Rất nhiều lao động từ Libya trở về nước trước thời hạn hợp đồng mong muốn được chia sẻ, hỗ trợ thiệt hại về tài chính, chi phí dịch vụ.
Những ngày qua, cả nước hồi hộp theo dõi thông tin liên quan đến hành trình trở về Việt Nam của hàng trăm lao động vừa thoát khỏi vùng bạo loạn - Libya. Có thể nói, sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ cùng với việc thành lập 5 đoàn công tác hỗ trợ sơ tán lao động ta khỏi vùng chiến sự đến nơi an toàn đã thể hiện sự quan tâm, lo lắng của lãnh đạo cấp cao, các ngành chức năng đối với công dân của mình. Với phương án tác chiến nhanh của “ban chỉ huy tiền phương” - các đoàn công tác này sẽ trợ giúp lao động của ta về nước sớm và an toàn.
Theo Bộ LĐTB-XH, công tác quan trọng nhất lúc này là nỗ lực tìm mọi phương án khả thi nhất để đưa lao động rời khỏi vùng chiến sự nguy hiểm và trở về nước an toàn. Đến ngày 28-2, đã có gần 1.000 lao động trở về nước an toàn và trong những ngày tiếp theo sẽ còn nhiều chuyến bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất để đưa lao động về quê nhà. Tuy nhiên, sau những giọt nước mắt trùng phùng gặp người thân tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, nỗi lo canh cánh của những lao động vừa trở về là làm gì để ổn định cuộc sống và lấy gì để trả khoản nợ vay ngân hàng trước khi đi xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, phần đông trong tổng số trên 10.000 lao động đi Libya làm việc và phải trở về nước trước thời hạn chủ yếu là lao động nghèo ở các vùng nông thôn, người thiểu số. Để có việc làm ở Libya, họ phải vay mượn chi phí ban đầu bình quân khoảng 1.150 - 1.500 USD/người. Tuy nhiên, có rất nhiều lao động mới sang Libya làm việc được một thời gian ngắn, từ vài tháng đến khoảng 1/2 hợp đồng lao động (thời hạn 3 năm), thì phải về nước vì lý do bất khả kháng - bạo loạn, nguy cơ xảy ra nội chiến. Vậy, trong trường hợp về nước trước thời hạn ký kết hợp đồng lao động vì lý do bất khả kháng thì người lao động được thanh lý hợp đồng, giải quyết quyền lợi ra sao? Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, sau khi đưa hết số lao động ở Libya trở về nước an toàn, cục sẽ xây dựng phương án giải quyết quyền lợi cho người lao động và hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thống nhất cách giải quyết trên cơ sở bảo vệ quyền lợi, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho họ.
Có thể nói, những rủi ro xảy ra tại thị trường Libya đang gây thiệt hại lớn cho người lao động và chính những doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Chính vì thế, ngoài sự hỗ trợ khẩn cấp, tiếp sức về tài chính của Chính phủ trong việc điều động máy bay, chi viện lương thực, thực phẩm, thuốc men, quần áo… để đưa người lao động về nước, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thiệt hại cho lao động về nước ổn định cuộc sống trước mắt. Hiện nay, ngoài nhận khoản hỗ trợ 1 triệu đồng/người của Bộ LĐTB-XH, người lao động trở về còn nhận thêm sự hỗ trợ của các công ty xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này chỉ mang tính tạm thời.
Theo các chuyên gia về lao động, lao động ở Libya trở về nước nằm trong trường hợp bất khả kháng là bạo loạn - có nguy cơ xảy ra chiến tranh, vì thế việc giải quyết quyền lợi theo nguyên tắc: nếu làm việc chưa đủ thời gian 1/2 hợp đồng thì được hoàn trả 50% tiền môi giới, làm việc trên 1/2 hợp đồng thì không được hoàn trả. Riêng phí dịch vụ, nếu nộp trước khi đi đủ một lần (mỗi năm 1 tháng lương), doanh nghiệp phải hoàn trả một khoản tương ứng với số tháng người lao động không còn làm việc theo hợp đồng. Cũng theo quy định tại Thông tư 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC, việc thanh lý hợp đồng lao động được áp dụng theo hoàn cảnh cụ thể, giảm bớt thiệt hại cho người lao động.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu lao động, trong trường hợp nêu trên, chắc chắn người lao động sẽ được trợ giúp từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước và mức hỗ trợ ra sao sẽ được Bộ LĐTB-XH xem xét, công bố cụ thể sau khi giải quyết xong vấn đề đưa tất cả lao động từ Libya trở về an toàn. Ngoài ra, người lao động về nước sẽ được ưu tiên hỗ trợ vốn vay từ Quỹ Quốc gia Hỗ trợ việc làm, vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để học nghề trong vòng 12 tháng với lãi suất 0%...
Kinh nghiệm cho thấy, nếu việc giải quyết quyền lợi cho người lao động đi xuất khẩu trong trường hợp bất khả kháng không thỏa đáng, chậm trễ thì dễ phát sinh tranh chấp, khiếu nại phức tạp. Ngoài chờ đợi chính sách vĩ mô, từng địa phương có người lao động về nước, nhất là đối tượng nghèo phải quan tâm hỗ trợ, tạo việc làm, giúp họ ổn định, hòa nhập với cuộc sống. Riêng gánh nặng từ khoản vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội để trang trải chi phí ban đầu cần được Nhà nước xem xét giảm hoặc xóa bớt nợ cho họ.
KHÁNH HÀ