Cơn mưa chiều 15-9-2015 đã làm nhiều tuyến đường của TPHCM ngập nước, gây ra nhiều tác hại cho người dân. Nên chăng đã đến lúc xem xét, cân nhắc thêm các giải pháp chống ngập? Báo Sài Gòn Giải Phóng xin giới thiệu với bạn đọc một số đề xuất mới của các chuyên gia.
Doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn khi lưu thông trên đường bị ngập. Ảnh chụp sau cơn mưa chiều 15-9. Ảnh: CAO THĂNG
* Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM: Rà soát, đánh giá lại các công trình chống ngập đã thực hiện
Từ hơn 10 năm trước, TPHCM đã có quy hoạch chống ngập nước do mưa. Lần lượt các năm sau các quy hoạch chống ngập do triều cường và lũ đã ra đời. Trên cơ sở này, một loạt các dự án chống ngập đã được thành phố thực hiện như dự án cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ-Bến Nghé, dự án nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm… Tuy một số thiết kế liên quan đến cống thoát nước của nhiều dự án do chưa đánh giá hết sự tác động quá nhanh của biến đổi khí hậu nên đã lạc hậu so với thực tế hiện nay, nhưng tôi cho rằng về cơ bản nếu tất cả hệ thống cống thoát nước mới được xây dựng được thi công với chất lượng tốt, tình trạng ngập nước ở TP không nặng nề như hiện nay. Tôi nghe nói, có nhiều công trình lắp đặt cống thoát nước đã được thi công cẩu thả: lắp đặt không đúng cao trình, mối nối giữa các đoạn cống không khít nên đất đá đã rơi vào…. Thực hư tình trạng này như thế nào? Tôi cho rằng TP nên rà soát, đánh giá lại toàn bộ công tác thi công các công trình chống ngập đã thực hiện, để có câu trả lời thỏa đáng cho người dân, bởi lẽ cống thoát nước đặt ngầm dưới đất, người dân không thể giám sát chất lượng thi công.
Ngoài ra, trong bối cảnh chưa kiểm soát chặt chẽ hết được toàn bộ công trình thi công lắp đặt cống thoát nước cũng như chưa kiểm soát được việc người dân vứt rác, thậm chí đổ đất cát vào hố ga của hệ thống cống thoát nước, TP nên cân nhắc việc làm mương thoát nước hở. Tiện ích của mương thoát nước hở là kiểm soát được chất lượng thi công, đánh giá được lưu lượng nước thoát và vớt rác, xử lý điểm nghẽn kịp thời ngay khi chúng vừa xuất hiện. Bất lợi của phương thức này là có thể ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị và gây mất an toàn cho người dân. Tuy nhiên, chúng ta có thể khắc phục bất lợi này bằng cách xây hàng rào hình vòm phủ lên mương và trồng cây xanh để che đi lõi thép không đẹp. Điều quan trọng cuối cùng, theo tôi, chính quyền phải làm cho người dân hiểu rằng, cần chung tay chống ngập với thành phố từ những việc đơn giản nhất: không vứt rác bừa bãi, đặc biệt vứt xuống kênh, rạch làm nghẽn đường thoát nước. Nếu người nào cố tình vi phạm sẽ bị xử lý thật nghiêm. Thời gian qua, TPHCM dường như chưa chú trọng đúng mức đến việc xử lý các vi phạm này.
* Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Viện Nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM: Nâng cao trách nhiệm chống ngập
Trước hết, nói về các cơ quan có chức năng chống ngập, tôi cho rằng cần xác định lại rõ hơn mô hình tổ chức và phương thức phối hợp làm việc. Trung tâm chống ngập TPHCM hiện không có quyền lực Nhà nước, đơn giản đấy chỉ là cơ quan có chức năng tổng hợp, nghiên cứu, phối hợp làm việc với các sở ngành chức năng. Trong rất nhiều trường hợp các đề xuất, kiến nghị hoặc nghiên cứu của Trung tâm chống ngập gửi tới các sở ngành chức năng bị “ngâm” nhiều tháng làm cho hiệu quả làm việc của Trung tâm chống ngập bị hạn chế. Trung tâm chống ngập chỉ thực sự được triển khai thực hiện công tác chống ngập ở một vài dự án nhỏ…, phần lớn công tác này do Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trong khi đó “nói” đến trách nhiệm chống ngập, thường người dân nghĩ tới Trung tâm chống ngập. Đã có ý kiến cho rằng nên “trả” chức năng chông ngập về cho Sở Giao thông Vận tải như trước đây nhưng tôi nghĩ không nên, bởi hiện nay nhân sự của Trung tâm chống ngập đã lên tới khoảng 300 người mà còn luôn bị quá tải trong công việc. Đưa công tác này về Sở Giao thông Vận tải chắc chắn sẽ làm cho Sở Giao thông Vận tải gặp khó hơn trong nhiệm vụ của mình. Do vậy, cách hay nhất là TPHCM nên đề xuất Chính phủ có cơ chế riêng cho Trung tâm chống ngập để đây thực sự là cơ quan có trách nhiệm và quyền lực để thực thi trách nhiệm chống ngập cho thành phố.
Với các tổ chức và cá nhân, TP cũng nên xác định rõ hơn trách nhiệm của họ trong việc cùng thành phố chống ngập. Các tổ chức xây dựng công trình, bê tông hóa, thu hẹp diện tích thấm nước của thành phố hoặc xây dựng công trình mới, làm tăng thêm nhu cầu tiêu thoát nước của thành phố, phải có trách nhiệm xử lý phần tiêu thoát nước tăng thêm này. Họ phải xây thêm hồ điều tiết nước ngay tại khu vực công trình của mình thay vì đổ hết nước ra hệ thống thoát nước của thành phố. Đối với người dân, cũng tương tự. Nhà nước nên vận động người dân cùng tham gia chống ngập. Sở Xây dựng nên nghiên cứu đưa yêu cầu xây dựng bể chứa nước nhỏ, phù hợp với quy mô từng hộ gia đình trong điều kiện cấp phép xây dựng nhà mới. Nếu có thể Nhà nước nên dành một phần kinh phí trong chống ngập hỗ trợ cho người dân làm bể nước. Chỉ cần một triệu hộ dân của thành phố hưởng ứng việc này thì đã có hàng triệu m3 nước được trữ lại mỗi khi mưa xuống, và chắc chắn điều này sẽ góp phần không nhỏ trong công tác chống ngập của TP. Ngoài ra, cũng nên chú trọng đến việc sử dụng các vật liệu mới thoát nước tốt trong xây dựng. Tôi được biết một đơn vị sản xuất xi măng trong nước đã sản xuất ra được một loại xi măng có khả năng thấm nước khá tốt. Các cơ quan chức năng nên tìm hiểu thông tin này và nếu đúng, nên liên hệ với nhà sản xuất để đưa vật liệu này vào xây dựng để tăng khả năng thoát nước cho thành phố.
Tâm Đức (ghi)