Ngư dân phấn khởi vươn khơi bám biển

Những ngày đầu năm, các làng chài miền Trung ngư dân vui như... tết. Các chuyến tàu ra khơi ngắn ngày trúng đậm thủy hải sản, các khoang tàu đầy ắp tôm cá và cả những tiếng cười giòn tan. Chuyến quay về bờ, chuyến hối hả ra khơi dự cảm một năm làm ăn may mắn.
Ngư dân phấn khởi vươn khơi bám biển

Những ngày đầu năm, các làng chài miền Trung ngư dân vui như... tết. Các chuyến tàu ra khơi ngắn ngày trúng đậm thủy hải sản, các khoang tàu đầy ắp tôm cá và cả những tiếng cười giòn tan. Chuyến quay về bờ, chuyến hối hả ra khơi dự cảm một năm làm ăn may mắn.

Ngư dân Thừa Thiên - Huế phấn khởi với chuyến ra khơi đầu năm.

Ngư dân Thừa Thiên - Huế phấn khởi với chuyến ra khơi đầu năm.

  • Lộc biển đầu năm

Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, các năm qua chất lượng tàu cá địa phương được cải thiện rõ rệt. Nhiều tàu, chiều rộng đến 5,9m, dài 19,8m, công suất đến 340 mã lực, được trang bị thiết bị định vị vệ tinh, vô tuyến tầm xa, đo sâu dò cá… được đóng mới. Đội tàu khai thác cá lạt bằng lưới rê tầng đáy đạt sản lượng cao vì có thể đánh bắt trong điều kiện gió cấp 6, cấp 7. Năm qua, chi cục đã phối hợp với Bộ đội biên phòng, cấp phát không thu tiền 5 bộ đàm từ xa, 10 phao bè cứu sinh, 80 máy trực canh, 300 áo phao cho các tổ chức ngư dân ven biển.

Tại khu neo đậu tàu thuyền Thuận An (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) những khuôn mặt ngư dân đen sạm vì cháy nắng nhưng lại rạng rỡ nụ cười bên những khoang thuyền đầy ắp tôm cá. Trên bờ, tiếng nói cười, trả giá của những đầu nậu đang mua bán, phân loại thủy hải sản cũng nhộn nhịp không kém.

Ngư dân Cao Văn Lời, thuyền viên tàu đánh bắt xa bờ vừa cập bến, vui vẻ nói: “Bảy anh em bạn chài ra khơi sáng mùng 2 Tết. Sau một tuần khai thác được hơn 10 tấn cá các loại, trừ chi phí còn lãi 60 triệu đồng”.

Vừa buộc dây neo, ngư dân Nguyễn Văn Tí niềm nở: “Trước khi xuất phát, anh em làm mâm cơm cúng thần biển đầy đủ các lễ vật, bánh chưng, bánh tét cầu mong mẹ biển phù hộ chuyến xông biển đầu năm cá tôm nặng lưới. Biển không phụ lòng người, kéo chưa tới mười mẻ lưới nhưng cũng hơn 1 tạ cá nục… Sau tết cá nục giá từ 50.000 - 70.000đ/kg, trừ chi phí xăng dầu, chia nhau mỗi người hơn nửa triệu đồng, cao hơn ngày thường khá nhiều…”.

Theo kinh nghiệm của ngư dân, trong năm muốn làm ăn phát đạt, may mắn tùy thuộc vào ngày xuất phát đầu năm. Họ luôn cầu mong sức khỏe dồi dào, kiên cường bám trụ ngư trường, làm ăn thắng lợi và bảo vệ lãnh hải Tổ quốc. Trong hơn một tháng qua, ông Nguyễn Văn Ty, ngư dân xã Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình) rất phấn khởi vì chưa bao giờ dân biển đi đánh lộng gần bờ trúng đậm ruốc như năm nay. Hàng trăm thuyền đánh bắt gần bờ đi chuyến ban đêm và cập bờ tại các xã biển Quảng Bình luôn chở đầy loại thủy sản này. Mỗi thuyền từ hai đến ba người đi, thường vào bờ với khoảng 5 - 7 tạ ruốc, thu nhập mỗi thuyền/đêm từ bảy đến tám triệu đồng.

Ông Ty cho biết: “Có đêm theo những làn ruốc đỏ ngầu, rộng cả cây số, kéo dài đến cả chục kilômét, vớt đầy mạn thuyền, phải để hôm sau vớt tiếp. Việc trúng đậm ruốc biển khiến ngư dân đánh bắt gần bờ phấn khởi và có được cái tết vui hơn mọi năm”. Thường mùa ruốc kéo dài khoảng ba tháng. Mừng hơn nữa là ruốc kéo về nhiều sẽ kéo theo nhiều luồng cá, thuận lợi để ngư dân đánh bắt.

  • Náo nức ra khơi

Khác với mọi năm chưa có nghiệp đoàn nghề cá, các ngư dân của xã An Hải (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) mạnh ai nấy ra khơi. Năm nay khác, một lễ xuất bến đã được Nghiệp đoàn nghề cá An Hải tổ chức trang trọng và hoành tráng, thể hiện ý chí đoàn kết đánh bắt, tương trợ nhau trên biển mở đầu mùa vụ đánh bắt đầu năm.

Tại cảng cá Lý Sơn, 58 tàu cá đánh bắt xa bờ, trang trí rực rỡ cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu, cùng hàng trăm đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá An Hải ai cũng hồ hởi. Có mặt tại lễ ra quân, ngư dân Lê Túc (Thuyền trưởng tàu QNg 96029 TS đang tham gia khai thác hải sản tại ngư trường Trường Sa) cho biết: “Tổ chức lễ ra khơi như khuyến khích, động viên anh em vững chắc tay lái, vững tin mùa biển mới khấm khá và bình yên”.

Vui mừng vì bội thu, trúng lớn trong mùa biển 2012, ngư dân Lê Khởi (Thuyền trưởng tàu cá QNg 96697 TS, ở thôn Tây, xã An Hải, hiện đang tham gia khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa) nói: “Mùa biển mới 2013 này, chúng tôi chỉ cầu mong được thuận buồm xuôi gió, tàu về tôm cá đầy ghe”. Sau hồi trống lệnh của lãnh đạo địa phương và vạn chài, hàng trăm tàu cá với đầy đủ ngư cụ, nhiên liệu... giương cao lá cờ đỏ sao vàng, đồng loạt rẽ sóng ra khơi, bắt đầu mùa biển mới. Thành lập từ tháng 9-2011, đến nay Nghiệp đoàn nghề cá An Hải có 58 tàu cá đánh bắt xa bờ với gần 700 đoàn viên.

Mùa biển 2012, đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá An Hải khai thác được trên 16.000 tấn hải sản các loại, với giá trị đạt trên 150 tỷ đồng, thu nhập bình quân một lao động đạt từ 50 - 70 triệu đồng/người/năm. Cùng trong không khí đó, tại cảng Tịnh Hòa (huyện Sơn Tịnh) hàng chục chiếc tàu đang nối đuôi nhau rời bến và nhiều chiếc khác đang chuẩn bị ra khơi.

Không ngơi tay cùng với anh em kiểm tra và đưa lưới xuống tàu, ngư dân Lê Văn Nguyên (37 tuổi), ở Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, bày tỏ: “Do tàu lớn (công suất trên 400 CV), nhưng cửa biển Sa Huỳnh bị cạn nên phải neo đậu nhờ ở đây. Chuyến cuối cùng của năm vừa rồi đánh được rất khá, sau khi trừ các khoản chi phí chia được gần 10 triệu đồng/người. Vì vậy nên năm nay mọi người quyết định ra khơi sớm hơn một tuần so với dự tính.

Ông Nguyễn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, phấn khởi cho biết: “Toàn xã hiện có khoảng 935 tàu thuyền, với tổng công suất gần 15.500 CV. Trong đó riêng số có công suất từ 90 CV - 500 CV trên 646 chiếc, tăng 70 tàu so với năm trước. Năm qua dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết thất thường, giá dầu tăng thế nhưng sản lượng hải sản đánh bắt vẫn đạt khoảng 110% kế hoạch đề ra, với tổng sản lượng hải sản các loại ước trên 37.200 tấn.

Tại cửa biển Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa) ước tính hơn nửa số tàu đánh bắt xa bờ của địa phương cũng đã rời bến. Theo đại diện chính quyền các huyện: Bình Sơn, Đức Phổ, Sơn Tịnh... thì đầu năm thời tiết khá thuận lợi nên số tàu đánh bắt xa bờ đều tranh thủ ra khơi sớm hơn mọi năm. Riêng số phương tiện khai thác ở ngư trường trong tỉnh thì mở biển rất sớm, nhiều nơi ngư dân đã đưa tàu xuất bến từ ngày mùng 2 âm lịch.

NHÓM PV

Ngư dân Bạc Liêu nghinh Ông đón lộc đầu năm. Ảnh: P.T.Cường

Ngư dân Bạc Liêu nghinh Ông đón lộc đầu năm. Ảnh: P.T.Cường

Tin cùng chuyên mục