TPHCM vừa thả 200.000 con cá xuống kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và Nhiêu Lộc - Thị Nghè, khẳng định sự hồi sinh của 2 dòng kênh này. Thế nhưng, hàng ngày lại có rất nhiều người túc trực ven kênh với lỉnh kỉnh đồ nghề để… câu cá.
Mới 8 giờ sáng, anh Minh (ở phường 14, quận 3) đã có mặt bên bờ kênh Nhiêu Lộc, đoạn qua phường 2, Phú Nhuận với chiếc dù, 2 cần câu, bánh mì, cơm và túi đồ nghề câu cá. Anh kể, sáng anh đi câu, chiều làm thuê cho một cơ sở, tối về lại xách cần đi câu tiếp. Vốn là dân chuyên câu cá tại các điểm câu giải trí, từ ngày kênh được cải tạo môi sinh, có cá sinh sống, anh ra đây câu luôn. Anh làm mồi câu với nhân bằng bánh mì, bọc ngoài là cơm dẻo trộn với cám để chuyên câu cá tra. Anh khoe, từ tháng 2 đến nay, chỉ loanh quanh câu đoạn từ cầu Kiệu đến cầu Trần Khánh Dư, anh đã câu được 26 con cá tra, nặng từ 0,9 - 5kg. Anh lấy điện thoại di động, mở cho xem hình con cá tra 5kg anh câu được vào một buổi tối cũng tại đoạn kênh này, rồi cười sảng khoái: “Câu ở đây thích lắm!”. Nói về chuyện những người không câu nhưng tàn sát cá bằng cách kéo lưới hay xài lưỡi câu chùm, anh Minh gay gắt: “Câu là để giải trí, kéo lưới hay xài câu chùm thì làm gì còn cá. Tụi tôi câu ở đây hễ có rác còn kéo lên để công nhân vệ sinh thu gom, như vậy kênh mới sạch”.
Còn anh Quang (ở đường Kỳ Đồng, phường 9 quận 3) thường câu tại đoạn kênh gần chân cầu Lê Văn Sỹ. Anh kể: “Tôi làm nghề đi giao hàng cho các siêu thị. Lúc nào người ta gọi thì mình đi giao hàng, còn không thì ra đây câu cá. Câu ở đây chủ yếu là cá tra, cá trê, cá chép, gần đây tôi câu được 3 con cá tra, mỗi con nặng tầm 1 - 1,5kg. Có những hôm nước kênh hơi dơ và nhiều rác, khiến cá chép chết nổi lềnh bềnh, thấy mà xót”. Được hỏi anh có dám ăn cá câu được ở kênh này không, anh Quang cười: “Cứ mang về rộng nước 1 - 2 ngày rồi ăn là… ô kê”. Anh Tâm (ở phường 4, quận 8) thì thường câu tại kênh Tàu Hủ, đoạn dưới chân cầu Chà Và. Anh nói: “Cá tra, cá trê câu lên vẫn có thể ăn, do nước đã sạch hơn”.
Trao đổi với chúng tôi về chuyện người thả, kẻ câu tại các dòng kênh này, ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN-PTNT TPHCM), cho biết: Sau khi tiến hành kiểm tra, đánh giá các chỉ số chất lượng nước tại các dòng kênh này, chi cục đã đề nghị TP tiến hành thả cá để cân bằng sinh thái môi trường. “Trong chuyện này, thực tình cũng có 2 quan điểm khác nhau. Có ý kiến đề nghị cấm câu cá nhưng không có luật nào cấm câu cá trên kênh rạch. Nhưng khai thác theo kiểu lưới, chài, câu chùm, chích điện thì đúng là phải xem lại vì tận diệt cá. Theo tôi, hình ảnh nhiều người dân chiều chiều ra bờ kênh câu cá cũng là một nét đẹp của một TP yên bình, vì vậy không nên cấm câu cá, nếu là câu giải trí. Với lượng người câu đông như hiện nay cũng không ảnh hưởng nhiều đến số lượng và khả năng sinh sản của cá”. Điều ông Trần Đình Vĩnh trăn trở là làm sao giữ môi trường trong sạch của các dòng kênh được bền vững. Tình trạng xả rác xuống kênh vẫn còn tiếp diễn, thậm chí là các chất thải cứng như bàn ghế, nệm giường… “Chi cục đang nghiên cứu và trình TP những biện pháp bảo vệ các con kênh như cấm thả lưới, quăng chài hay câu chùm; tiến hành phối hợp với các quận, phường có tuyến kênh đi qua kêu gọi người dân bảo vệ dòng kênh, không xả rác xuống kênh, hưởng ứng việc thả cá xuống kênh”, ông Vĩnh cho biết thêm.
THƯ LÊ