Người đàn ông họ Hồ và tình cảm đối với Bác Hồ

Người đàn ông họ Hồ và tình cảm đối với Bác Hồ

Mỗi người dân Việt Nam đều có cách thể hiện tình cảm tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh theo cảm nhận riêng của mình và ông Hồ Đại Phước, ngụ tại quận Tân Bình (TPHCM) cũng vậy. Suốt 20 năm qua, cứ gần đến ngày kỷ niệm sinh nhật Bác, ông lại đến Báo SGGP đóng góp tiền nhờ báo chuyển cho quỹ tôn tạo Lăng Bác, công việc được ông xem có ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình...

Ông Hồ Đại Phước giới thiệu hình ảnh gia đình ông chụp trước tượng đài Bác ở TPHCM.

Ông Hồ Đại Phước giới thiệu hình ảnh gia đình ông chụp trước tượng đài Bác ở TPHCM.

Chúng tôi đến thăm nhà ông Phước vào một buổi sáng nắng đẹp cuối tháng 5. So với những năm trước, năm nay mái tóc ông Phước điểm bạc nhiều hơn và độ linh hoạt cũng giảm bớt do tuổi tác đã bước sang độ thất tuần. Tuy nhiên, có dịp nghe ông tâm sự mới thấy tình cảm sắt son mà người đàn ông họ Hồ này dành cho Bác Hồ. “Tính từ năm 1993 đến nay, đã gần 20 năm, tôi thực hiện được tâm nguyện của mình với Bác, thời gian sao trôi nhanh quá!” - nhấm ngụm trà, ông Phước bồi hồi nhớ lại. Đó là ngày 13-5-1993, khi Báo SGGP đăng thông tin của “Ban Tiếp đón Lăng Bác” về nội dung tiếp nhận đóng góp của đồng bào cả nước dành cho việc tôn tạo Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đọc xong mẫu tin, bao nhiêu ấp ủ từ lâu mong muốn được làm một điều gì đó thể hiện tình cảm biết ơn đối với vị cha già dân tộc trong lòng ông Phước như được giải tỏa. Và ông chính là người khách đầu tiên mà Ban Từ thiện - Xã hội Báo SGGP ngày ấy tiếp nhận ủng hộ dành cho chương trình mang ý nghĩa lớn lao này. “Thú thật với mấy anh, lúc đó tôi chưa từng đến thủ đô Hà Nội, chưa tận mắt nhìn thấy Lăng Bác như thế nào, nhưng lần đầu trong đời được có cơ hội thể hiện tình cảm với Bác, cảm xúc hạnh phúc cứ dâng lên trong lòng”, ông Phước bộc bạch.

Và không chỉ đóng góp cho quỹ tôn tạo Lăng Bác, mỗi năm, đúng ngày 19-5, dù bận rộn mấy, ông Phước vẫn sắp xếp cùng gia đình đến tượng đài Bác trước UBND TP kính cẩn dâng hoa tưởng niệm. Có lúc mọi người trong nhà bận việc, ông vẫn một mình đến dâng hoa. Năm 2003, sau khi đã chuẩn bị đủ điều kiện cần thiết cho chuyến đi xa, ngày 19-5 năm đó, ông Phước cùng người bạn thân là một cựu chiến binh đã có mặt tại thủ đô Hà Nội để viếng Lăng Bác, thỏa lòng ao ước bao lâu. Kể một đoạn, ông Phước lấy từ trong tủ tập hồ sơ bìa bằng nhựa, chậm rãi đưa ra từng tấm ảnh chụp lưu niệm của gia đình trước tượng Bác cho chúng tôi xem. Cùng với ảnh là những tờ biên nhận thu tiền của Báo SGGP suốt 20 năm (với tổng số tiền trên 50 triệu đồng) mà ông gìn giữ rất cẩn thận, vừa làm kỷ niệm và cũng vừa để giáo dục truyền thống cho các con.

Lý giải về tình cảm kính yêu, biết ơn sâu sắc của mình đối với Bác Hồ, ông Hồ Đại Phước cho biết, cha ông vốn là một cán bộ cách mạng hoạt động bí mật, qua đời vì bệnh giữa những năm tháng miền Nam sôi sục khí thế đấu tranh chống Mỹ. Người em trai ông là liệt sĩ Hồ Đại Đức, hy sinh tại chiến trường Củ Chi. Dù sống giữa lòng địch nhưng hàng ngày ông vẫn âm thầm theo dõi Đài Phát thanh Giải Phóng; nhờ vậy mà ông thuộc lòng những bài hát về cách mạng và Bác. Để che mắt địch và tránh bị bắt lính, ông tổ chức mở lớp học tình thương cho các em nhỏ con nhà nghèo trong xóm ngay tại nhà mình. Và ngày khai giảng lớp học cũng được anh giáo trẻ chọn là ngày 19-5-1971, một cách để anh tưởng nhớ đến Bác. Trong tất cả các bài giảng, các buổi sinh hoạt dã ngoại, các bài hát do chính mình sáng tác, thầy Phước đều hướng học trò mình về tình yêu quê hương, đất nước. Cứ thế cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Nghe ông Phước say sưa trải lòng về tình cảm đối với Bác, với cách mạng; nhìn những kỷ vật, tư liệu, hình ảnh cá nhân mà ông lưu giữ kỹ càng, sắp xếp theo trình tự năm tháng một cách khoa học, chúng tôi không khỏi khâm phục trước lý tưởng sống và phong cách làm việc của ông. Và một điều chắc chắn rằng, ít ai làm được như gia đình ông Hồ Đại Phước, đó là dành toàn bộ số tiền mừng đám cưới của con trai và con gái đóng góp cho quỹ hỗ trợ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam bên cạnh công việc quen thuộc là đóng góp quỹ tôn tạo Lăng Bác. Khép lại câu chuyện đời mình, ông Phước đúc kết: “Không có Đảng, không có Bác thì làm sao tôi và mọi người dân Việt Nam có được cuộc sống thanh bình như hôm nay. Tôi nguyện với lòng mình là suốt đời học tập theo gương Bác”.

Mai Nguyễn

Tin cùng chuyên mục