Sau những ngày về quê ăn tết, nhiều công nhân và sinh viên quay trở lại TPHCM tiếp tục làm việc và học hành. Nhưng họ phải thêm nặng gánh lo, có người bị mất trộm hết đồ đạc, có người bị mất việc làm hoặc giảm sút thu nhập, trong khi đó không ít chủ nhà trọ vin vào lý do giá cả leo thang để tăng giá phòng trọ, điện, nước.
Trộm “xông đất” phòng trọ
Sau một kỳ nghỉ tết dài, nhiều người thuê trọ trở lại các khu nhà trọ ở TPHCM đã tái mặt khi phải chứng kiến phòng mình thuê trọ đã bị trộm phá tung, lấy cắp hết đồ đạc. Lê Khắc Châu, sinh viên ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, buồn thiu kể: “Phòng trọ của tôi và mấy phòng trọ khác ở đường Lê Văn Việt (phường Tăng Nhơn Phú, quận 9) bị phá tung cửa, tất cả đồ đạc từ nồi cơm điện, quạt, bếp ga cho đến quần áo cũ đều bị lấy mất. Trước khi về quê tôi đã thay ổ khóa mới tốt hơn để đề phòng kẻ trộm đột nhập, nhưng ai ngờ ổ khóa to như vậy mà vẫn bị phá”.
Lâm Thu Phương, sinh viên ĐH KHXH-NV TPHCM, cũng hớt hải khi trở lại phòng trọ ở khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, thấy cửa sổ phòng có song sắt đã bị phá bung, kẻ trộm lấy mất chiếc máy tính xách tay và 1 máy ảnh. Cách nhà trọ của Phương không xa, khu nhà trọ của nhóm bạn sinh viên ĐH Bách khoa, có tường rào cao 2m, cửa cổng bằng sắt kiên cố cũng bị phá, 6 phòng trong tổng số 10 phòng trọ bị trộm đột nhập. Ông Cao Xuân Danh, chủ nhà trọ này, cho biết: “Không ngờ bọn trộm tinh ma đến vậy, tôi về quê chơi tết có 2 ngày mà bọn chúng đã ra tay ngay. Tôi đang thuê thợ hàn lại 2 cửa cổng và 6 cửa phòng bị hư hỏng cho kiên cố hơn”.
Khu nhà trọ công nhân của các công nhân khu chế xuất Linh Trung 2 cũng bị trộm “xông đất”. Chị Mai, thuê trọ ở đây, than thở: “Hai vợ chồng tôi làm lụng tích góp mấy năm mới mua được chiếc xe máy, về quê mấy ngày đã bị trộm lấy mất, không biết làm sao đi lại đây. Nhiều đồ đạc trong nhà đã mất, không biết lấy tiền đâu để sắm sửa nữa. Đã nghèo giờ lại còn trắng tay. Tôi đã đến báo với công an phường với hy vọng sẽ điều tra ra, nhưng công an phường cho biết hầu như ngày nào cũng nhận được phản ánh của người dân về việc bị trộm, rất khó tìm lại các tài sản đã mất”.
Đến hẹn lại lên giá
Đúng như điều những người thuê trọ đã lo lắng. Cứ sau mỗi cái tết là giá nhà trọ và mức thu tiền điện, nước lại tăng lên. Tại các khu nhà trọ công nhân ở Thủ Đức, sau tết chủ trọ đã tăng giá cho thuê phòng thêm từ 50.000 - 100.000 đồng. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, công nhân may tại khu chế xuất Linh Trung 2, đang thuê phòng trọ tại đường số 8 (phường Linh Trung), kể: “Chủ nhà trọ ở đây rất hiểu tâm lý công nhân. Mỗi lần tăng ít thôi, chứ tăng cao thì sẽ không còn ai thuê ở, nhưng cứ mỗi năm mỗi tăng giá lên một lần”.
Trần Linh Nhi, sinh viên Trường CĐ Bách Việt, đang thuê trọ tại khu cư xá Bình Thới (quận 11), đau đầu khi nghe chủ nhà trọ thông báo tăng tiền điện, nước và tiền giữ xe. Trong năm 2012 chủ nhà trọ đã tăng giá tiền thuê phòng, nên nay viện cớ tăng các khoản khác. Giá giữ xe tăng thêm 20.000 đồng/xe; tiền nước máy tăng thêm 30.000 đồng/người, tiền điện tăng thêm 500 đồng/kW. Với người làm ra tiền thì tăng thêm chi phí vài trăm ngàn đồng không phải là nhiều, nhưng với sinh viên phải sẻn dè từng đồng của cha mẹ ở quê vất vả lo toan thì cũng là nặng thêm gánh lo. Thu nhập ít ỏi khiến người thuê trọ càng phải thắt lưng buộc bụng dè sẻn đến mức tối đa để có thể bám trụ tại TPHCM.
Do mức tăng giá cao, nên không ít người thuê trọ đành phải dọn đi kiếm thuê chỗ ở mới. Có người tuy muốn chuyển nhưng khó kiếm được chỗ ưng ý và có mức giá mềm, hoặc ngại mất công chuyển dời, phải tốn tiền cho “cò”, nên cũng đành chấp nhận ở lại với giá thuê cao hơn. Hồi trước tết, một số chủ trọ ở những nơi gần trường đại học hoặc khu chế xuất có phòng trọ luôn kín khách thuê còn bắt chẹt người thuê trọ bằng cách bắt buộc phải đóng tiền thế chân trước khi về quê ăn tết. Thế nên nay giá thuê tăng, muốn chuyển đi nơi khác cũng không đơn giản, có khi sẽ phải chịu mất tiền thế chân vì theo hợp đồng phải báo trước 1 tháng.
Trong thời kinh tế khó khăn, việc làm và đời sống không ổn định, chuyện lo toan cơm áo gạo tiền rất gian nan, nhiều công nhân lao động xa quê về TPHCM kiếm sống đang lâm vào cảnh khốn đốn. Hưởng ứng sự kêu gọi vận động của TPHCM, nhiều chủ nhà trọ đã sẵn sàng chia sẻ khó khăn với người thuê trọ, không tăng giá thuê trọ. Nhưng cũng đang có nhiều chủ nhà trọ không đủ tấm lòng cảm thông, không những không trợ giúp những người lao động và sinh viên xa quê, mà còn bắt chẹt, tận thu, chỉ nghĩ đến lợi nhuận cho mình. Trong tình hình sau tết người thuê trọ đang phải nặng thêm gánh lo, rất mong các địa phương và tổ chức xã hội quan tâm hỗ trợ kịp thời đối với những trường hợp đặc biệt khó khăn và tiếp tục vận động các chủ nhà trọ tích cực hỗ trợ người thuê trọ với tinh thần nhường cơm sẻ áo, ấm áp tình người.
PHAN ANH - THANH HẢI