Một nhà nghiên cứu nổi tiếng thế giới đã từng phải tỏ ra bất lịch sự khi từ chối không cho một bạn đọc chụp ảnh của ông trong một tàu điện ngầm. Lý do ông đưa ra khá đơn giản, ông không muốn hình ảnh bị đưa tùy tiện lên mạng và trở thành nguồn gốc của đủ thứ lời bình mà rất nhiều trong số đó không mang ý nghĩa thân thiện. Một nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam cũng đã từng khốn khổ vì những tấm ảnh đi du lịch với gia đình do chị đưa lên mạng trở thành nguồn gốc để rất nhiều người phê phán với một lý do kỳ quái: đi du lịch làm gì, người nghèo còn nhiều, có tiền sao không làm từ thiện…
Việc mất đi tính riêng tư trong cuộc sống bị xem là một trong những cái giá của sự nổi tiếng, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số khi mà mỗi hoạt động, sự việc, lời nói của người nổi tiếng có thể nhanh chóng lan truyền đến mọi ngóc ngách trong xã hội. Thế nhưng, đối với những người nổi tiếng vì tài năng, họ xem đấy là một cái giá tất yếu phải trả cho sự nổi tiếng dù rằng không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận.
Vừa qua, trên hệ thống mạng xã hội nổi bật sự kiện mang tên “Lệ rơi”, đó là một chàng trai ở Hải Dương có thú vui hát lại (cover) các bài hát nổi tiếng. Anh tự thu âm, thu hình rồi đăng tải trên youtube và nhanh chóng được các bạn trẻ truyền nhau xem. Anh hát không hay cũng không có đặc điểm gì độc đáo trong biểu diễn, điểm duy nhất khiến anh khác biệt với những người khác là hát rất nhiều, mỗi ngày anh có thể thực hiện hàng chục bài và hiện nay con số clip anh đã làm lên đến hàng trăm.
Rất khó giải thích vì sao “Lệ rơi” lại trở thành một hiện tượng mạng, ngay cả tên thật của anh cũng không được mấy ai để ý, người ta gọi anh là Lệ rơi chẳng qua đó là tên ca khúc đầu tiên anh đưa lên mạng.
“Lệ rơi” không phải trường hợp đầu tiên “nổi tiếng” theo kiểu như thế, trước đó chúng ta từng thấy nhân vật như Phồng tôm, Bà Tưng… Điểm chung nhất của họ là “nổi tiếng” hoàn toàn không phải vì tài năng mà chỉ thuần túy từ các phong trào trên mạng, được xem như là những trò đùa, trò vui mà khán giả mạng chuyển tay nhau như một hình thức giải trí.
Thế nhưng, dù thích hay không thích, dù muốn hay không muốn, họ đều trở thành “người nổi tiếng” và đánh mất đi đời sống riêng tư của mình. Có người chấp nhận và thậm chí lợi dụng điều đó nhưng đại đa số sau giây phút vui mừng khi thấy mình được nhiều người biết đến thì bắt đầu lâm vào khủng hoảng khi thấy cuộc sống riêng tư, cá nhân của mình bị phá hủy.
Chàng “ca sĩ” Lệ rơi hiện đang khốn khổ khi hàng ngày có cả trăm người kéo đến để nhìn mặt “người nổi tiếng”, cuộc sống của anh cũng như của gia đình bị đảo lộn. Thậm chí, chàng trai Hải Dương này đã phải kêu cứu trên mạng khi bị nhiều người xem như “một anh hề” của xã hội.
Một trường hợp khác, một cô gái “nổi tiếng” vì những hình ảnh đưa lên facebook, sau những vui vẻ của sự nổi tiếng là áp lực cuộc sống, đơn vị đang làm việc thải hồi do gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của đơn vị, người yêu bỏ do không chịu nổi sự xoi mói, gia đình xào xáo do áp lực của xã hội… đến mức cô phải khóa facebook, chuyển nơi sống và công tác sang một TP khác để tránh dư luận.
Tác giả Thomas Friedman trong tác phẩm Thế giới phẳng có nhận định rằng thời đại mạng xã hội sẽ tước bỏ quyền riêng tư của các cá nhân, càng nổi tiếng thì quyền riêng tư càng nhỏ bé. Cho đến nay, vẫn chưa có một cơ chế, pháp luật nào trên thế giới có hiệu quả trong việc bảo vệ cá nhân khỏi sự xâm phạm quyền riêng tư từ hệ thống mạng.
Vì thế khi bạn tự đưa mình lên trên các mạng xã hội nghĩa là bạn đang đặt cược chính sự riêng tư và cuộc sống cá nhân của mình. Lời khuyên của các chuyên gia chính là các cá nhân phải biết tự bảo vệ mình, sự nổi tiếng nào cũng phải trả giá, đặc biệt là nổi tiếng không phải bằng tài năng thì cái giá phải trả càng lớn.
TƯỜNG VY