Người “gác bão” ở Song Tử Tây

“Ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời”
Người “gác bão” ở Song Tử Tây

Đảo xa hiếm khi có khách từ đất liền đến thăm, vậy nhưng không hiểu sao mỗi lần đến gần cổng Trạm khí tượng Song Tử Tây (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) mọi người chỉ dừng lại một chút rồi quay ra. Sau này, mấy anh ở trạm khí tượng hỏi mãi mới phát hiện mọi người thường đến ngắm, chụp hình lưu niệm tại cột mốc chủ quyền (do chính quyền chế độ cũ lập trước năm 1975). Trạm khí tượng nằm khuất sau hàng cây bàng vuông, lại bị che bởi cột mốc nên mọi người không để ý. Vậy là, mỗi khi có đoàn ra thăm, anh em trong trạm lại chia nhau “trực” ở cột mốc để mời vào trạm tham quan.

Anh Trương Tiến Độ, Trạm trưởng trạm khí tượng Song Tử Tây ghi nhận các số liệu quan trắc để gửi vào đất liền.

Anh Trương Tiến Độ, Trạm trưởng trạm khí tượng Song Tử Tây ghi nhận các số liệu quan trắc để gửi vào đất liền.

“Ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời”

Đang ghi chép các thông số khí tượng, trạm trưởng Trương Tiến Độ (37 tuổi, quê Hà Nam) bối rối khi có người muốn tìm hiểu viết về công việc của mình. Anh kể: “Trạm thuộc Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Trung bộ. Công việc bình thường lắm, không có gì đặc biệt đâu. Ngày ngó nghiêng nhìn trời ghi chép. Đêm, nhất là những đêm có mưa bão phải thức trắng, thu thập số liệu và điện báo về trung tâm. Cứ 6 giờ chốt số liệu một lần, ngày 4 lần gửi báo cáo về đất liền”.

Để chục năm gắn bó với nghề, trước đây anh Độ từng công tác tại đảo Phú Quý 4 năm, sau đó làm nhiệm vụ tại Phan Thiết. Đến tháng 4-2012, anh xung phong ra đảo làm nhiệm vụ. Ngoài anh ra, Trạm khí tượng Song Tử Tây còn có 2 nhân viên khác. Mai Phương Nam, 26 tuổi (quê Phú Yên) làm nhiệm vụ tại Trạm khí tượng Song Tử Tây từ tháng 7-2010. Nguyễn Thành Duy (quê Thái Bình), năm nay vừa tròn 25 tuổi, ra trạm làm lính khí tượng gần 5 tháng.

Câu chuyện đang đến phần sôi nổi, chiếc điện thoại của Độ reo vang, anh vội vã đi làm nhiệm vụ. Độ cho biết thêm: “Nghề chúng tôi lúc nào cũng phải kè kè bên mình chiếc điện thoại di động để nhắc giờ. Công việc không khó nhưng phải siêng. Chỉ cần một cán bộ trực ngủ quên hay vì lười biếng mà không quan trắc đúng như quy trình sẽ ảnh hưởng tới dự báo chung của một vùng miền, thậm chí cả nước”.

Gian nan trụ lại với nghề

Hào hứng kể cho chúng tôi nghe về công việc ở nơi đầu sóng ngọn gió. Vậy mà khi nhắc đến gia đình, nhắc đến những người mà các anh yêu thương ở đất liền, ai cũng trầm tư, cảm xúc. Ngoài trạm trưởng, anh em còn lại chưa ai có gia đình. Nghề của cả ba anh em đều gắn bó với những chuyến đi xa nhà. Công việc buồn tẻ, thu nhập chẳng bao nhiêu, không ít người làm nghề khí tượng đã không trụ nổi, phải chuyển nghề.

Khi làm nhiệm vụ ở đảo xa, người ta phải hy sinh nhiều thứ. Cuộc sống ở Trường Sa hiện giờ đã bớt khó khăn, vất vả song cảm giác bỡ ngỡ, nhớ nhà vẫn không tránh khỏi. Mai Phương Nam nhớ lại lần đầu ra đảo, tàu chạy mất 10 ngày mới đến nơi. Vậy mà khi đến được gần đảo, vẫn phải quanh quẩn ngoài khơi chưa vào được bờ vì sóng to, không thả xuồng xuống được. Lúc đó trong lòng anh hoang mang lắm, chẳng biết có trụ nỗi 3 năm để làm nhiệm vụ?

“Bây giờ trạm có ba người, vậy là vui rồi. Nghề của chúng tôi lưu truyền nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt”. Nhiều trạm đôi khi chỉ có một người, nhìn trước nhìn sau mỗi mặt mình. Anh em nhiều lúc tâm sự với nhau chẳng biết tại sao chọn nghề này. Nhưng đến giờ này, chưa ai có ý định sẽ chuyển nghề khác. Đi hoài thành quen, như một điều hiển nhiên của nghề”, anh Độ vui vẻ cho biết thêm.

Khi trẻ, người ta thường ít tính toán về những thiệt hơn mà chỉ mong muốn góp sức mình, làm việc gì đó có ích. Ở đảo, mọi người thường gọi đùa dân khí tượng là những anh lính không quân hàm. Những người trẻ này đã âm thầm cùng với những chiến sĩ hải quân chấp nhận gian khổ, ngày đêm bám trụ nơi đầu sóng, ngọn gió để chuyển về đất liền những thông tin thời tiết quan trọng, giúp ngư dân an tâm ra khơi.

"Có khi anh em khí tượng còn thiệt thòi hơn chúng tôi. Từ khi trạm được thành lập, đã có hàng chục lượt cán bộ khí tượng được điều chuyển từ đất liền ra công tác. Mỗi đợt ra đảo phải đi liền một mạch 3 năm, có nhớ nhà mấy cũng đành chịu. Ở đảo, thời tiết khó đoán và khắc nghiệt, công việc không nhàn hạ và bình yên như người ta vẫn tưởng. Nhưng những chàng trai trẻ này vẫn yêu và gắn bó với nghề"

Thượng úy Trịnh văn Hiếu,
chiến sĩ hải quân đang công tác ở đảo Song Tử Tây

Thanh An

Tin cùng chuyên mục