Đó là nhận xét của Giáo sư-Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú về công trình “Văn học Phật giáo thời Lý - Trần”, một trong 4 đề tài được PGS-TS Nguyễn Công Lý, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) tham gia Giải thưởng sáng tạo TPHCM năm 2019.
Khôi phục diện mạo văn học Phật giáo thời Lý - Trần
Từ những năm 1990, dù đã có một số công trình nghiên cứu quy mô của các nhà khoa học về lịch sử Phật giáo Việt Nam, thì bức tranh toàn cảnh về lịch sử văn học Phật giáo Việt Nam hầu như chưa có gì.
Đứng trước thực tế đó, nghiên cứu sinh Nguyễn Công Lý bắt đầu đi vào nghiên cứu một cách toàn diện bức tranh về văn học Phật giáo Việt Nam theo hướng chuyên sâu qua các thời kỳ; về những thành tựu phong phú nhất của một số thời kỳ tiêu biểu với các hiện tượng, đặc trưng trong mối quan hệ giữa văn học Phật giáo với văn học dân tộc, giữa văn học Phật giáo với văn học Nho giáo. Đồng thời, ông cũng đi vào nghiên cứu sâu về giá trị văn chương mà văn học Phật giáo tiêu biểu của thời Lý - Trần được nhiều thế hệ tiền nhân biết đến.
Công trình vốn là luận án tiến sĩ và được Hội đồng chấm luận án các cấp cho điểm 10, xếp loại xuất sắc. Sau đó, luận án được dàn dựng lại thành chuyên khảo xuất bản năm 2002, và tái bản vào các năm 2004, 2006, 2016 với nhiều nội dung quan trọng được chỉnh lý, bổ sung và cập nhật.
Với công trình “Văn học Phật giáo thời Lý - Trần, dưới góc nhìn văn học, tác giả phác họa sơ đồ văn học Phật giáo ở giai đoạn sơ khai (chủ yếu là thuộc thời Bắc thuộc), coi đó như là một trong những tiền đề quan trọng và trực tiếp tạo nên sự phát triển của văn học Phật giáo thời Lý - Trần. Qua đó, giúp bạn đọc thấy rõ diện mạo và đặc điểm của văn học Phật giáo Lý - Trần và làm rõ hơn mối quan hệ giữa tôn giáo với văn học trong sự sống nhân loại nói chung, trong đó có Phật giáo và văn học ở thời kỳ Lý - Trần của Việt Nam nói riêng.
Giáo trình giảng dạy của nhiều trường đại học
Đánh giá tầm ảnh hưởng và giá trị của công trình nghiên cứu, PGS-TS Nguyễn Công Lý đưa ra những luận cứ quan trọng, cho thấy có sự tác động rõ rệt đối với sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ hoặc đã được ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao, góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách trong xây dựng, phát triển TPHCM và cả nước.
Không những vậy, công trình còn có giá trị cao về mặt khoa học khi được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế hàng đầu trên thế giới hoặc đã được đăng ký sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước, đoạt được các giải thưởng khoa học uy tín trong nước và quốc tế.
Từ năm 2004 đến nay, công trình nghiên cứu của PGS-TS Nguyễn Công Lý đã được các trường đại học trong cả nước sử dụng làm giáo trình chính giảng dạy chuyên đề môn học bắt buộc (2 tín chỉ). Trong đó, các chuyên đề về Phật giáo và văn học cổ điển Việt Nam, ngành Hán Nôm được các lớp cao học chuyên ngành văn học Việt Nam của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM hướng dẫn đề tài tốt nghiệp cho nghiên cứu sinh và là tài liệu tham khảo chính cho các lớp cử nhân tài năng ngành văn học, cử nhân văn học, nghiên cứu sinh chuyên ngành văn học Việt Nam. Đồng thời là giáo trình chính tại 3 học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, Hà Nội, Huế khi học môn văn học Phật giáo Việt Nam thời Lý - Trần.
Tổng quan về thời đại Lý - Trần và văn học Lý - Trần được tác giả trình bày những nội dung cảm hứng của 3 chặng đường trong giai đoạn là Ngô - Đinh - Tiền Lê, Lý, Trần - Hồ - Hậu Trần. Mỗi chặng đường có những cảm hứng chủ đạo khác nhau, từ đó cho thấy tiến trình vận động phát triển nối tiếp nhau của những cảm hứng này. Có thể nói đây là quyển sách văn học sử đầu tiên giới thiệu về các thể loại trong một giai đoạn văn học được đánh giá đầy đủ, chi tiết nhất (với 17 thể loại).