Tình trạng chặt phá rừng bất hợp pháp vẫn còn tồn tại rất nhiều tại các xã miền núi. Nguyên nhân là do thiếu đất, thiếu việc làm và thiếu thu nhập nên người dân địa phương thường vào rừng khai thác lâm sản để sinh sống. Hơn 52% hộ gia đình có người thường xuyên đi rừng để khai thác lâm sản. Đó là thực trạng sử dụng đất rừng của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại tỉnh Quảng Bình do Ban Dân tộc tỉnh và Quỹ Phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh (RDPR) đưa ra trong báo cáo nghiên cứu về vấn đề sử dụng đất rừng hiện nay.
Chỉ 15% hộ dân có đất trồng rừng
Theo thống kê của Ban dân tộc tỉnh Quảng Bình, tính đến ngày 31-12-2012, tỉnh có 4.876 hộ DTTS, với 21.641 nhân khẩu. Đồng bào DTTS ở đây sinh sống chủ yếu tại các khu vực miền núi khó khăn, giáp ranh biên giới. Liên quan đến tình hình sử dụng đất rừng ở vùng đồng bào DTTS, ông Hoàng Văn Tân, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, cho biết mặc dù các xã miền núi có diện tích tự nhiên rất lớn nhưng việc tiếp cận đất, cả về đất ở và đất sản xuất của người dân hiện vẫn còn khó khăn.
Tình trạng thiếu đất sản xuất, diện tích đất chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nên người dân thiếu việc làm, cuộc sống bấp bênh. Cũng chính vì thiếu đất mà tranh chấp, lấn chiếm đất sản xuất luôn là vấn đề “nóng” tại nhiều xã miền núi nhiều năm qua.
Nói về kế sinh nhai của đồng bào DTTS tại các xã miền núi, ông Phạm Mậu Tài, Giám đốc Quỹ RDPR, cho biết trồng rừng đang là xu hướng phổ biến cũng như là nhu cầu cấp thiết của đồng bào DTTS tại đây vì mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp họ tận dụng được nguồn tài nguyên đất rừng để phát triển sản xuất, đem lại thu nhập từ đó nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Tuy nhiên, theo ông Tài, người dân ở đây vẫn đang trong tình trạng “khát” đất sản xuất mặc dù diện tích đất lâm nghiệp phân bố chủ yếu trên các xã miền núi, nơi có nhiều đồng bào DTTS sinh sống.
Kết quả khảo sát thực trạng và nhu cầu sử dụng đất rừng sản xuất của đồng bào DTTS do Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Quỹ RDPR thực hiện trong năm 2013 tại 7 xã của 4 huyện miền núi, biên giới, khó khăn của tỉnh Quảng Bình cũng cho thấy: tỷ lệ số hộ có đất trồng rừng tại một số xã chỉ đạt 13% - 15%. Cũng theo khảo sát này, 93% người dân tại 7 xã khảo sát đều có nhu cầu được cấp thêm đất sản xuất, bình quân cần thêm 7,93ha đất các loại/hộ, trong đó nhu cầu về đất rừng là 4,72ha/hộ.
Ngoài ra, có 3/6 xã người dân thiếu đất ở và 6/6 xã thiếu đất rừng sản xuất. Trong đó, một số xã thiếu đất trầm trọng như xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), xã Lâm Thủy và Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy) vì đa số đất lâm trường đều do công ty lâm nghiệp, công ty tư nhân quản lý. Tìm hiểu thực tế tại xã Trường Sơn được biết, có đến 70.000/74.000ha đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Trường Sơn (chiếm 81,5%) đều thuộc lâm trường và Ban quản lý rừng quản lý.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết, gần 90% hộ dân không có hoặc thiếu đất để sản xuất nên không có việc làm, không có thu nhập nên tỷ lệ nghèo trên địa bàn xã cao, có 50,1% hộ dân tại xã là hộ nghèo và 16,2% hộ cận nghèo.
Cần giải cơn “khát” đất
Tại hội thảo về “Thực trạng và nhu cầu sử dụng đất của đồng bào DTTS tỉnh Quảng Bình” được tổ chức tại tỉnh Quảng Bình mới đây, đại diện một số sở - ngành chức năng của tỉnh cũng nhìn nhận rằng, nhu cầu sử dụng đất của đồng bào DTTS ngày càng trở nên cấp thiết nhưng việc giao đất giao rừng cho người dân vẫn còn nhiều bất cập.
Tiến độ thu hồi và giao đất trên thực tế còn rất chậm, diện tích đất được giao sau khi thu hồi vẫn chưa phù hợp, phần lớn đất giao cho người dân đều là rừng đặc dụng, xa khu dân cư, không có đường giao thông đi lại, đất trên núi đá, khe suối… nên người dân cũng không thể sử dụng được. Do không có đất sản xuất nên nguồn thu nhập chủ yếu của người dân vẫn còn phụ thuộc khai thác lâm sản tự nhiên.
“Thiếu đất sản xuất không chỉ là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng nghèo đói của người dân tại các địa phương mà còn dẫn đến các hệ lụy như tranh chấp, chặt phá rừng tự nhiên để khai thác gỗ trái phép” - ông Phạm Mậu Tài nhận định.
Theo ông Tài, giải pháp cốt lõi để giải bài toán nghèo đói cũng như bảo vệ rừng chính là phải giải được “cơn khát” đất sản xuất cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. Noài ra, UBND tỉnh và các huyện cần tạo điều kiện cho người dân tham gia quản lý và sử dụng đất rừng tại địa phương, để người dân vừa tạo thu nhập, vừa góp phần bảo vệ hiệu quả đất rừng tự nhiên. Đối với các xã không còn quỹ đất, cần có giải pháp thu hồi đất từ các công ty lâm nghiệp và từ Ban quản lý rừng phòng hộ đang quản lý.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Tân cũng đề nghị UBND tỉnh và các địa phương cần giao trách nhiệm cho lực lượng kiểm lâm hoặc các tổ chức có năng lực hướng dẫn và giúp đồng bào tổ chức bảo vệ rừng nhằm hạn chế việc rừng bị “chảy máu” như hiện nay cũng như tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho dân tại địa phương. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho người DTTS, nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị: cần có những nghiên cứu, xây dựng phương án cụ thể theo điều kiện thực tế từng xã, từng thôn bản, xác định đúng diện tích, loại đất phù hợp.
Bên cạnh đó, cần có chính sách phù hợp đối với việc giao đất, giao rừng, đặc biệt là nâng mức khoán trồng rừng, bảo vệ rừng, tạo điều kiện cho đồng bào bảo đảm nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất lâm nghiệp. Ngoài ra, quy hoạch và giao đất rừng cần có sự tham gia của người dân để bảo đảm sự đồng thuận của cộng đồng trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng, đất rừng một cách hiệu quả.
NHUNG NGUYỄN