LTS: Trong dịp kỷ niệm Quốc khánh, nhiều bạn đọc nêu những ý kiến tâm huyết góp ý về công tác quản lý nhà nước. Báo SGGP trân trọng giới thiệu một số ý kiến về vấn đề này.
Chú trọng phát huy vai trò công nghệ thông tin
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý, điều hành ở các cơ quan nhà nước đang diễn ra tương đối phổ biến. Chính vì vậy, hầu như những cơ quan chuyên môn từ cấp quận - huyện trở lên đều có một hay vài cán bộ phụ trách mảng CNTT, được đào tạo bài bản ở các chuyên ngành CNTT tại các trường cao đẳng, đại học. Tuy có một đội ngũ cán bộ CNTT có chuyên môn như thế, nhưng hiện nay việc tăng cường ứng dụng CNTT trong điều hành, quản lý công tác quản lý nhà nước vẫn còn hạn chế.
Đa phần cán bộ CNTT trong cơ quan nhà nước không phát huy hết năng lực chuyên môn của mình, nguyên nhân một phần xuất phát từ chính bản thân họ, nhưng một phần cũng do chính sự điều hành quản lý không tốt của người lãnh đạo, chưa tạo được một môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ cán bộ CNTT. Hàng ngày, đội ngũ này bị cuốn vào vòng xoáy của công tác hành chính nên không thể đi sâu vào chuyên môn của mình. Nguyên nhân nữa là lãnh đạo chưa có bước đột phá trong công tác chỉ đạo đổi mới việc quản lý và điều hành bằng CNTT, để từ đó yêu cầu đội ngũ cán bộ CNTT này xây dựng những giải pháp công nghệ, kỹ thuật. Chính vì lẽ đó mà ở các cơ quan nhà nước, những chương trình, phần mềm, thậm chí cả trang web cũng phải thuê các công ty tin học thực hiện, còn đội ngũ cán bộ CNTT gần như bị thụ động, họ chưa đủ tự tin để xây dựng hoặc phát triển tốt một chương trình, phần mềm nào đó cho sát với lĩnh vực, của ngành, đơn vị mình. Cái vòng luẩn quẩn môi trường công tác không phù hợp, lãnh đạo không đòi hỏi yêu cầu cao trong đổi mới việc quản lý và điều hành bằng CNTT, đã khiến đội ngũ cán bộ CNTT xa rời dần chuyên môn, không thường xuyên học tập, kiến thức dần dần bị mai một, chậm tiếp cận công nghệ mới, tạo nên sự lãng phí lớn về nhân lực.
VĂN THY HOÀNG
(Phòng GD-ĐT Hội An, Quảng Nam)
Hàng ngày, các thùng rác trên phố đi bộ được công nhân vệ sinh lau chùi sạch sẽ.Để thành phố sạch đẹp, văn minh, chỉ từ cơ quan chức năng thì chưa đủ, mà rất cần nâng cao được ý thức cộng đồng. Ảnh: THANH HẢI
Cải thiện đời sống nông dân từ việc thu mua nông sản
Trong công tác quản lý nhà nước, một vấn đề lớn bị vướng mắc nhiều năm chưa được tháo gỡ hiệu quả là giá nông sản không đảm bảo được cho người nông dân an tâm sản xuất. Tình trạng “trúng mùa, rớt giá” vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Nông dân điêu đứng vì thu hoạch từ nông vụ không đủ để trả nợ vay ngân hàng.
Có một nghịch lý đã tồn tại nhiều năm qua là giá nông sản từ nhà vườn đến tay người tiêu dùng chênh lệch quá xa. Như chúng ta thấy, có khi nông sản rớt giá tệ hại, nhưng ở các chợ tại TPHCM, giá nông sản vẫn cao. Từ đó cho thấy, vấn đề là ở chỗ thu mua. Ở nước ta, việc thu mua nông sản không tập trung như ở Thái Lan. Chính phủ Thái Lan đã triển khai hàng loạt chương trình thu mua trợ giá nông sản từ tháng 10-2011. Mục tiêu của các chương trình này nhằm nâng đỡ mặt bằng giá nông sản trên thị trường nội địa, theo đó đời sống đông đảo người nông dân được cải thiện nhờ bán sản phẩm với giá cao hơn. Vì vậy mà nông dân nước họ an tâm không sợ “lật kèo”. Ở ta, chuyện thu mua nông sản khá manh mún. Doanh nghiệp thu mua nhưng chỉ chọn loại tốt nhất và bỏ loại xấu. Thương lái thì bao tiêu nhưng hạ giá. Nếu nhà nông đem nông sản bán lẻ thì không giữ tươi lâu được. Đó là chưa nói, dạo gần đây, do thấy cái lợi trước mắt mà người nông dân vô tình bị bọn phá hoại kinh tế hứa hẹn hão. Sau vài lần mua với giá cao ngất ngưởng, bọn chúng biến mất khiến nhà nông thiệt hại nghiêm trọng.
Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, nhà nước cần tạo điều kiện tốt hơn về thông tin để nhà nông theo sát tình hình nông nghiệp trong cả nước và có giải pháp ứng phó (luân canh hoặc xen canh). Chính quyền địa phương nên có những giải pháp hữu hiệu để giúp nhà nông trụ vững giá nông sản, cải thiện kinh tế.
ĐẶNG TRUNG THÀNH
(Bình Chánh, TPHCM)
Nâng cao ý thức cộng đồng
Lâu nay, các ngành công trình công cộng và chính quyền các địa phương luôn đau đầu vì tình trạng tài sản công cộng phục vụ dân sinh bị xâm hại nên nhanh chóng hư hỏng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song nguyên nhân cơ bản trước hết vẫn là ý thức cộng đồng chưa cao. Nhiều người dân vẫn xem các tài sản công cộng là của ai đó, chứ không ý thức rằng nhà nước trang bị để phục vụ cho chính cộng đồng dân cư, trong đó có mình. Chính vì vậy, họ không có ý thức giữ gìn và bảo vệ, thậm chí thấy kẻ gian đập phá, lấy cắp cũng mặc kệ, không ngăn chặn hoặc báo cho ngành chức năng biết để kẻ gian không thể tiếp tục làm thiệt hại tài sản công.
Để khắc phục tình trạng này, cần thường xuyên vận động, tuyên truyền xây dựng ý thức công dân, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ tài sản chung, vì chỉ khi người dân vào cuộc thì mới có thể bảo vệ hiệu quả nhất tài sản công cộng. Cùng với việc vận động người dân, nên giao trách nhiệm cụ thể cho từng tổ dân phố, từng nhóm dân cư, từng hộ trong việc bảo vệ tài sản phúc lợi công cộng ở nơi mình đang sống.
NGUYỄN VĂN TÚ
(Hòa Vang, TP Đà Nẵng)