Ngọn hải đăng của các trí thức trước những vấn đề trọng đại của đất nước

(SGGPO).- Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trí thức cách mạng, một nhà giáo yêu nước nên Đại tướng đã dành rất nhiều tình cảm và tâm trí để xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam, phát triển nền giáo dục và khoa học trong công cuộc đổi mới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn như ngọn hải đăng của những người trí thức trước những vấn đề trọng đại của đất nước.

Năm 1977, hai năm sau khi thống nhất đất nước, theo sự phân công của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giã từ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã được Hồ Chủ tịch ủy nhiệm từ năm 1945 để nhận công tác ở cương vị mới: Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực Khoa học – Kỹ thuật.

Cho đến hôm nay, những tư duy của ông vẫn khiến chúng ta phải kính trọng về hàm lượng trí tuệ và con mắt chiến lược. Từ những năm 1978, khi tư duy kinh tế thời chiến vẫn còn ngự trị trong toàn xã hội, ông đã nhìn thấy vấn đề “đẩy mạnh cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp nước ta”. Đại tướng đặc biệt nhấn mạnh đến mối quan hệ tổng hòa của các yếu tố đất - nước - rừng - biển trong việc giữ gìn hệ sinh thái và phát triển lâu dài. Trong một đất nước có bờ biển dài hơn 3000 km với 80% dân số là nông dân, tư duy ấy không chỉ đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế, cho an ninh quốc phòng, mà còn đảm bảo cho cuộc sống lâu dài của mỗi người dân. Giờ đây, những suy nghĩ từ cách đây hơn 30 năm ấy mới bắt đầu đi vào cuộc sống.

Ngoài chiến lược về nông nghiệp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn đề xuất một chiến lược về kinh tế biển và khoa học kỹ thuật về biển. Trong đó, việc mở đường ra biển, làm ăn kinh tế biển được kết hợp chặt chẽ với quốc phòng. Mục đích lâu dài là chuyển đổi cơ cấu kinh tế ven biển thành miền công nghiệp thủy sản trù phú.

Ngay từ năm 1985, Đại tướng đưa ra những kiến nghị sâu sắc về việc đổi mới quản lý trong khoa học và giáo dục, trong đó Đại tướng nhấn mạnh đến việc phải có chế độ trả công cho lao động khoa học tương xứng, chấm dứt việc thang lương của thầy cô giáo, kỹ sư… lại thấp hơn cả thu nhập của thầy bói, thầy cúng. Đòi hỏi phải xây dựng một môi trường thật sự dân chủ đối với tư duy khoa học, trong đó việc tôn trọng trí thức, khuyến khích nhân tài đã được Đại tướng dày công xây dựng trong một bản chiến lược công bố từ tháng 1 năm 1989, đến nay đã được gần 20 năm nhưng vẫn chưa bao giờ vơi đi tính thời sự. 

Đại tướng rất quan tâm đến sự nghiệp phát triển Khoa học - Kỹ thuật. Hồi ở chiến khu Việt Bắc ông đã khen ngợi những chiến công của Badoca, thấy kỹ sư Trần Đại Nghĩa là người hiền lành, ít nói, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gọi ông là “ông Phật làm súng”. Khi đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, được Đảng, Nhà nước giao làm Phó Thủ tướng phụ trách khoa học, kỹ thuật, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, dù công việc rất mới mẻ, nhưng được Đảng tin cậy, Đại tướng đã đi sâu, đi sát từng nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ. Thành tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như những đề đạt, ý kiến với Đảng và Nhà nước. Nhờ đó mà Đại tướng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong công việc nào ông đều để lại dấu ấn sâu đậm.

Lúc còn khoẻ, mỗi lần về thăm quê, Đại tướng đều hỏi lãnh đạo tỉnh về những người biết vượt khó, khắc phục thiên nhiên khắc nghiệt để vươn lên trong sản xuất, làm giàu cho bản thân, cho quê hương và chủ động đến thăm họ. Đại tướng đã nhiều lần đến thăm mẹ Phạm Thị Nghèng ở Quang Phú (Đồng Hới). Người phụ nữ được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì thành tích trồng rừng chắn cát - mẹ Nghèng không biên chế, không hưởng lương, nhưng có đến 40 năm trồng rừng chắn cát. Cả một rừng cây phi lao ven biển Đồng Hới bây giờ đều do mẹ và đội trồng rừng của mẹ tạo nên. Hơn thế, mẹ Nghèng là người đầu tiên có sáng kiến dùng đọt phi lao để ươm cây giống (trước đó người ta chỉ biết ươm từ hạt). Lần nào đến thăm mẹ Nghèng, Đại tướng cũng rất xúc động. Ông bảo: “Quảng Bình cát trắng, gió Tây Nam (gió Lào), nếu ai cũng làm được như mẹ Nghèng thì tốt biết mấy!”.

Một lần khác, khi nghe tin ở vùng đồi Cồn Chay, xã Cự Nẫm (Bố Trạch) có người nông dân Ngô Văn Lý trồng rừng làm kinh tế giỏi, Đại tướng đã đến thăm và rất vui mừng khi biết được, trong lúc đề tài nghiên cứu nhân giống cây huỵnh (tiếng địa phương là huệng - một loại gỗ tốt dùng để đóng tàu thuyền) được các nhà khoa học nghiên cứu nhiều năm mà chưa có kết quả thì ông Lý đã nhân giống để trồng cả một rừng hàng chục ha. Ông Lý còn “chuyển giao công nghệ “ cho lâm trường Nhà nước miễn phí. Ông Lý đã làm cho đất đồi hoang của huyện Bố Trạch trở nên “đắt như tôm tươi” vì nhà nhà nhận trồng huỵnh. Lần đó, trong lúc ông Lý luống cuống vì không ngờ được rằng trong đời mình lại may mắn được đón vị Tổng tư lệnh quân đội mà ông kính phục ngay tại nhà mình thì Đại tướng đã ôn tồn nói: “Trong lúc Quảng Bình băn khoăn với việc “trồng cây gì, nuôi con gì” thì anh đã chứng minh bằng việc làm của mình. Anh xứng đáng là một chiến sĩ quân đội nhân dân, một cựu chiến binh, một tiến sĩ thực hành như người dân đã phong cho"…

Công lao của Đại tướng kể sao cho xiết. Chỉ xin thắp nén tâm nhang thành kính mong Bác an nghỉ chốn vĩnh hằng.

GS Nguyễn Lân Dũng kể
(Phan Thảo ghi)

Tin cùng chuyên mục