Theo Ban An toàn Giao thông TPHCM, số vụ tai nạn giao thông do người đi bộ gây ra đang tăng mạnh. Đây là đối tượng gây tai nạn giao thông trên đường chỉ sau xe gắn máy 2 bánh và xe tải.
Thiếu… ý thức
Có mặt trước Bệnh viện Ung bướu TPHCM trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TPHCM trong giờ cao điểm sáng một ngày trung tuần tháng 4-2015, chưa đầy 10 phút, tôi đã chứng kiến 3 người dân len lỏi giữa “rừng” ô tô, xe gắn máy 2 bánh đang lưu thông để qua đường. Trong khi đó, cây cầu vượt nằm cách họ không xa. Cũng trong thời gian ấy, một đồng nghiệp của tôi “trực chiến” trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, khu vực gần ngã tư Hàng Xanh “alô” về cho biết, tình trạng người đi bộ băng qua đường giảm hẳn. Có lẽ do thời gian gần đây, nhiều cơ quan thông tấn báo chí lên tiếng cảnh báo về mối nguy hiểm đối với người đi bộ qua đường không đúng quy định, trong lúc xe cộ trên đường lưu thông liên tục nên người dân đã sợ? Tuy nhiên, đồng nghiệp của tôi cũng cho biết, thỉnh thoảng vẫn có người “không biết sợ” dù rằng họ đã cẩn trọng hơn trước…, đợi cho đèn đỏ ở ngã tư gần đó bật lên, lượng xe giảm, mới băng qua đường.
Thật ra, ở bất cứ tuyến đường nào cũng có thể bắt gặp những người đi bộ liều mình qua đường khi các phương tiện giao thông vẫn qua lại tấp nập. Thế nhưng, chúng tôi chọn hai điểm nêu trên để quan sát bởi ở hai khu vực này đều đã có cầu vượt dành cho người đi bộ qua đường. Cả hai cây cầu dành cho người đi bộ đều được xây dựng cách nay gần chục năm và được thiết kế khá đẹp, nhất là cầu vượt ở khu vực ngã tư Hàng Xanh. Không thể nói rằng người đi bộ ở gần đó không biết sự có mặt của những cây cầu này.
Người đi bộ băng qua đường, không sử dụng cầu vượt trên đường Nơ Trang Long. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Trước thời điểm nêu trên 3 ngày, chúng tôi cũng đã đến Bệnh viện Bình Dân nằm trên đường Điện Biên Phủ. Trước cửa bệnh viện có một chốt đèn tín hiệu giao thông dành cho người đi bộ. Khi có nhu cầu đi bộ, người đi bộ đến cột đèn, nhấn nút đèn xanh và chờ cho đèn xanh dành cho người đi bộ bật sáng. Khi đèn xanh dành cho người đi bộ bật sáng cũng là lúc đèn đỏ dành cho các phương tiện giao thông sáng lên. Theo luật định, các phương tiện giao thông phải dừng lại nhường đường cho người đi bộ. Thế nhưng, gần như chỉ có ô tô du lịch, xe buýt dừng lại. Hầu hết xe gắn máy 2 bánh, taxi… vẫn vô tư chạy. Cùng thời điểm với việc xây dựng cầu vượt ở ngã tư Hàng Xanh và cầu vượt trước cửa Bệnh viện Ung bướu, TPHCM đã cho gắn gần 20 chốt đèn giao thông dành cho người đi bộ tại nhiều điểm nóng về giao thông như trước cổng Bệnh viện Bình Dân, trước cổng Trường THCS Nguyễn Du trên đường Nguyễn Du, quận 1… Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay nhiều chốt đèn này đã bị tháo dỡ vì không hiệu quả. Các tín hiệu của đèn đã không được tôn trọng… Có một thời ngành giao thông vận tải bị phê bình là đầu tư lãng phí vào những chốt đèn này (!?). Thực tế hiệu quả đầu tư ra sao, có lẽ phải đợi thời gian thẩm định, song có một điều chắn chắn các quy định về an toàn giao thông dành cho người đi bộ đã không được tuân thủ.
Còn những bất cập…
Hầu hết nút giao thông ở TPHCM đều có làn sơn báo hiệu làn đường dành cho người đi bộ. Khi đèn đỏ dành cho các phương tiện giao thông bật lên, đèn xanh báo hiệu cho người đi bộ được đi qua nút giao thông cũng bật sáng. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ phần lớn đường ở TP là đường hai chiều. Đèn đỏ bật sáng chỉ buộc được dòng xe bên phía đèn đỏ dừng lại nhưng không thể yêu cầu dòng xe kế cận ngưng lưu thông bởi lúc đó bên ấy đang ở chế độ đèn xanh. Nhiều người Việt Nam đi bộ đã “quen” với thực tế này nên vẫn “vô tư” qua đường khi tín hiệu đèn phía bên mình đã xanh nhưng nhiều người nước ngoài chẳng dám đi khi thấy vẫn có xe lưu thông qua làn đường dành cho người đi bộ. Sự “thông cảm” chấp nhận bất cập này ít nhiều cũng đã tác động tiêu cực đến ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ của người đi bộ và cả những người điều khiển phương tiện giao thông. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trên rất nhiều tuyến đường, mặc dù có vạch kẻ sọc liên tục cảnh báo đây là phần đường ưu tiên cho người đi bộ qua đường, song các phương tiện giao thông vẫn cứu lao đi bất chấp đang có người đi bộ qua đường. Và người đi bộ cũng vậy, dường như họ cũng đã chấp nhận một thực tế: băng qua đường trong một rừng xe xuôi, ngược.
Thực trạng người đi bộ gây tai nạn giao thông đã được cảnh báo từ hơn 10 năm trước nhân vụ Công an TPHCM khởi tố Ngô Thị Mỹ Yên về tội cản trở giao thông đường bộ. Trong lúc băng qua đường trên cầu Ông Lãnh, Yên đã va chạm với xe máy do anh Phạm Văn Vân điều khiển. Yên chỉ bị sây sát nhẹ nhưng anh Vân bị ngã xuống mặt đường, chấn thương sọ não và chết trên đường đưa đi cấp cứu. Sau khi khám nghiệm hiện trường, cảnh sát giao thông khẳng định Yên đã qua đường không đúng nơi quy định. Ngô Thị Mỹ Yên bị tuyên phạt 9 tháng cải tạo không giam giữ và phải bồi thường gia đình nạn nhân 7,5 triệu đồng. Đây cũng là lần đầu tiên trên cả nước, một người đi bộ bị xét xử do vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn giao thông. Tình trạng này đến nay vẫn chưa được cải thiện… Rõ ràng công tác tuyên truyền, giáo dục, xử lý nghiêm khắc những hành vi không tôn trọng Luật Giao thông đường bộ liên quan đến người đi bộ vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
NGUYỄN KHOA