Người thích làm chuyện… bao đồng

Có 2 cửa hàng bán nệm, bà giao toàn bộ cho người thân trông coi, lại không vướng bận chồng con, nên dù đã ngoài lục tuần, bà Huỳnh Thu Thủy (pháp danh Châu Ngọc), còn năng nổ tháo vát hơn cả thanh niên. Suốt ngày bà “cưỡi” chiếc @, cùng chiếc máy quay mini bên mình. Bà đi hết Mỹ Tho, đến Cai Lậy rồi về thành phố. Bà luôn tất bật đi xác minh những hoàn cảnh gia đình có người là nạn nhân chất độc da cam, tật nguyền, để lên phương án tài trợ giúp đỡ.
Người thích làm chuyện… bao đồng

Có 2 cửa hàng bán nệm, bà giao toàn bộ cho người thân trông coi, lại không vướng bận chồng con, nên dù đã ngoài lục tuần, bà Huỳnh Thu Thủy (pháp danh Châu Ngọc), còn năng nổ tháo vát hơn cả thanh niên. Suốt ngày bà “cưỡi” chiếc @, cùng chiếc máy quay mini bên mình. Bà đi hết Mỹ Tho, đến Cai Lậy rồi về thành phố. Bà luôn tất bật đi xác minh những hoàn cảnh gia đình có người là nạn nhân chất độc da cam, tật nguyền, để lên phương án tài trợ giúp đỡ.

Bà Huỳnh Thu Thủy (đứng giữa) và ni sư Tuyết Liên trong một buổi trao nhà tình thương cho một gia đình nông dân nghèo ở Cai Lậy - Tiền Giang.

Bà Huỳnh Thu Thủy (đứng giữa) và ni sư Tuyết Liên trong một buổi trao nhà tình thương cho một gia đình nông dân nghèo ở Cai Lậy - Tiền Giang.

Bà là người cộng sự đắc lực của ni sư Tuyết Liên, trụ trì tịnh xá Ngọc Hiệp, thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Tịnh xá thường nhận được những đơn kêu cứu, xin tài trợ, từ những gia đình nông dân nghèo, có con bị bại não, khuyết tật hay bị nhiễm chất độc da cam. Ni sư thường chuyển các đơn này đến bà Thủy, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em khuyết tật tịnh xá Ngọc Hiệp, để xác minh và tìm cách giúp đỡ hỗ trợ. “Hội bảo trợ trẻ em khuyết tật” do bà Thủy khởi xướng từ tháng 4-2011.

Đến nay hội đã nhận bảo trợ cho hơn 100 em khuyết tật, bại não, nhiễm chất độc da cam của các xã vùng sâu vùng xa huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang. Hàng tháng các em nhận được tài trợ 10kg gạo và 200.000 đồng tiền mặt. Để sự bảo trợ các em được thường xuyên hội đã vận động được các nhà tài trợ theo phương thức 1+1, hay 1+n (cứ 1 nhà tài trợ nhận bảo trợ suốt đời cho 1 em, nhà tài trợ nào có khả năng có thể tài trợ cho 2-3 em hay nhiều hơn). Bà cũng là người, “chủ xị” của hội tương tế chùa Như Lai, nơi chăm lo hậu sự cho những người già nghèo neo đơn và đã có 12 cụ ông cụ bà được bà Thủy lo toan chu đáo, tiễn các cụ về nơi chín suối (toàn bộ phần hậu sự tốn khoảng 10 triệu đồng/cụ).

 Từ năm 2000, hơn 10 cái Tết Trung thu người ta lại thấy bà Thủy cùng một số mạnh thường quân, tất bật tổ chức vui chơi cho các trẻ em gia đình nghèo ở Tiền Giang để các cháu có một cái Tết Trung thu đúng nghĩa. Mỗi lần tổ chức có hơn 1.000 em được tặng bánh trung thu, lồng đèn, bánh kẹo, tập vở, bút viết và thêm 1 bao lì xì tiền mặt.

Dịp Trung thu 2012 vừa qua đã có khoảng 1.500 em được nhận quà trung thu của các mạnh thường quân, các phật tử của tịnh xá Trung Tâm (Bình Thạnh), chùa Như Lai (Gò Vấp), tịnh xá Ngọc Hiệp (Tiền Giang) do bà Thủy vận động phát tâm đóng góp. Là cư dân ở phường 7 quận Bình Thạnh nên bà cũng thường xuyên chăm lo cho các em học sinh giỏi, gia đình khó khăn ở phường, những suất học bổng tình thương, để hỗ trợ các em bước vào năm học mới. Bà còn vận động xây dựng được 4 căn nhà tình thương tặng các gia đình có người khuyết tật, nghèo, nhà cửa rách nát ở huyện Châu Thành, Tiền Giang. Mỗi căn nhà trị giá 30 triệu đồng.

Trong dịp Tết Quý Tỵ 2013, bà vận động 150 phần quà (mỗi phần quà 250.000 đồng) tặng bà con nghèo và các cháu khuyết tật của các xã còn nhiều khó khăn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Trong buổi tham gia đấu giá từ thiện pho tượng Phật của Nepal (đã được một số nghệ nhân trong nước thiết kế thêm cái y cà sa - áo choàng Đức Phật, mạ vàng), bà đã đấu giá thành công pho tượng này trị giá 3 cây vàng SJC, để dâng cúng cho pháp viện Minh Đăng Quang (đang xây dựng ở ngã ba Cát Lái - TPHCM).

Nhờ uy tín và cách làm việc minh bạch, rõ ràng, nên các phật tử, các nhà hảo tâm rất trân trọng và tín nhiệm bà, hỗ trợ bà trong các chương trình từ thiện xã hội. Nhờ đó, bà có cơ hội suốt ngày rong ruổi một mình một xe tìm đến các địa chỉ có người hoạn nạn nghèo khó, để tìm cách hỗ trợ họ vượt qua những nghịch cảnh đời thường.

Bà chỉ trở về căn nhà nhỏ của mình trong con hẻm cũng nho nhỏ của quận Bình Thạnh để nghỉ ngơi, khi công việc lo toan những chuyện ân tình ân nghĩa giúp người giúp đời đã xong và có kết quả tốt. Việc tất bật làm công tác từ thiện xã hội đầy trong sáng của bà đã được các đồng sự, thân hữu tặng cho cái biệt danh dễ thương: Người thích làm chuyện “bao đồng”. 

ĐẶNG CHÍ LỢI

Tin cùng chuyên mục