa. Hiện các địa phương đều được giao nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong khi điều kiện mỗi nơi 1 khác. Bộ trưởng nêu kinh nghiệm ở Pháp không giao chức năng làm kinh tế cho các địa phương, mà địa phương chỉ làm an ninh trật tự, an sinh xã hội… Vấn đề phát triển kinh tế đều do trung ương hoặc vùng quyết định. “Đối với Việt Nam đây là vấn đề quá lớn. Bên cạnh đó, tư duy kinh tế cũng là yếu tố quan trọng. Nếu không làm rõ vấn đề này, địa phương nào cũng muốn có cảng, có KCN”. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, chúng ta không thể làm được mọi việc trong một lúc được: “Trước khi những việc đại sự quốc gia như sửa đổi Hiến pháp chưa đề cập, hoặc chưa làm xong, việc cấp bách trước mắt là phải ngăn chặn đà dàn trải bằng những giải pháp mà chúng ta đang triển khai”.
| |
Bảo Minh
Năm 2013, cơ bản cấp xong sổ đỏ
* Năm 2012, phấn đấu giải quyết 80% khiếu nại tồn đọng về đất đai
Trong phiên họp sáng 13-6 của Quốc hội (QH), có tới 20 lượt chất vấn tại hội trường đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Nguyễn Minh Quang. 17 đại biểu (ĐB) khác đã đăng ký nhưng chưa có cơ hội chất vấn trực tiếp.
Thời hạn sử dụng đất nông nghiệp: 50 năm
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đặt câu hỏi trực tiếp với Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: “Năm 2013 sẽ hết thời hạn giao đất nông nghiệp theo Luật Đất đai 2003, sắp tới sẽ giải quyết như thế nào để tránh gây xáo trộn, bất ổn xã hội?”. Cũng liên quan đến đất nông nghiệp, ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) muốn biết bộ đã tham mưu cho Chính phủ như thế nào về đổi mới chính sách pháp luật đất đai; tạo điều kiện cho việc tích tụ đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại. Nêu thực tế có tới 70% khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) hỏi về vai trò của bộ trong việc trực tiếp giải quyết và tham mưu cho Chính phủ giải tỏa những điểm nóng này. “Những khiếu kiện liên quan đến đất đai còn tồn đọng tới mấy trăm đơn thư, bao giờ giải quyết dứt điểm?”, bà Bé bức xúc. Một số ĐB khác yêu cầu làm rõ kết quả giải quyết các vụ việc nóng thời gian qua như tại Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên), Cần Thơ…
|
Trả lời các ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang công nhận nhiều bất cập còn tồn tại trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bộ trưởng cho rằng, ở nhiều nơi, việc thu hồi đất chưa đảm bảo dân chủ, công khai, bình đẳng; chưa hài hòa lợi ích giữa 3 bên: Nhà nước, người sử dụng đất và người có đất bị thu hồi… Tới đây, sẽ quy định theo hướng Nhà nước thu hồi, tạo quỹ đất sạch, tổ chức đấu giá quyền sử dụng. Về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, dự kiến Luật Đất đai sửa đổi tới đây sẽ theo hướng kéo dài thời hạn sử dụng đất lên khoảng 50 năm. Hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp hiện 6ha, có thể được nâng lên 5 - 10 lần, nhưng cùng với đó phải có các chính sách thuế chặt chẽ đi kèm để ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất đai.
Liên quan đến cấp GCN quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, những trường hợp chưa cấp được phần lớn có nguồn gốc phức tạp, không đủ giấy tờ, có vi phạm trong quá trình sử dụng hoặc phải chờ quy hoạch… Đặc biệt, kinh phí đo đạc, lập bản đồ địa chính rất thiếu, ước cần tới khoảng 30.000 tỷ đồng, nhưng nay tất cả các nguồn cộng lại chỉ đạt 1.000 tỷ đồng/năm.
“Tiếp sức” cho Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai đang được xúc tiến tích cực, từ nay đến cuối năm sẽ giải quyết căn bản số đơn thư tồn đọng. Phát biểu góp phần làm rõ vấn đề, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, kể từ năm 2008, chính quyền cấp tỉnh được sử dụng tối thiểu 10% nguồn thu từ đất hỗ trợ kinh phí đo đạc lập bản đồ địa chính. “Với địa phương thực sự khó khăn thì sẽ dành một phần tăng thu cho công tác này”, người đứng đầu ngành tài chính nêu giải pháp.
“Với sự hỗ trợ của Bộ Tài chính và các địa phương, hy vọng đến hết năm 2013 có thể cơ bản cấp xong số sổ đỏ còn lại”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang phát biểu. Người đứng đầu Bộ TN-MT cũng cam kết sẽ tham mưu cho Chính phủ và yêu cầu các địa phương hạn chế mở rộng, cấp thêm đất cho các KCN khi chưa sử dụng hết phần diện tích đã cấp; đôn đốc việc thu hồi đất quá thời hạn chưa triển khai dự án; kể cả với các nhà đầu tư đã tiến hành xây dựng một số công trình trên đất, nhưng chưa hoàn thành, đưa vào sử dụng…
Kiên quyết xử lý KCN gây ô nhiễm môi trường
Nêu thực trạng: năm 2011 và 3 tháng đầu năm 2012 vẫn có 90% làng nghề gây ô nhiễm môi trường, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) yêu cầu làm rõ trách nhiệm của bộ và giải pháp khắc phục. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) bày tỏ trăn trở về tình trạng ô nhiễm tại nhiều lưu vực sông và hơn một lần “đề nghị bộ trưởng cho thời hạn cụ thể xử lý ô nhiễm, trả lại môi trường trong lành cho các dòng sông”. Trong khi đó, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) lo lắng về tình trạng xả nước thải không qua xử lý ra môi trường của nhiều KCN… Trước những bức xúc được phản ánh từ thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định: “Không hy sinh môi trường bằng mọi giá”. Bộ trưởng sẽ chỉ đạo ngành TN-MT làm tốt khâu thẩm định, đánh giá tác động môi trường trước khi cho phép các KCN mới được triển khai và kiên quyết xử lý các KCN không xây dựng hoặc vận hành hệ thống xử lý nước thải theo quy định.
Nhận định rằng tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề, các chính sách, văn bản về kiểm soát ô nhiễm môi trường đã khá đầy đủ, nhưng việc kiểm tra, xử phạt còn hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang lưu ý thêm, một số doanh nghiệp đã lợi dụng danh nghĩa “làng nghề” để né tránh bị kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định về môi trường. Trong việc này có trách nhiệm của bộ và của cả các địa phương, cần phối hợp chặt chẽ để xử lý trong thời gian tới.
Lồng ghép giữa công tác đền bù, tái định cư cho người dân phải di dời tại các công trình thủy điện và việc sử dụng tài nguyên nước ở các công trình này, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chất vấn: “Người dân tại nhiều xã miền núi tái định cư sau khi bị thu hồi đất làm thủy điện ở Phú Yên rất khó khăn, tỷ lệ nghèo lên 60%, thậm chí 80%. Việc trồng lại rừng của chủ đầu tư các dự án thủy điện không nghiêm túc, gây cạn kiệt nguồn nước, tạo ra nhiều dòng “sông chết”. Bộ trưởng nhìn nhận những vấn đề này như thế nào?”. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, thực tế người dân phải di dời để làm thủy điện đã có nhiều thiệt thòi, cuộc sống bị xáo trộn; các nhà đầu tư phải có trách nhiệm. Hiện chính sách đền bù đã tương đối thỏa đáng, sau này sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh. “Bộ TN-MT sẽ kỹ càng hơn khi thẩm định, đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện, đồng thời phối hợp giám sát việc thực hiện trách nhiệm phục hồi rừng của các chủ đầu tư”, người đứng đầu ngành TN-MT khẳng định.
Anh Thư
| |