Kết thúc kỳ nghỉ lễ dài ngày, trái với những lo lắng của ba mẹ, hai đứa con tôi đã biết tự giác thức dậy đúng giờ, háo hức trở lại trường ngay trong ngày học đầu tiên của năm mới.
Hỏi đứa con gái lớn vì sao, bé thật thà cho biết vì giáo viên chủ nhiệm đã hứa với cả lớp sẽ có quà cho tất cả bạn nào đi học đúng giờ trong ngày học đầu năm, ngược lại bạn nào đi học trễ (mà không có lý do chính đáng) sẽ bị phạt trực nhật trong hai ngày. Hình phạt tuy đơn giản, phần thưởng cho những ai đi học đúng giờ cũng rất “học trò” theo kiểu thước kẻ, cục gôm, bút chì nhưng vẫn khiến các em vô cùng thích thú. Riêng đứa con trai út trên suốt đoạn đường mẹ chở từ trường về nhà, cậu cứ ríu rít kể cho tôi nghe về những hoa mai được cô giáo vẽ vào vở tập viết, một phong bao lì xì đỏ và bộ tranh cát do bé tự tay làm ở lớp. Có thể nói bằng sự tinh ý, hai cô giáo đã biết tìm ra những món quà tuy nhỏ về vật chất nhưng vô cùng to lớn về mặt tinh thần, giúp các con tôi sớm bắt nhịp lại yêu cầu học tập. Buổi chiều tan học đầu năm của ba mẹ con vì thế ngập tràn tiếng cười.
Ở khía cạnh khác, tôi đã từng chứng kiến nhiều buổi biểu diễn văn nghệ chào mừng năm mới do các trường tổ chức. Rộn rã có, hoành tráng có nhưng khi xem xong các tiết mục biểu diễn, học sinh lại uể oải trở về lớp sau khi nghe những lời động viên, nhắc nhở của cô hiệu phó về những kỳ thi, những nội quy cần chấn chỉnh. Không thể phủ nhận thực tế là sau mỗi kỳ nghỉ lễ, đặc biệt những dịp nghỉ lễ dài ngày, học sinh thường trở lại trường với tâm lý uể oải, tiếc nuối những ngày vui chơi thoải mái. Nếu không có giáo viên kịp thời nhắc nhở, các em sẽ dễ chây lười, khó bắt kịp tiến độ học tập đã đề ra từ đầu năm. Tuy nhiên, ngay cả nhiều người lớn cũng thừa nhận không muốn quay trở lại công sở sau những ngày nghỉ ngơi bên gia đình.
Dạo một vòng quanh các trang mạng xã hội sẽ thấy đề tài “hot” nhất trong ngày làm việc đầu năm là “Nghỉ lễ bạn đi đâu, làm gì?”. Điều ấy cho thấy dư âm lễ vẫn ngập tràn dù đã bước qua tuần mới. Vậy thì hà cớ gì chúng ta buộc các em học sinh, những công dân còn ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” biểu hiện khác đi với những cảm xúc thật của mình? Thay vì yêu cầu học sinh sớm quên đi những ký ức đẹp qua những ngày nghỉ lễ, một giáo viên “tâm lý” sẽ là người biết tôn trọng cảm xúc của học sinh, tạo điều kiện cho các em kể lại những kỷ niệm vui, khéo léo tìm sự liên kết giữa những niềm vui đó với các mục tiêu học tập. Điều đó sẽ góp phần giúp giải tỏa tâm lý nặng nề cho học sinh trong ngày học đầu năm, đồng thời tăng cường sự gắn kết giữa các học sinh với nhau trong cùng lớp học.
Đó là chưa kể, chi phí “trọn gói” cho mỗi tiết mục văn nghệ biểu diễn ở các trường mầm non, tiểu học hiện nay thấp nhất cũng ở mức 300.000 - 500.000 đồng/tiết mục, bao gồm các chi phí thuê quần áo biểu diễn, mời biên đạo múa, chuẩn bị nước uống, âm thanh, ánh sáng... Tuy nhiên với cách làm của hai cô giáo ở trường hợp đầu tiên cho thấy không cần bỏ ra quá nhiều chi phí, chỉ bằng sự khéo léo các cô cũng có thể tạo niềm vui cho học sinh. Mục đích sau cùng tuy không có gì khác biệt nhưng nếu làm không đúng cách sẽ dẫn đến phản tác dụng.
Trong vai trò một phụ huynh, tôi luôn mong muốn mỗi ngày đi học đối với các con là một ngày vui. Ở đó mọi hoạt động đều trở nên thân thiện, không có tính áp đặt, xa cách để trường học xứng đáng là “người bạn lớn” dìu dắt các em qua những năm tháng ý nghĩa nhất của cuộc đời.
THU TÂM