Cái Xép một ngày đầu tháng 10 ghi nhận bao nỗi niềm của cựu chiến binh các cụm bến thuộc Đoàn 962 trong hệ thống đường Hồ Chí Minh trên biển. “Vốc lên một vốc biển son/Hạt phù sa mặn nặng tròn lòng tay” (Nắng Tam Giang, thơ của đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962).
Ký ức
Làm sao không chất chứa tâm sự khi đứng trước cái bến ân tình chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra tại vùng đất cực Nam Tổ quốc. Riêng cựu chiến binh có gương mặt sáng, vóc người chắc khỏe hay cười Ngô Văn Tân, hình bóng của người cha nuôi - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bông Văn Dĩa và các đồng đội của chuyến tàu đầu tiên cứ ùa về. Bởi lẽ, đến giờ phút này, ông là nhân chứng lịch sử duy nhất còn sống trong chuyến tiền trạm đầu tiên ra Bắc của đơn vị HN75 - tiền thân của Đoàn 962. Nếu tính luôn cả 4 chuyến liên tục sau đó, ông là một trong 3 nhân chứng lịch sử còn lại tham gia vận chuyển, mở đường cho hàng loạt chuyến tàu lịch sử chi viện vũ khí từ Bắc vào Nam.
Ký ức trong ông chợt quay về khung cảnh của 48 năm về trước - lúc được chọn đi làm nhiệm vụ đặc biệt. Khi ấy ông vừa tròn 20 tuổi. Ngày 1-8-1961, chuyến tiền trạm có 7 người do anh hùng Bông Văn Dĩa chỉ huy. Nhật ký thuyền trưởng tàu không số đầu tiên Lê Văn Một, ghi lại: “Bộ phận của tôi gồm 7 người: Bông Văn Dĩa, Tư Phước, Ngô Văn Tân, Sáu Dũng, Bảy Của, Trần Văn Đáng và Ba Thành (Võ Tấn Thành)”.
Ông nhớ lại: “Chúng tôi vượt biển trên phương tiện nhỏ, thô sơ cùng với sự quyết tâm và tấm lòng yêu nước. Mới ra được vài hải lý, anh em trên tàu ai cũng ói ra tới mật xanh. Chỉ riêng già Dĩa là bình thường. Dọc đường gặp nhiều sóng to, gió lớn, thỉnh thoảng lại gặp tàu địch nên phải trà trộn với ngư dân để cặp bờ. Rong ruổi 7 ngày, tàu đến được Nhật Lệ (Quảng Bình). Sau đó chúng tôi cũng đến được Hà Nội”.
Nhật ký của thuyền trưởng Lê Văn Một giúp chúng ta hình dung sứ mệnh lịch sử của chuyến tàu vận chuyển vũ khí đầu tiên này: “Ngày 7-10-1962, đồng chí Phạm Hùng, Phó Thủ tướng; ông Vịnh ở Ban Thống nhất Trung ương; Trung tướng Trần Văn Trà; ông Đồng Văn Cống, Phó cục trưởng Cục Tác chiến, đến thăm. Mấy ông dặn: Chuyến đi của các đồng chí là chuyến đi mở đầu nên cực kỳ quan trọng. Đưa được vũ khí vào Nam là tiếp sức cho đồng bào ta đánh Mỹ, đánh ngụy... Đây là việc hệ trọng và lâu dài, do vậy nếu gặp địch phải khôn khéo, mưu trí; trường hợp xấu nhất phải hủy hàng, hủy tàu để giữ bí mật công tác”.
Ngày 16-10-1962 (nhằm ngày 19-9-1962 âm lịch), con tàu gỗ mang tên tàu vũ trụ đưa nhà du hành Liên Xô Gagarin bay vòng quanh trái đất Phương Đông 1 cặp bến Vàm Lũng với 30 tấn vũ khí. Chuyến đi thành công mang ý nghĩa rất lớn. “Đường Hồ Chí Minh mở ra trên biển, thực hiện thành công ngay trong lòng địch là một kỳ tích trong bối cảnh so sánh lực lượng trên chiến trường lúc nghiêng mạnh về phía địch. Đường Hồ Chí Minh trên biển tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhưng với khối lượng vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam và hướng biển đảo thì vô cùng lớn” (Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình, Chánh ủy Quân chủng Hải quân).
Cũng chính trong chuyến đi đầu tiên ấy, anh hùng Bông Văn Dĩa quyết định nhận chàng trai có nguyên quán ở xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước làm con nuôi duy nhất của mình. “Tôi cũng bất ngờ trước quyết định của ông già Dĩa. Đi trên tàu, giao nhiệm vụ gì mình cố gắng hoàn thành nhiệm vụ ấy. Không biết có ưu điểm nổi trội gì mà ông già lại thương và tin tưởng hết mực”, ông Tân cười xòa giải thích.
Thật ra, trên hành trình ấy, có rất nhiều tình huống thử thách lòng gan dạ, trí thông minh và tấm lòng yêu nước của chàng trai trẻ sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Tàu bị chết máy giữa biển, không có dụng cụ để neo thuyền trong khi từng bầy cá mập thỉnh thoảng lại bơi lượn xung quanh. Ngô Văn Tân xung phong nhảy xuống biển nghiên cứu và sửa chữa chân vịt (cánh quạt tàu).
Chính vì thế, ông được chuyển Đảng chính thức chỉ sau 1 tháng đứng vào hàng ngũ Đảng. Sau này, ông gặp “một rắc rối” nhỏ. Lúc xét cấp thẻ đảng viên, tổ chức xem lý lịch và đặt vấn đề. Biết tìm lý lẽ, nhân chứng ở đâu khi cả chi bộ trên tàu ngày ấy chỉ duy nhất ông còn sống. Ông nhớ lại, lúc chuyển Đảng chính thức ông đang ở miền Bắc, chuẩn bị chuyến đi mang tính chất sống còn vào miền Nam. Và cuối cùng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng là người xác nhận, giải tỏa mối nghi ngờ này cho ông.
Câu chuyện thời bình
Sau ngày 30-4-1975, ông được điều động về TPHCM phụ trách quân sự địa phương ở cư xá Đô Thành, quận 3; rồi làm Chủ nhiệm Hậu cần quận 3. Tháng 6-1976, chuyển ngành làm Trưởng phòng Lương thực UBND quận 3. Năm 1981, ông giữ cương vị Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận 3. Năm 1990 điều động làm Giám đốc Sở Kinh tế đối ngoại.
Sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời ông chính vào năm 1993 khi được điều động làm Giám đốc Công ty Lương thực TPHCM. Ở thời điểm này, công ty đang thiếu nợ trên 80 triệu USD. 10.000 cán bộ, nhân viên không có tiền phải trả lương bằng gạo. Ngô Văn Tân chuyển từ công việc cụ thể sang công việc chiến lược, từ quản lý nhà nước sang kinh doanh. Vì thế, không ít người lo ngại cho ông rằng: “Công ty không thể tồn tại quá 4 tháng”.
Một công ty ngân hàng Đức giao dịch sàn chứng khoán ở Paris (Pháp) rao bán nợ, đứng ra giao dịch. Vùng vằng 1 - 2 năm qua gần 200 văn bản của các ngân hàng, bộ, ngành, cuối cùng Chính phủ đồng ý. Năm 1995, từ âm 80 triệu USD, ông bán trên sàn giao dịch chứng khoán còn âm 7 triệu USD. Một liên doanh nước ngoài đầu tư 3 triệu USD, công ty 4 triệu USD. Ông bàn với đối tác, bán cho họ liên doanh này phần của mình là 5 triệu USD, đồng thời xin vay của Chính phủ 2 triệu USD để trả nợ.
Thế nhưng 80 triệu USD là con số làm bạc trắng mái tóc, nặng gánh lo toan. Ngô Văn Tân cùng ê kíp qua Pháp rồi Đức - những nơi thực hiện tốt công tác gán nợ, xóa nợ để tìm hiểu hướng dẫn các thủ tục đăng ký. Sau khi tham quan, xem xét nhiều mô hình ở các nước, ông xin chủ trương bán nợ bằng cách lên sàn giao dịch nợ. Nợ mà có thể đem bán được sao? Nhiều người phản đối và cho rằng ông gàn dở vì mình đã nợ, bán ai mua.
Ông xác định: “Cuộc đời của mình chỉ có cái đầu, chỗ đứng của mình là tập thể”. Buổi làm việc đầu tiên của ông là buổi trao đổi chân tình với thái độ cầu thị trước tập thể cán bộ, công nhân viên. “Mình phải học liên tục trong thực tế. Học một cách chân thành, nghiêm túc. Chọn anh em giúp việc, mở cơ chế”. Nhiều hướng đi được vạch ra. Dưới trướng công ty có đến 500 xí nghiệp. Ông củng cố từng đơn vị. Xí nghiệp nào có khả năng phát triển ưu tiên trước. Trong vòng 1 năm, 50 xí nghiệp bừng sức sống. Từ 50 xí nghiệp này, tạo đà cho cả công ty một niềm tin mới vào con đường kinh doanh phía trước. Năm 2004, khi ông nghỉ hưu, cơ ngơi bàn giao lại là doanh thu 2.500 tỷ đồng/năm. Lương trung bình 8 triệu đồng/tháng/người.
Năm 1962, ông được đề nghị làm thủ tục phong tặng danh hiệu anh hùng. 5 năm sau ngày bán nợ thành công và vực dậy công ty, ông tiếp tục được đề nghị làm thủ tục. Thế nhưng cả 2 lần ông đều từ chối. Bởi lẽ “thành công này không phải của tôi mà là của tập thể. Tập thể thầm lặng, còn tôi công khai. Nếu không có vai trò của tập thể, chúng ta không thể vượt qua bất cứ khó khăn, thách thức nào”.
Hạnh phúc lớn nhất trong đời ông chính là Người lính khi không còn cầm súng/về đời thường - vẫn tự nguyện hiến dâng/trái tim yêu vẹn nguyên dòng máu đỏ/chảy suốt đời cho hạnh phúc nhân dân (thơ Khưu Ngọc Bảy).
Phương Nam
ĐBSCL: Họp mặt cựu chiến binh đoàn tàu không số
Ngày 12-10, tại TP Cần Thơ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức buổi họp mặt truyền thống các cựu chiến binh đường Hồ Chí Minh trên biển khu vực ĐBSCL. Về dự họp mặt có 256 đại biểu là cán bộ, hội viên Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, thân nhân gia đình liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang của đoàn tàu không số…
Trong không khí thân tình, các đại biểu đã ôn lại truyền thống 50 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của lực lượng vận tải chiến lược trên biển; đồng thời thể hiện lòng biết ơn của quân và dân đối với những chiến sĩ đã có công mở đường và làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Dịp này, Bộ Quốc phòng, Trung ương Đoàn TNCS HCM đã trao kỷ niệm chương, 19 căn nhà tình nghĩa (mỗi căn trị giá 60 triệu đồng), hàng trăm sổ tiết kiệm, phần quà… cho gia đình hội viên Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tại khu vực ĐBSCL.
Đ.Tuyển
Ra mắt bộ sách và phim truyền hình lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển
Sáng 12-10, NXB Quân đội nhân dân đã ra mắt bộ sách Đường Hồ Chí Minh trên biển – Con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam. Bộ sách gồm 10 cuốn với nhiều thể loại như kỷ yếu, lịch sử truyền thống, hồi ức, ký chân dung… trong đó hồi ức và ký của những người trực tiếp tham gia, chiến đấu trên tàu, tại các bến tàu…
Cùng ngày, Đài Truyền hình TPHCM và Công ty Phim Giải Phóng ra mắt bộ phim truyền hình lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển. Bộ phim tái hiện tinh thần chiến đấu quật cường, bất khuất, những chiến công và cả nỗi đau, mất mát, sẵn sàng hy sinh vì dân tộc của những chiến sĩ hải quân trên Đoàn tàu không số. Bộ phim dài 40 tập (45 phút/tập) sẽ ra mắt khán giả từ ngày 23-10, lúc 18 giờ, từ thứ hai đến chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV9.
T.Vy - M.An
Thông tin liên quan |