Mướt mồ hôi, ngạt thở vì phải di chuyển từng bước trong “rừng” xe trên đường Lý Thường Kiệt, tôi cũng như nhiều người dân đang lưu thông trên đường không khỏi “ấm ức” khi liếc nhìn sang bên cạnh, ngay sát con đường chật ních là… vỉa hè rộng thênh thang. Về nguyên tắc, vỉa hè dành cho người đi bộ nhưng thực tế gần như chẳng có người đi bộ nào cả. Hầu hết diện tích vỉa hè… dành cho buôn bán.
Đường Lý Thường Kiệt tập trung nhiều cửa hiệu buôn bán vật liệu xây dựng nên trên vỉa hè đầy rẫy những sắt thép, những hộp sơn và những cuộn giấy dán tường… Và tất nhiên, trong một trung tâm kinh tế sầm uất bậc nhất cả nước như TPHCM, không chỉ có đường Lý Thường Kiệt có cảnh này. Rất nhiều, thậm chí có thể nói, đa số vỉa hè của TPHCM đều bị chiếm làm nơi buôn bán. Người đi bộ không có đường đi… không ít người đã buộc phải đi xuống lòng đường - nơi vốn dành cho các phương tiện giao thông. Bất chấp những hiểm nguy có thể xảy ra khi bản thân các phương tiện giao thông cũng phải chen lấn mới có đường đi và khả năng vô ý va quẹt với người đi bộ là rất cao.
Trả lại vỉa hè cho người đi bộ là một trong những việc làm mà TPHCM đã làm nhiều lần để lập lại trật tự an toàn giao thông. Rất nhiều cách, khách quan mà nói “rất hợp tình, hợp lý”, đã được thành phố áp dụng như dành một phần đường cho người đi bộ. Phần đường còn lại dành cho các hộ kinh doanh (sự phân chia này thường được xác định bằng một vạch sơn chia ranh giới). Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực ấy, phần lớn vỉa hè ở thành phố vẫn… chẳng có lối cho người đi bộ (cho dù vỉa hè có nơi rộng tới 4 - 5m). Không những thế, hành vi lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán còn làm nảy sinh rất nhiều hậu quả về mặt xã hội. Người dân buộc phải nghi ngờ chính quyền địa phương ở một số nơi có tiêu cực khi mà việc buôn bán trên vỉa hè diễn ra công khai mà không bị xử lý nghiêm… Ngược lại, lực lượng trật tự ra quân xử lý tình trạng buôn bán lấn vỉa hè, đôi chỗ tạo ra những bức xúc cho xã hội…
Đã có thời gian một số chuyên gia đặt vấn đề nên xây dựng vỉa hè như thế nào cho hợp lý. Thế nhưng, mọi tranh luận không có lối ra, không tìm được giải pháp tối ưu… Và đấy chính là câu chuyện về nghịch lý vỉa hè ở TPHCM.
TÂM ĐỨC