“Nghiện” fast food - Coi chừng gặp họa

“Nghiện” fast food - Coi chừng gặp họa

Gà rán, bánh kẹp thịt, khoai tây chiên, bim bim, nước ngọt có ga… là những thực phẩm ăn nhanh (fast food) đang được không ít gia đình, đặc biệt là giới trẻ và trẻ em ở thành thị ưa thích.

Tuy nhiên, trước những cảnh báo từ cơ quan y tế về tác hại của đồ ăn nhanh đối với sức khỏe và mới đây là về việc phát hiện hóa chất acrylamide gây ung thư trong một số loại thức ăn nhanh, đã khiến không ít người lo lắng. Đồng thời cũng buộc chúng ta phải có những nhìn nhận, suy nghĩ nghiêm túc về nguy cơ gây hại của… fast food đối với sức khỏe.

Thức ăn nhanh được giới trẻ ưa thích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho cơ thể nếu lạm dụng.

Thức ăn nhanh được giới trẻ ưa thích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho cơ thể nếu lạm dụng.

Ăn như… “nghiện”!

Chập tối, cửa hàng fast food trên đường Tôn Đức Thắng không còn bàn trống. Gọi liền một lúc hai phần gà rán cùng đĩa khoai tây chiên kèm nước ngọt cho 2 cậu con trai, chị Hương (ở Cát Linh) Hà Nội chia sẻ: “Nhiều hôm đi làm về muộn chẳng kịp chuẩn bị đồ ăn tối nên cho bọn trẻ ra đây ăn. Hơn nữa, mỗi lần ra quán này, chúng thích thú lắm, chẳng mấy chốc là chén hết sạch, còn ở nhà ăn cơm thì chật vật”.

Ngay gần bàn của mẹ con chị Hương là một nhóm 6 học sinh cấp 3 đang liên hoan, trên bàn ăn tràn ngập nước ngọt, pizza, khoai tây chiên, xúc xích nướng và cánh gà rán. Vừa ăn vừa tíu tít chuyện trò, em Trần Long (học sinh lớp 10, Trường THPT Đống Đa) nói: “Đây là quán ruột của chúng em. Cứ mỗi khi trong nhóm có bạn nào sinh nhật hay có gì vui, chúng em lại kéo nhau ra đây tụ tập. Ăn ở đây không chỉ được phục vụ rất nhanh mà còn có nhiều món ngon dễ lựa chọn”. Còn cô bạn gái của Long rất sành điệu khi vừa nghe nhạc vừa vào face nhoay nhoáy nói: “Bọn em đứa nào cũng nghiện quán này vì không chỉ có đồ ngon mà chỗ ngồi cũng rất thoái mái, lại có view đẹp, wifi miễn phí nên ai cũng cảm thấy thoải mái”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian gần đây, tại những đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, các cửa hàng, chuỗi cửa hàng bán đồ ăn nhanh không ngừng phát triển và mở rộng. Thực đơn tại các cửa hàng fast food rất đa dạng nhưng chủ yếu là đồ chiên rán, nướng và đáng chú ý hầu như không có bán rượu bia nên được giới trẻ và trẻ em rất khoái khẩu. Không ít gia đình khá giả cũng như nhiều học sinh, sinh viên có điều kiện thường xuyên đi ăn fast food như cơm bữa hàng ngày vì sự tiện lợi và nhanh chóng ở đây.

Bổ béo hay gây bệnh?

Rõ ràng sự thuận tiện và hấp dẫn của nhiều loại đồ ăn nhanh đã đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại ở đô thị. Thế nhưng, việc lạm dụng fast food sẽ gây ra những tác hại khôn lường đối với sức khỏe. Nhiều nghiên cứu y tế cho thấy, đồ ăn nhanh thường chứa nhiều năng lượng và chất đạm, chất béo nhưng lại rất ít chất khoáng, rau xanh và vitamin. Do đó, dùng nhiều đồ ăn nhanh sẽ khiến cơ thể thiếu và mất cân đối về dinh dưỡng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, chất béo trong các khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày rất quan trọng vì chúng tạo ra màng trao đổi chất, tạo ra mô, đặc biệt là mô thần kinh. Tuy nhiên, chất béo hay acid béo trong đồ ăn nhanh lại rất nguy hại cho trẻ em. Bởi quá trình chế biến đồ ăn nhanh luôn thực hiện ở nhiệt độ cao khiến dầu chiên bị hydro hóa, sản sinh ra một loại acid béo xấu, có hại cho cơ thể. Hơn thế, hàm lượng acid béo xấu trong đồ ăn nhanh luôn rất cao, cụ thể như trong 1 lạng khoai tây chiên có chứa 8g acid béo xấu.

Trong khi đó, nếu một người bình thường ăn khoảng 3,6g acid béo xấu/ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp ba lần so với mức 2,5g acid béo xấu/ngày. Với trẻ em, tỷ lệ này còn cao hơn rất nhiều nếu ăn đồ ăn nhanh đều đặn và quá 2 lần/tuần, không chỉ gây béo phì mà còn có nguy cơ gây ra nhiều bệnh lý khác. “Tốt nhất trẻ em chỉ nên ăn đồ ăn nhanh 1 lần/tuần và với trẻ đã béo phì tuyệt đối tránh xa đồ ăn nhanh”, TS Lâm khuyến cáo.

Các cửa hàng bán đồ ăn nhanh luôn thu hút được nhiều khách hàng vì tiện lợi và hấp dẫn.

Các cửa hàng bán đồ ăn nhanh luôn thu hút được nhiều khách hàng vì tiện lợi và hấp dẫn.

Nhiều chuyên gia y tế còn cho rằng, việc trẻ nhỏ sử dụng nhiều fast food, khi lớn lên sẽ gặp phải những trở ngại về khứu giác so với những đứa trẻ ít dùng đồ ăn nhanh, vì chất béo cao trong đồ ăn nhanh cùng với nước ngọt luôn kích thích khứu giác của trẻ, gây mất cảm giác về mùi vị sau này. Hơn nữa, hàm lượng cholesterol rất cao trong các loại đồ ăn nhanh sẽ rất không tốt cho động mạch. Chúng gây các chứng bệnh tắc nghẽn động mạch dẫn đến suy tim, gây hội chứng ruột dễ bị kích thích, chứng táo bón, quá tải chất độc và tăng cân.

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, việc sử dụng thực phẩm chiên với nhiệt độ cao và chiên làm nhiều lần sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư cho cơ thể vì các loại dầu ăn khi được đun nóng với nhiệt độ cao trong nhiều lần sẽ sản sinh ra các hóa chất nguy hại. Do đó, mọi người cần hạn chế sử dụng các đồ ăn chiên hay nướng ở nhiệt độ cao từ 150°C - 250°C.

Cùng với đó, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm đồ ăn nhanh cũng là vấn đề rất đáng quan tâm. Bởi lẽ, phần lớn nguyên liệu thực phẩm, phụ gia để chế biến fast food là đồ đông lạnh và được nhập khẩu với số lượng rất lớn nên khó đảm bảo an toàn. Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng đã từng phát hiện không ít cửa hàng bán đồ ăn nhanh sử dụng các thực phẩm và phụ gia không rõ nguồn và hết hạn sử dụng, gây nguy hại cho người sử dụng.

Theo khuyến cáo của ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, để hạn chế chất acrylamide (gây ung thư) sinh ra khi chiên, nấu thì cần xử lý đúng cách những thực phẩm chứa tinh bột, như: ngâm khoai tây trong nước ít nhất 30 phút trước khi chiên; chia thành nhiều lát nhỏ khi nướng bánh mì; thực phẩm không nên rán hoặc nướng lại nhiều lần và hạn chế dùng dầu đã qua sử dụng để chiên thực phẩm nhiều lần.

TRUNG KIÊN

Tin cùng chuyên mục