Người gốc Việt thành công với Doner kebab

Trong bài viết “Doner kebab là gì?”, trang tin điện tử Statesboroherald đã có những nhận xét thú vị về nhà hàng Son’s Doner Kebab của một người Mỹ gốc Việt đặt tại thành phố Statesboro, bang Georgia, Mỹ.
Người gốc Việt thành công với Doner kebab

Trong bài viết “Doner kebab là gì?”, trang tin điện tử Statesboroherald đã có những nhận xét thú vị về nhà hàng Son’s Doner Kebab của một người Mỹ gốc Việt đặt tại thành phố Statesboro, bang Georgia, Mỹ.

Chủ nhân của nhà hàng này là anh Son Nguyen, 44 tuổi. Đến Đức vào cuối năm 1989, anh Son từng có thời gian làm việc trong các xí nghiệp chế tạo máy vài năm. Đến năm 1997, anh chuyển hướng kinh doanh sang ẩm thực. Từ một xe bán thức ăn nhanh mang hương vị Việt Nam, anh bổ sung thêm món doner kebab (bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ). Doanh thu từ chiếc xe bán thức ăn tăng vọt, từ đó anh Son đã mở được hai nhà hàng ở Frankfurt và Chemnitz. Cả hai nhà hàng đều có món ăn Việt Nam và món doner kebab.



Năm 2010, anh Son nhập quốc tịch Mỹ vì hầu hết người thân đều sống ở nước này. Niềm đam mê kinh doanh ẩm thực đã khiến anh Son quyết định mở một nhà hàng chuyên bán doner kebab tại Statesboro vào tháng 9 năm ngoái. Để thu hút thêm lượng thực khách, ngoài món nước soda và nước đóng chai, anh Son đã chế biến thêm món trà sữa pha với nước đá lạnh.

Theo tác giả bài báo, món doner kebab của anh Son được ưa chuộng vì hương vị thơm ngon và nước sốt độc đáo. Thật hấp dẫn khi mua ổ bánh mì với thịt nóng hổi vừa được xén từ cây thịt xoay vòng tròn với sức nóng từ lò nướng điện. Thịt dùng trong món doner kebab của Son’s Doner Kebab là bò, cừu hoặc thịt gà. Ổ bánh mì là 1/5 của chiếc bánh mì tròn lớn. Khi ăn mới cho bánh vào máy ép nóng và cho nhân thịt vào trong, rau ăn kèm là hành và ớt xanh được bài trí trong chiếc bánh rất bắt mắt. Chỉ cần rưới thêm ít nước sốt do anh Son pha chế, chiếc bánh mì này đã sẵn sàng phục vụ những thực khách ngay tại nước Mỹ.

Khi được hỏi vì sao có thể tự tin rằng món doner kebab của mình sẽ hút khách tại Mỹ, anh Son trả lời: “Do nó rẻ, ngon miệng và tiện lợi”. Đối tượng mà anh Son nhắm đến là những sinh viên, học sinh, những người có khả năng chi tiêu hạn chế nhưng lại muốn có những bữa ăn thơm ngon và bổ dưỡng. 

Không đi theo xu hướng mang bánh mì và phở vào nước Mỹ nên món doner kebab của anh Son đã có chỗ đứng riêng trong hương vị ẩm thực của nước này. Điều thú vị là nhà hàng của anh Son có sự giúp sức của mọi thành viên trong gia đình. Vợ của anh Son, bà Hoa Helen Pham, chịu trách nhiệm về món rau salad ăn kèm trong doner kebab vào mỗi buổi sáng. Con gái anh, Tu Pham, 22 tuổi, sinh viên khoa sư phạm tại một trường đại học ở Georgia, đảm nhận công việc sổ sách, giấy tờ cho nhà hàng. Cậu con trai Nam Pham, 18 tuổi, có mặt ở nhà hàng toàn thời gian vào thứ bảy. Gia đình anh Son rất tự hào về nhà hàng Son’s doner kebab. Họ cho rằng nhà hàng đã gắn kết mọi thành viên trong gia đình. Tuy sống xa Việt Nam đã lâu nhưng họ vẫn thường trao đổi bằng tiếng Việt - một thói quen giúp họ giữ cội nguồn khi ở nơi xa quê hương.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục