
Mỗi khi có dịp về viếng Lăng Bác Hồ ở Thủ đô Hà Nội, chúng ta thường được xem bộ phim tài liệu “Những giờ phút cuối đời Bác Hồ”. Những hình ảnh về Bác kính yêu lại làm triệu triệu trái tim thổn thức, xúc động khôn nguôi. Những hình ảnh vô cùng quý giá trước khi Bác về cõi vĩnh hằng do hai nhà quay phim quân đội là Nguyễn Thanh Xuân và Trần Anh Trà thực hiện. Dịp kỷ niệm 118 năm ngày sinh Bác Hồ, tôi đã may mắn được gặp một trong hai nhà quay phim ấy...
Lính công binh “bén duyên” điện ảnh
Thật bất ngờ đối với tôi là nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân sau khi nghỉ hưu đã trở về quê nhà - xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Nhà ông nằm dưới chân núi Chung, cách quê nội và quê ngoại Bác Hồ không quá 5 phút chạy xe. Tôi tìm đến ông vào một sáng mưa tầm tã. Mặc dù đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” (ông sinh năm 1931) nhưng ông còn khá nhanh nhẹn và minh mẫn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ông Xuân bảo, ông đến với điện ảnh không phải vì năng khiếu hay vì ham thích. Năm 1952 ông vào bộ đội, là lính Sư đoàn công pháo 351. Thời gian đầu ông là lính pháo binh, nhưng vì thấp bé nhẹ cân nên ông được điều sang làm lính công binh.
Năm 1959, nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị bắt tay vào làm một bộ phim kỷ niệm. Phim có nhiều đơn vị đạt thành tích xuất sắc tham gia, trong đó có lực lượng công binh.
Ông Xuân là một trong số người của đơn vị được cử tham gia phim này. Dịp 22-12 năm ấy bộ phim hoàn thành với tên gọi “Dưới lá cờ Quyết thắng”. Sau đó Đoàn điện ảnh quân đội được thành lập, cấp trên cần người trong lĩnh vực công binh nên ông đã được điều động sang và duyên điện ảnh bắt đầu từ đó.
Công việc chính của ông ở Đoàn điện ảnh quân đội là phụ trách phần “khói lửa”, nhưng ông cũng tranh thủ “học mót” cách quay phim. Khi Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, ông Xuân được giao phụ quay, rồi không lâu sau đó được đưa lên quay chính các trận ném bom của Mỹ và sự chống trả kiên cường của quân và dân ta.
Bộ phim đầu tiên ông thực hiện là “Nhằm thẳng quân thù, bắn!” nói về Tiểu đoàn Anh hùng Nguyễn Viết Xuân Quân khu 4. Tiếp đó là các bộ phim như “Chúng con nhớ Bác”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ”,… rồi các thước phim quý giá cùng đồng nghiệp thực hiện ở chiến trường Quảng Trị, Tây Nguyên,…
Năm 1975, khi Đà Lạt vừa được giải phóng, ông đã thực hiện bộ phim “Đà Lạt vào xuân”. Đây là bộ phim màu đầu tiên của điện ảnh quân đội.
Những giây phút không bao giờ quên
“Hồi Bác mất, mưa cũng dầm dề như vậy. Khi Bác mất thì chưa mưa, nhưng khi đưa Bác về Viện 108 thì trời bắt đầu mưa”, ông Xuân lại nhìn lên rừng cây trên núi Chung. Ông không thể nào quên những thời khắc cuối cùng khi Bác mất.

Ông Xuân đang xem lại những tấm ảnh được rọi từ phim ông quay về Bác.
Vào ngày 26-8, ông cùng nhà quay phim Trần Anh Trà, chủ nhiệm phim Nguyễn Hữu Vân và lái xe Hoàng Hè của điện ảnh quân đội được thông báo chuẩn bị tinh thần đi làm nhiệm vụ đặc biệt.
Ngày 28, anh em được lệnh chuẩn bị 4 máy quay phim (đề phòng trục trặc khi làm nhiệm vụ), rồi lên xe ô tô chờ lệnh. Khoảng 1g sáng ngày 29, tất cả được lệnh xuất phát từ Tổng cục Chính trị đến Phủ Chủ tịch.
Sáng đó, đồng chí Vũ Kỳ - thư ký của Bác - đến thông báo về tình hình sức khỏe của Người rất xấu và bảo anh em chuẩn bị tinh thần để làm nhiệm vụ. Cả 4 anh em run lên về thông tin ấy. Bác sắp ra đi? Anh em không tài nào ngồi yên mặc dù nhiệm vụ lúc này là “nghỉ ngơi và chờ lệnh”.
Đêm ấy cũng không ai chợp mắt được. Sáng 1-9, đồng chí Vũ Kỳ lại đến và thông báo sức khỏe của Bác có khả quan hơn và Bác đang cố gắng để sáng hôm sau ra mắt quốc dân đồng bào chào mừng Quốc khánh. Thông tin này đã khiến anh em vui mừng khôn tả.
Nhưng đến chiều 1-9, đồng chí Vũ Kỳ đến thông báo: “Các đồng chí chuẩn bị làm nhiệm vụ”. Đồng chí Vũ Kỳ chưa nói hết câu thì nước mắt anh em đã trào ra. Bác sắp ra đi thật ư? Ông vác chiếc máy Konwat lên vai cùng Trần Anh Trà theo đồng chí Vũ Kỳ đến nơi Bác đang nằm.
Mỗi bước chân đi ông có cảm giác như đeo đá. Các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp,… lúc này đang túc trực bên Người.
Vì chiếc máy quay Konwat mỗi khi quay gây tiếng ồn nên việc quay phim lúc này được thực hiện từ xa. Suốt buổi chiều và tối hôm đó anh em tiếp tục túc trực để làm nhiệm vụ bên Bác.
Đến sáng 2-9, cuộc mít tinh mừng Quốc khánh vẫn được tổ chức. Khoảng 8g, hàng vạn người đã tập trung về Quảng trường Ba Đình để dự lễ mít tinh và mong nhìn thấy Bác.
Nhưng Bác mãi mãi không còn xuất hiện trước quốc dân đồng bào trên bục cao như mỗi dịp kể từ ngày Người đọc Tuyên ngôn độc lập. Vào thời khắc ấy đồng bào không biết Bộ Chính trị đang họp phiên bất thường.
9g47 Bác mãi mãi ra đi vào cõi vĩnh hằng. Khung hình trong mắt ông Xuân nhòe đi. Các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp,… cùng bật khóc. Bác đi thật rồi!
“Vì trước đó chúng tôi đã đặt sẵn một số chế độ quay. Cứ thế, tôi bấm máy và lia máy theo cảm quan nghề nghiệp, rồi để ống kính góc rộng giơ lên mà bấm máy.
Cũng như anh Trà, tôi khóc ướt cả thước ngắm của máy quay. Vẫn biết nhiệm vụ được giao là vô cùng nặng nề, vì chúng tôi biết những thước phim này là những thước phim vô cùng quý giá của dân tộc, của đất nước.
Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, những thước phim này được sử dụng để làm phim “Những giờ phút cuối đời Bác Hồ” do Phạm Quốc Vinh đạo diễn”, ông Xuân rơm rớm nước mắt nhìn lên rừng cây trên núi Chung. Trên ấy có 79 loài cây tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác.
Duy Cường