Theo thống kê sơ bộ của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TPHCM, năm 2013 trên địa bàn TPHCM xảy ra 64 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến người đi bộ, làm 64 người chết. Trong đó, chủ yếu do nguyên nhân người đi bộ không chấp hành luật giao thông.
Có cầu vượt, vẫn băng ngang đường
Lâu nay, rất hiếm khi người đi bộ bị xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhưng trên thực tế, nhiều hành vi vi phạm luật giao thông của người đi bộ là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Nhiều người vẫn băng ngang qua đường ở những nơi không có lằn ranh dành cho người đi bộ, thậm chí liều lĩnh leo qua những con lươn, dải phân cách trên những con đường nhiều xe cộ lưu thông tốc độ cao. Rất nhiều người vẫn cho rằng người điều khiển phương tiện giao thông phải tránh những người đi bộ, còn người đi bộ không cần phải tuân thủ luật giao thông.
Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, anh Vũ Hồng Phúc (quận 11) bức xúc kể: “Tôi lưu thông trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) thì va quẹt một sinh viên đi bộ băng ngang đường không đúng quy định. Cô gái này chỉ bị xây xước ngoài da nhưng chiếc điện thoại rơi xuống đất hư hỏng nặng. Tôi bị buộc phải bồi thường và thật bức xúc vì cô gái đó không đi vào làn đường dành cho người đi bộ mà băng qua đường bừa bãi, vừa đi vừa đeo tai nghe để nghe nhạc, trong khi đường đang đông, tầm nhìn của người điều khiển giao thông bị khuất. Có nhiều người dân có mặt ở đó chứng kiến sự việc, nhưng ai cũng khẳng định dù cô ấy qua đường sai luật giao thông, nhưng xảy ra va quẹt thì người đi xe phải chịu trách nhiệm. Tôi đã phân tích rõ rằng cô ấy vi phạm luật giao thông nhưng mọi người vẫn buộc tôi phải đền 8 triệu đồng trị giá chiếc điện thoại và tiền thuốc men cho cô ấy thì mới được đi. Vì đang trên đường ra sân bay, sợ trễ chuyến bay nên tôi đành xin hỗ trợ thiệt hại 3 triệu đồng để thoát khỏi vòng vây đó”.
Một giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng (quận 9) cũng ấm ức kể: “Tôi đang chạy xe máy trên đường trước cổng Bệnh viện Ung bướu TPHCM, bất ngờ có một phụ nữ băng vọt qua đường. Trong khi tôi hốt hoảng chạy lách về phía sau thì bất ngờ người này lại bước lùi lại, khiến xe tôi đổ sầm xuống đường, tay tôi bị chà mạnh xuống mặt đường nên trầy xước khá nặng, còn người phụ nữ kia bị té nhưng không bị thương. Tôi chưa kịp nói gì thì người phụ nữ đó đã xối xả chửi mắng tôi không biết chạy xe, trong khi người sai luật và gây ra TNGT là người phụ nữ đó. Điều đáng nói, ngay đấy có cầu vượt dành cho người đi bộ nhưng rất ít người chịu khó đi, vẫn chọn cách băng ngang qua đường cho tiện”.
Hàng ngày, trên các tuyến đường, người tham gia giao thông thường gặp không ít người đi bộ vi phạm an toàn giao thông, như không đi đúng luật, làm cản trở, thậm chí gây nguy hiểm cho những loại phương tiện giao thông khác.
Phạt không dễ
Thiếu tá Huỳnh Trung Phong, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt của Công an TPHCM, khẳng định: “Thời gian qua, cùng với việc thường xuyên tổ chức tuần tra để kịp thời khắc phục ùn tắc giao thông, xử lý các hành vi vi phạm giao thông của các chủ phương tiện giao thông, CSGT cũng đã quan tâm việc xử lý người đi bộ vi phạm luật giao thông. Tuy số vụ việc phát hiện và xử phạt không nhiều, nhưng việc xử lý khá kiên quyết. Đối với người đi bộ, CSGT tập trung xử lý các lỗi chủ yếu như không chấp hành đèn tín hiệu giao thông khi qua đường, đi không đúng phần đường dành cho người đi bộ khi băng qua đường, trèo qua dải phân cách...
Theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP, hành vi đi bộ không đúng quy định bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 120.000 đồng”. Thế nhưng, thực tế người đi bộ vẫn phớt lờ luật giao thông, trong khi CSGT cũng không dễ xử phạt, đặc biệt là đối với hành vi đi bộ băng qua đường không đúng quy định. Được hỏi vì sao rất nhiều người đi bộ vi phạm luật giao thông, nhưng không thấy CSGT phạt, một CSGT làm nhiệm vụ trên tuyến Điện Biên Phủ (Bình Thạnh) cho biết: “Muốn phạt người đi bộ không dễ, bởi người vi phạm thường cười trừ vì không mang theo giấy tờ và tiền bạc nên CSGT cũng không biết xử phạt cách nào”.
Từ thực trạng nhiều người đi bộ không biết luật hoặc cố ý vi phạm luật giao thông, gây ra TNGT, cho thấy cần phải chú ý hơn việc tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở, xử phạt đối với người đi bộ vi phạm luật giao thông. Nên tăng cường chấn chỉnh tình trạng này bằng các biện pháp chế tài và giáo dục, nâng cao ý thức của cộng đồng.
ĐOÀN HIỆP - THU HƯỜNG