Người khuyết tật thành thợ lành nghề

Tọa lạc trên đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TPHCM), Cát Tín là tên một cơ sở điện cơ bình thường như bao cơ sở khác ở TPHCM. Vậy nhưng, ít ai biết rằng hơn chục năm qua, nơi đây là chốn mưu sinh, chứng kiến sự vươn lên của rất nhiều người khuyết tật...
Người khuyết tật thành thợ lành nghề

Tọa lạc trên đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TPHCM), Cát Tín là tên một cơ sở điện cơ bình thường như bao cơ sở khác ở TPHCM. Vậy nhưng, ít ai biết rằng hơn chục năm qua, nơi đây là chốn mưu sinh, chứng kiến sự vươn lên của rất nhiều người khuyết tật...

        Niềm tin vào cuộc sống

Người công nhân khuyết tật đầu tiên chúng tôi gặp tại cơ sở Cát Tín hôm ấy là anh Ngô Văn Hùng (45 tuổi, ngụ quận 11, TPHCM). Lúc này đã quá trưa, trời nóng hầm hập nhưng anh vẫn mải miết bên chiếc máy quấn dây đồng mô-bin lửa xe gắn máy. Trung bình 1 - 2 phút có một thanh mô-bin quấn xong. Gạt mồ hôi lấm tấm trên trán, anh Hùng quay sang cười cho hay, từ sáng đến giờ đã quấn hơn 100 thanh mô-bin. “Tôi đã làm ở tiệm điện cơ này hơn 10 năm. Cũng nhờ Cát Tín luôn quan tâm, bảo bọc những người thợ tật nguyền mà tôi mới có công việc ổn định như bây giờ” - anh Hùng chậm rãi tâm sự. Anh bị liệt 2 chân từ lúc nhỏ. Một thời gian dài gần như bế tắc trước cuộc sống. Cơ may cũng đến khi anh Hùng quyết định theo học lớp dạy nghề điện tại Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TPHCM. Và niềm vui càng nhân lên gấp bội khi anh được cơ sở điện cơ Cát Tín nhận vào làm việc. Anh Hùng phấn khích bày tỏ rằng, với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng đã phần nào giúp anh tự trang trải chi phí hàng ngày.

Ông Mai Thanh Hoàng (đứng) hướng dẫn công nhân khuyết tật thao tác trên máy quấn dây.

Ông Mai Thanh Hoàng (đứng) hướng dẫn công nhân khuyết tật thao tác trên máy quấn dây.

Cùng cảnh ngộ tật nguyền, đang từng ngày vươn lên trong vai trò người thợ điện cơ như anh Hùng, anh Võ Tấn Hiền (31 tuổi, quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu), cũng rất tự tin và hài lòng với công việc và cuộc sống hiện tại của mình. Hơn 7 năm trước, một tai nạn giao thông đã vĩnh viễn lấy đi chân trái của anh Hiền. Quyết không để khiếm khuyết che phủ tương lai, anh tìm đến học nghề tại Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TPHCM. Khi học xong, anh cũng đã được giới thiệu đến cơ sở điện cơ Cát Tín tìm việc. Sau 1 năm vừa học vừa làm, dưới sự chỉ bảo tận tình của người đi trước, anh đã thành thạo nghề quấn mô-tơ máy biến áp, quấn dây đồng mâm lửa xe gắn máy. Đặt chiếc mô-tơ đang quấn sang một bên, anh Hiền chia sẻ cảm nghĩ: “Tôi xem cơ sở Cát Tín như là mái nhà thứ 2 của mình. Mức lương gần 4 triệu đồng mỗi tháng đối với người bình thường có thể khác nhưng đối với người khuyết tật là cả một thành quả lao động đáng quý”.

        Tấm lòng với người khuyết tật

Năm 1972, Mai Thanh Hoàng chỉ là cậu thanh niên tròn tuổi đôi mươi. Nhà vốn có truyền thống phục hồi, sửa chữa và gia công phụ kiện đồ điện gia dụng tại Sài Gòn, ngày ngày Hoàng vừa tập tành làm nghề cùng với cha, vừa trông coi cửa hàng của gia đình. Một lần vô tình gặp lại người bạn học khuyết tật, cảm thương cuộc sống quá khó khăn, chật vật của người đồng trang lứa, Hoàng quyết định đưa bạn đến học nghề và làm việc tại tiệm điện nhà mình. Và cũng từ đó ý thức cảm thông, sẻ chia và sẵn lòng đồng hành, giúp đỡ những số phận kém may mắn dần ăn sâu trong tâm tưởng anh thợ điện trẻ tuổi. Suốt hàng chục năm qua, tiệm điện của gia đình ông Hoàng đã cưu mang, đào tạo rất nhiều thợ điện cơ khuyết tật lành nghề, có công việc ổn định, tự nuôi sống bản thân. Và một trong những người thợ khuyết tật vượt lên số phận từ sự đùm bọc của gia đình ông Hoàng đó là “hiệp sĩ” Nguyễn Ngọc Phương, chàng thanh niên quê ở Quảng Nam với chiều cao vỏn vẹn 90cm, người từng nhiều lần được báo chí và các phương tiện truyền thông nêu danh về tấm gương vượt khó.

Đầu năm 2000, ông Mai Thanh Hoàng khai trương tiệm điện cơ Cát Tín tại đường Phạm Văn Hai. Ngoài những người thợ khuyết tật do người quen, bạn bè giới thiệu tìm đến học việc, còn lại đa số được giới thiệu đến từ Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TPHCM, thông qua kênh thông tin của Báo SGGP trên trang Nhịp cầu nhân ái. Cứ mỗi người khuyết tật tìm đến nương tựa, ông Hoàng đều tận tình chỉ bảo, hướng dẫn từng bước từ cơ bản. Thấm thoát hơn 10 năm qua, điện cơ Cát Tín đã cho “ra lò” hơn 50 lượt người khuyết tật trở thành thợ lành nghề. Theo ông Hoàng, trong số gần 500 sản phẩm gồm mô-bin, IC, bình sạc, đề, máy sạc điện... cung cấp cho các tiệm sửa xe gắn máy mỗi ngày thì hơn 1/3 là do chính tay các công nhân khuyết tật làm ra.

MAI NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục