

Học sinh, sinh viên Sài Gòn xuống đường thời chống Mỹ. Ảnh: T.R
Bài thơ của tác giả Nguyễn Kim Ngân viết lên từ thực tế những ngày đấu tranh sôi động của sinh viên - học sinh Sài Gòn vào những năm 1970, khi chiếm giữ tòa đại sứ Cam Bốt (Campuchia) - trụ sở UBND quận 3 hiện nay - để phản đối chính quyền Lon Nol tàn sát Việt kiều và cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam.
Giữa vòng rào kẽm gai bao vây của lực lượng đàn áp và hơi cay mù mịt, những chàng thư sinh áo trắng, chỉ có lòng yêu nước mà không một tấc sắt trong tay, đã được những người mẹ, người chị ở khu vực Bàn Cờ đùm bọc chở che: “Có người mẹ Bàn Cờ/ Tay gầy tóc bạc phơ/ Chuyền cơm qua vách cấm/ Khi ngoài trời đổ mưa…/ Người Việt Nam Bàn Cờ/ Tình Việt Nam như thơ/ Đồng Việt Nam lầy lội/ Giặc đợi chết từng giờ…”.
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn đọc được bài thơ đăng trên tờ nội san của giới sinh viên phật tử ngay thời điểm này và trong khí thế đấu tranh, anh đã phổ thành bài hát Người mẹ Bàn Cờ. Bài hát liền đó do chính anh hát được thu vào băng cát xét và phát ngay địa điểm do sinh viên chiếm giữ, đã nhận được nhiều tình cảm của bà con ở khu vực Bàn Cờ.
Người mẹ Bàn Cờ sau đó đã trở thành bài hát rất phổ biến trong phong trào đấu tranh của sinh viên - học sinh ở miền Nam.
HUY MIÊN