Đồng chí Phạm Văn Đồng (ảnh) là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cộng sản, về học tập và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, được nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới tin yêu, kính phục. Nhân kỷ niệm 11 năm ngày mất (29-4-2000 - 29-4-2011) của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, xin ghi lại đôi nét về người cộng sản kiên trung của dân tộc, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng chí Phạm Văn Đồng (bí danh là Tô) sinh ngày 1-3-1906 tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Đồng chí sớm giác ngộ cách mạng và biết đến lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc qua sách báo. Năm 1924, đồng chí bắt đầu tiếp cận với tư tưởng cách mạng cũng như con đường cách mạng mà Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra. Năm 1926, đồng chí sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức, trực tiếp giảng dạy và được kết nạp vào Việt Nam thanh niên đồng chí Hội.
| |
Cuối năm 1927, đồng chí Phạm Văn Đồng từ Trung Quốc về nước hoạt động ở Sài Gòn và bị thực dân Pháp bắt tháng 7-1929. Chúng kết án 10 năm tù và đày đồng chí đi Côn Đảo. Suốt 7 năm (1929-1936) bị tù đày, đồng chí Phạm Văn Đồng luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản và cùng nhiều đồng chí khác đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Đầu năm 1940, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Côn Minh (Trung Quốc) chuẩn bị về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đồng chí Phạm Văn Đồng được giao phó những nhiệm vụ quan trọng.
Suốt 75 năm công tác liên tục, qua nhiều cương vị, đồng chí Phạm Văn Đồng đã tự học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức cách mạng của Bác Hồ. Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã thực hiện 4 tác phẩm về tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó cũng là những công trình khoa học đối với công tác nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào công tác giáo dục chính trị, lý luận của Đảng ta hiện nay.
Là vị Thủ tướng tại vị lâu nhất (1955-1987), đồng chí luôn trăn trở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, xây dựng tiền đề, tạo lập và phát triển một chính quyền của dân, do dân, vì dân. Trong cuộc sống đời thường, đồng chí luôn là tấm gương mẫu mực, liêm khiết, giản dị, nhân ái, bao dung, gần gũi với nhân dân.
Đồng chí Phạm Văn Đồng còn là nhà lãnh đạo kinh tế giàu kinh nghiệm. Ngay sau khi đất nước giành được độc lập (năm 1945), với cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên của chính phủ mới, đồng chí đã có nhiều chủ trương sáng suốt giải quyết những khó khăn về tài chính cho đất nước.
Trong cương vị Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng trong hai cuộc kháng chiến, đồng chí đã lãnh đạo, quản lý mọi mặt hoạt động của Nhà nước nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, huy động sức người, sức của cho kháng chiến, tổ chức tốt công tác chi viện cho tiền tuyến đem lại sức mạnh to lớn cho cuộc kháng chiến, đánh thắng các thế lực xâm lược, thống nhất đất nước.
Trên lĩnh vực đối ngoại, đồng chí Phạm Văn Đồng là nhà ngoại giao kiệt xuất, thể hiện sinh động tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Với tầm ảnh hưởng của mình, đồng chí Phạm Văn Đồng được xem là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất tại Việt Nam trong thế kỷ 20.
MINH NGỌC
(Tổng hợp theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)