Người đầu tiên góp phần đưa hạt gạo đi xa

Người đầu tiên góp phần đưa hạt gạo đi xa

Chỉ 3 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu gạo đạt 1,743 triệu tấn, kim ngạch đạt 785 triệu USD, tăng 71,3% về sản lượng và tăng 76,2% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Hiện thời giá gạo tiếp tục tăng theo chiều hướng có lợi cho người trồng lúa. Trong niềm vui trúng mùa, được giá, chúng tôi đã tìm gặp ông Hoàng Hữu Phước, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Doanh Thương Mỹ Á, một trong những người đầu tiên tham gia xuất khẩu gạo cách nay hơn 20 năm.

Từ hợp đồng đầu tiên...

Người đầu tiên góp phần đưa hạt gạo đi xa ảnh 1

Ông Hoàng Hữu Phước

Mặc dù bận túi bụi với cả núi công việc của công ty, thế nhưng khi nghe chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu về chuyến hàng đầu tiên đưa hạt gạo Việt Nam ra thương trường quốc tế, ông Phước vui vẻ nhận lời ngay.

Nhiều năm nay, ông Phước không còn kinh doanh mặt hàng gạo mà chuyển sang làm tư vấn, dịch vụ, thương mại cho các công ty trong và ngoài nước. Tuy nhiên, mỗi lần nhắc tới xuất khẩu gạo là kỷ niệm ùa về trong ông.

Ông Phước nhớ lại, vào năm 1989, khi đó ông đang làm Phó trưởng đại diện cho Công ty CIMMCO thuộc Tập đoàn Kỹ nghệ Birla Ấn Độ, đây là công ty lớn chuyên xuất khẩu vào Việt Nam các sản phẩm như thép, dược liệu, lốp xe tải, nguyên liệu và thiết bị ngành dệt, giấy, hóa chất, kẽm, tôn, nhựa, tấm sàn… đồng thời thu mua các sản phẩm nông sản ở Việt Nam để xuất đi các nước. Ngoài ra, CIMMCO còn tham gia các dự án đầu tư công nghiệp ở Hà Nội, TPHCM, Bến Tre… dưới sự tài trợ của Chính phủ Ấn Độ.

Lúc đó, Chính phủ Ấn Độ giao cho Tập đoàn Kỹ nghệ Birla chỉ đạo CIMMCO mua 10.000 tấn gạo của Việt Nam phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại nước họ. Ông Phước là dân gốc ĐBSCL nên được lãnh đạo công ty giao nhiệm vụ liên lạc với các doanh nghiệp Việt Nam để mua gạo.

Đóng bao lúa trong mùa thu hoạch ở ĐBSCL

Đóng bao lúa trong mùa thu hoạch ở ĐBSCL

Thời điểm này nước ta chưa chính thức xuất khẩu gạo nên khi nghe tin Ấn Độ nhập gạo, các công ty trong nước rất mừng. Ngoài quan hệ giữa 2 quốc gia thì đây là lần đầu tiên sau ngày giải phóng, nước ta có hợp đồng xuất khẩu gạo, do đó ông Phước rất ý thức về nhiệm vụ quan trọng nhằm đưa hạt gạo Việt Nam ra thương trường quốc tế.

Sau thời gian tìm kiếm, ông Phước chọn 3 đơn vị là Tổng Công ty XNK Việt Nam (Generalimex), Công ty XNK TPHCM và Công ty XNK Đồng Tháp để ký hợp đồng mua gạo. Song song đó, ông tổ chức tập huấn 1 tuần về chất lượng gạo cho các nhà nhập khẩu Ấn Độ biết về gạo Việt Nam. Cuối cùng ông thuyết phục phía Ấn Độ mua gạo 35% tấm của các công ty Việt Nam với giá khá cao là 235 USD/tấn.

Đến chuyến hàng đầu tiên

Ông Phước tâm sự: “Nhìn bà con nông dân trúng mùa, được giá, xuất khẩu gạo thuận lợi là niềm vui đối với những người đầu tiên tham gia xuất khẩu gạo như tôi. Tới đây tôi sẽ trở lại lĩnh vực xuất khẩu gạo, bởi nghề này gắn bó với tôi rồi”.

Hợp đồng ký xong, gạo cũng mua đủ nhưng cái khó lúc này là vận chuyển từ TPHCM sang Ấn Độ không đơn giản bởi tàu thuyền thời đó không thuận lợi như bây giờ. Ông Phước phải lặn lội khắp nơi tìm kiếm tàu thuyền cả tháng không xong, bí quá ông chạy nhờ các công ty vận tải biển giúp sức nhưng cũng không tìm được tàu. Cái khó là hợp đồng quy định, tàu chở gạo không được quá cũ và trước đó không được chở hóa chất hay chất độc hại.

Hơn một tháng tìm kiếm, cuối cùng ông Phước hợp đồng được một chiếc tàu của Liberia. Sau khi thống nhất về chi phí vận chuyển, thời gian… thì chủ tàu Liberia lại yêu cầu hỗ trợ chuyến về bởi khi giao gạo xong họ chạy tàu không về nước, chưa kể chuyến đi từ Liberia sang TPHCM cũng chạy tàu không. Thế là ông Phước phải ngồi lại đàm phán, giải thích cho chủ tàu về tiềm năng hạt gạo Việt Nam rất lớn, đây là chuyến hàng đầu tiên đưa gạo sang Ấn Độ, nếu thành công thì tới đây Việt Nam gia tăng xuất khẩu gạo và các tàu của Liberia sẽ trở thành đối tác làm ăn lâu dài. Nghe giải thích như vậy họ đồng ý. Và chuyến hàng đưa 10.000 tấn gạo sang Ấn Độ thành công mỹ mãn. 

Từ Ấn Độ, hạt gạo nước ta đã có mặt ở nhiều quốc gia khác và trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. 20 năm trôi qua, bản thân ông Phước tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên ông vẫn nhớ như in chuyến tàu đầu tiên đưa hạt gạo Việt Nam ra thế giới.

NGUYỄN DUY
(SGGP-12G)

Tin cùng chuyên mục