Chị là Phạm Thị Đơn, Chủ nhiệm Mái ấm Hoa Mẫu Đơn (quận Tân Phú, TPHCM) - một phụ nữ hơn nửa cuộc đời dồn hết tâm huyết, trí lực, của cải chăm lo cho trẻ cơ nhỡ chỉ với một tâm nguyện là những mầm xanh ấy rũ bỏ được quá khứ bất hạnh, vươn lên khẳng định mình với đời.
Giúp trẻ tìm tương lai tươi sáng
“Khát mẹ là nỗi đau xót xa của những đứa con chưa ra đời đã bị giết chết... Là nỗi khổ vô tận của những đứa con vừa lọt lòng mẹ đã bị bỏ rơi... Là nỗi buồn tê tái của những đứa con sống mà không được làm người...”. Đó là những dòng mở đầu bức thư ngỏ chị Phạm Thị Đơn viết vào giữa năm 2012 với tâm nguyện muốn lập thêm nhà mẫu giáo từ thiện, một mái ấm tình thương để bảo bọc thêm nhiều trẻ cơ nhỡ hơn nữa. Điều này càng cho ta cảm nhận được sự yêu thương con trẻ đến tận cùng tâm can của người phụ nữ bình dị, đầy lòng nhân ái này.
Hơn 14 năm trước, chị là một nữ tu, sống thanh nhàn với công việc phụng sự đạo pháp. Rồi những chuyến đi hành thiện giúp đỡ cộng đồng, hình ảnh những đứa trẻ mặt mày lem luốc, quần áo rách rưới, bẩn thỉu; đầu trần, chân đất dãi nắng, dầm mưa kiếm từng miếng ăn trong những bãi rác; lê la khắp nơi xin ăn, bán vé số, đánh giày khiến chị vô cùng xót xa.
Sau thời gian dài trăn trở, ước muốn làm điều gì đó giúp những phận đời nhỏ bé, bất hạnh tìm về tương lai tươi sáng, chị Đơn đi đến một quyết định gây bất ngờ cho mọi người, đó là việc xin hoàn tục, bước ra đời thường. “Giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy đó là quyết định dũng cảm” - chị chia sẻ. Và cũng ít ai biết rằng, người phụ nữ ấy lại chọn cách làm từ thiện mà chỉ chị mới nghĩ ra: đi nhặt rác, móc bọc ni lông để hòa mình, trải nghiệm cái nhọc nhằn, khổ cực từ đó giúp đỡ người “đồng cảnh ngộ” là trẻ em.
Thế là, chị Đơn (như cách gọi thân mật của các em nhỏ cơ nhỡ) bước vào “nghề” lượm rác từ đầu năm 1998.
Tình yêu thương cảm hóa con người
Để hòa nhập với các em, chị Đơn trang bị cho mình những dụng cụ hành nghề y hệt như dân móc bọc chuyên nghiệp: Một bao tời khoác trên vai, tay cầm móc sắc dài, chân xỏ đôi dép nhựa cũ. Từ sớm tinh mơ đến khi trời ngả về chiều, chị Đơn lang thang khắp hang cùng ngỏ hẻm từ khu vực quận 3 đổ về quận 5, 6, 10, 11, ngã sáu Nguyễn Tri Phương... Bên ngoài ra vẻ cặm cụi bới móc, nhặt nhạnh những thứ mà người đời vứt bỏ vừa để “kiếm sống” nhưng thực chất là tìm cách lân la, tiếp cận, làm quen với các “đồng nghiệp” nhỏ tuổi.
Ban đầu bọn nhóc tỏ ra nghi ngờ, tránh né còn mấy đàn anh choai choai thì hăm he vì nghĩ chị tranh giành miếng ăn của chúng. Tuy nhiên, không lâu sau đó, chúng đã bắt đầu mến người chị mới vào nghề bởi thái độ ân cần, cách nói chuyện hiền từ thường hay khuyên nhủ chúng điều hay lẽ phải lúc chúng gặp chuyện không may; sẵn sàng chia sẻ từng gói xôi, ổ bánh mình lúc đói lòng, từng tấm áo lành lặn khi đêm về gió lạnh; thậm chí tắm rửa, chải tóc cho chúng như người chị, người mẹ ruột.
“Hành nghề” chưa tới 1 năm, chị Đơn đã cảm hóa và hướng thiện cho hơn chục bạn nhỏ. Chúng bắt đầu bớt chửi bậy, quậy phá, tụ tập đánh nhau. Bước đầu đạt được ý nguyện, Đơn “móc bọc” bắt đầu nghĩ đến chuyện tìm kiếm tương lai cho bọn trẻ bằng con chữ vốn là điều gì đó rất xa vời đối với chúng. Rồi người dân sống gần khu vực công viên Hòa Bình quận 5 lúc bấy giờ đã ngạc nhiên chứng kiến cảnh đám nhóc bụi đời kiếm ăn trên đường phố tỏ ra ngoan ngoãn ngồi tụ lại trong góc công viên, dưới ánh đèn đường, say sưa học chữ, học đánh vần, nắn nót viết từng chữ dưới sự chỉ bảo của một phụ nữ bộ dạng cũng không khá hơn chúng.
Niềm vui hạnh phúc chưa trọn vẹn thì nỗi buồn lại ập đến khi “cô giáo” Đơn phải chia tay các học sinh của mình khi các em được đưa vào các trung tâm giáo dục thanh thiếu niên trong các chiến dịch làm sạch đường phố. Từ đó, chị Đơn bắt đầu nghĩ đến việc tạo nơi trú ngụ cho trẻ cơ nhỡ. Và cuối năm 1999, chị dùng tiền túi dành dụm được thuê nhà trọ làm nơi tá túc cho đám trẻ yêu thương của mình.
Sau 11 lần dời chuyển địa điểm, đến năm 2010, Mái ấm Hoa Mẫu Đơn, tên do chị tự đặt, mới thực sự thành hình tại căn nhà khang trang 1 trệt 3 lầu tại đường Đoàn Giỏi, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú. Chị Đơn chia sẻ, căn nhà này là của gia đình quyết định để lại giúp chị có chỗ nuôi trẻ sau khi biết và thấu hiểu ý nghĩa cao cả của việc chị đã làm hơn chục năm ròng. Hiện tại, mái ấm đang nuôi dưỡng 72 em từ sơ sinh đến 18 tuổi. Trong đó hơn phân nửa có hoàn cảnh mồ côi và bị bỏ rơi.
Thường ngày, ngoài giờ học ở trường, các cháu còn được học thêm các môn nghệ thuật như vẽ, múa, xiếc cùng các môn thể thao như bóng đá, bơi lội. “Mẹ” Đơn tự hào khoe rằng, đội xiếc Hoa Mẫu Đơn đã vinh dự lọt vào bán kết cuộc thi Viet Nam Got Talent năm 2012. Và quả ngọt của quá trình 14 năm tròn gieo hạt lành mà chị Đơn có được là đàn con khôn lớn, trưởng thành, tự tin bước vào đời. Nhiều em đã có công ăn việc làm ổn định, cũng có em tình nguyện ở lại mái ấm giúp chị tiếp tục ươm mầm nhân ái.
Nói về ước nguyện của mình khi tuổi đã về chiều, chị chân tình bộc bạch, sẽ tiếp tục cưu mang trẻ bất hạnh cho đến cuối đời vì chị muốn mình “là một viên muối bể, làm mặn lòng những kẻ vô tư”.
MAI NGUYỄN