Như Báo SGGP đã thông tin, tối 4-12, triều cường dâng cao đã làm một đoạn bờ bao bằng bê tông dài gần 10m ở rạch Cầu Làng (khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM) bị vỡ, khiến nước chảy ào ạt dâng ngập khu dân cư. Sau 4 ngày, chúng tôi trở lại khu dân cư này và tiếp tục chứng kiến cảnh ngập.
Trắng tay trong một đêm
Vỡ bờ bao đã gây ngập, hư hại nhiều vật dụng gia đình ở các nhà dân. Các hộ nuôi thủy sản mất trắng tay chỉ trong một đêm. Nhưng điều khiến các cư dân lo lắng hơn là phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh sau khi nước rút. Hiện nay, nhiều nơi trong khu dân cư vẫn còn ngập nước lênh láng, mấy ngày mà vẫn chưa rút.
Vừa mới đến đầu đường vào khu dân cư, mùi hôi thối như xác động vật chết bốc mùi nồng nặc trong các bãi cỏ ven đường. Hai bên đường, trước sân nhà nào cũng có bàn ghế, sách, thiết bị điện… được mang ra phơi. Nhìn vào bên trong từng nhà, đều thấy trống trơn. Những bộ bàn ghế, ti vi, tủ… đều không còn, thay vào đó là những chiếc chiếu, võng đong đưa. Nhiều gia đình phải mang con nhỏ đi gửi nhờ nơi khác. Gần 30 hộ ở hẻm 43, đường số 42 vẫn còn trong tình cảnh bì bõm. Nước ngập đường cao khoảng 30cm, nhà nào thấp còn bị nước ngập vào trong. Anh Lê Anh Minh, cư dân tại đây, than: “4 ngày rồi mà nước vẫn chưa rút. Máy bơm nhà nào cũng hư, người dân thiếu nước sinh hoạt. Mỗi hộ phải cùng góp ít tiền để mua máy bơm và đường ống để dẫn nước ra ngoài rạch. Ngập vài ngày nữa chắc sinh bệnh”.
Trưa nắng chang chang, ông Trần Đình Thọ (ở nhà 43A) phải đứng trước nhà trông chừng tủ lạnh, ti vi đang phơi. Ông kể: “Nước tràn vào nhanh quá, có cứu được gì ngoài giấy tờ đâu. Từ cái quạt, ti vi, tủ lạnh… đều dính nước hết. Sau mưa, tôi mang quạt ra sử dụng thì thấy khói bốc lên, hoảng hồn vội tắt ngay. Tôi phải mang tủ lạnh, ti vi, quạt máy, máy giặt ra phơi với hy vọng cứu được để đỡ tốn tiền sửa chữa và mua mới. Mấy ngày qua, người mua phế liệu vào từng nhà thu gom đồ điện, bàn ghế, giường, tủ… Đồ gỗ tạp, ngâm nước mục ngay, bung ra rồi cũng đành bỏ. Nhà nào khá giả thì sắm lại ti vi, quạt máy, nhà nào nghèo đành chịu”.
Loay hoay với đống giấy tờ, sổ sách mang ra phơi, anh Nguyễn Hoàng Phổ (thuê nhà trong tổ 54A làm văn phòng) tâm sự: “Những lần trước, triều cường dâng cao cũng chỉ mấp mé nhà. Tối 4-12, triều cường đỉnh điểm, tôi cùng một số nhân viên đưa giấy tờ, máy tính dọn ra để trên bàn cao 1m, vậy mà cũng ướt hết. Giờ tư liệu trong máy tính, sổ sách khách hàng, công nợ đang phải gắng tìm lại, chứ không thì lỗ hết”.
Còn nhiều việc phải làm
Nước ngập đã khiến nhiều hộ nuôi cá, trồng mai gần như phải trắng tay. Tay lấm lem bùn, ông Lê Hòa Đức (ngụ ở tổ 45) đang hì hục gia cố lại 3 ao để phục hồi lại đàn cá. Ông Đức tâm sự: “Bao nhiêu vốn gần như mất trắng hết. Chỉ một cơn nước ngập mà cuốn đi 1.500 cá giống, 4.000 cá thịt, tích lũy gần 10 năm và đang giai đoạn chuẩn bị bán thu hoạch tết. Bữa ngập, thấy người dân giăng lưới bắt cá, còn khoe bắt được nhiều cá, tôi nhìn chỉ biết khóc lặng, chết lạnh luôn. Ước tính số cá mất cũng hơn 300 triệu đồng, mà ao cũng hư luôn”.
Bi đát là nhiều hộ không còn vốn để tổ chức sản xuất lại. Anh Nguyễn Tấn Hoàng (ngụ 43/9 đường số 42, làm nghề cho thuê loa, amply) than: “Đang vào mùa cưới và tết sắp đến, mà tất cả đồ nghề gần 80 triệu đồng đều bị ướt nước hết. Bao nhiêu hợp đồng phải chuyển cho người khác, đã vậy còn bị thất nghiệp. Từ khi vào nghề, chưa có chủ nhật nào tôi rảnh ở nhà, nhưng bây giờ phải ngồi nhà nhìn đồ nghề trở thành đống phế liệu”. Anh Nguyễn Văn Chí Công, chủ vườn mai với 1.500 cây mai chuẩn bị thu hoạch mùa tết, cũng rơi vào tình cảnh lận đận. Anh Công chia sẻ: “Mai chỉ cần ngập nước 2 giờ đã rụng lá, còn ở đây đã bị ngâm 1 ngày. Nhiều cây bắt đầu rụng lá. Mấy ngày qua, tôi ăn không ngon, ngủ không yên, gắng tranh thủ cứu được cây nào hay cây đó. Gia đình làm không nổi nữa đành phải thuê người vào chăm sóc mai liên tục để may ra còn cứu được. Cây mai chỉ bán được 1 lần/năm, bao nhiêu tiền vay mượn ngân hàng đầu tư vào đây. Mai nở sớm thì mất biết bao nhiêu tiền”.
Ông Vũ Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho biết: “Vụ vỡ bờ bao đã khiến hơn 400 nhà bị ngập. Sau khi nước rút, Trung tâm Y tế dự phòng quận sẽ xuống phun thuốc vào bãi cỏ, đầm lầy, khu đất trống, diệt mầm bệnh và còn phun vài đợt nữa. UBND phường đã thống kê con số thiệt hại và đang chờ ý kiến của quận để hỗ trợ người dân. Một vài vườn mai chưa rút nước nên phường phải đưa máy bơm xuống hút nước. Nhân viên quản lý đô thị đã đi kiểm tra, rà soát lại những bờ bao trên địa bàn để sửa chữa. Bờ bao bê tông bị vỡ đang được gia cố, xây lại bằng bê tông và kéo dài thêm 60m”.
THANH HẢI