Bất chấp nguy hiểm
Bệnh viện Bình Dân (quận 3, TPHCM) gồm hai khu, ngăn cách bởi đường Điện Biên Phủ. Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch và có mật độ phương tiện lưu thông đông. Bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây muốn đi lại giữa hai khu thì phải băng qua đường Điện Biên Phủ. Trước thực trạng này, thành phố đã xây dựng và đưa vào sử dụng cầu vượt bộ hành ngay trước cổng Bệnh viện Bình Dân để người dân, nhất là bệnh nhân, thuận tiện qua lại. Thế nhưng, hiện cây cầu chủ yếu chỉ được nhân viên bệnh viện sử dụng; còn đa phần người dân, bệnh nhân và người thăm nuôi bệnh bất chấp dòng xe nườm nượp để băng qua đường. Trong khoảng hơn một giờ quan sát tại đây, chúng tôi ghi nhận số người sử dụng cầu vượt bộ hành chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tình trạng này cũng diễn ra tại các cầu vượt bộ hành trên các đường: Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), Võ Văn Kiệt (quận 1), Nguyễn Văn Cừ (quận 5), Nơ Trang Long (trước cổng Bệnh viện Ung bướu TPHCM, quận Bình Thạnh)... Chị Nguyễn Thị Hương (bán nước trước cổng Bệnh viện Bình Dân) cho biết, sở dĩ người dân “lơ” cầu vượt bộ hành là do cầu được xây dựng quá cao, bậc tam cấp lên xuống quá dốc nên người dân, nhất là những bệnh nhân, lên - xuống rất khó khăn.
Các cầu vượt bộ hành tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cũng rơi vào cảnh tương tự, như cầu vượt bộ hành trước Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (bắc ngang quốc lộ 1K, đoạn thuộc phường Hóa An, TP Biên Hòa) được xây dựng rất kiên cố, phục vụ công nhân sang đường. Thế nhưng, hàng ngàn công nhân vẫn “lơ” cầu vượt bộ hành, trèo qua hàng rào bằng sắt của dải phân cách cao khoảng 1,5m để sang đường. Vào giờ cao điểm, trên quốc lộ 1K các loại xe ben, xe tải, xe khách... lao vun vút, nhưng nhiều tốp công nhân vẫn bất chấp nguy hiểm, băng trước đầu xe để qua đường.
Do thói quen
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TPHCM, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 20 cầu vượt bộ hành và 4 hầm chui nhưng người dân sử dụng chưa nhiều, do ý thức chấp hành của người dân chưa cao, phần lớn có thói quen tiện đâu băng ngang đó. Trung tâm đã kiến nghị lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, xử lý người vi phạm do băng qua đường không đúng quy định.
Còn ông Não Thiên Anh Minh, Phó Trưởng ban Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, cho biết, chỉ riêng trong nội ô TP Biên Hòa, nhiều cầu vượt bộ hành đã được đầu tư xây dựng để người dân, công nhân, học sinh qua đường, đảm bảo an toàn, hạn chế ùn tắc giao thông. Nhưng trên thực tế, tình trạng người đi bộ cố tình vi phạm, băng qua dải phân cách, hàng rào tại những vị trí có cầu vượt đi bộ vẫn diễn ra rất phổ biến, gây nguy hiểm cho bản thân và người điều khiển phương tiện giao thông, nhất là khu vực cầu vượt trước cổng Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (quốc lộ 1K), cầu vượt tại siêu thị Mega Meket, Trường THPT Bùi Thị Xuân (đường Nguyễn Ái Quốc).
Theo ông Não Thiên Anh Minh, trong thời gian tới, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai tiếp tục đề nghị Ban An toàn giao thông TP Biên Hòa, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo Công ty TNHH Pouchen Việt Nam tăng cường công tác tuyên truyền; đồng thời đề nghị lực lượng chức năng tăng cường xử lý nghiêm đối với hành vi sang đường sai quy định.
Người đi bộ đi không đúng phần đường của mình sẽ bị xử phạt Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ quy định: 1. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 điều này; c) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; d) Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; đ) Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy. 2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. |