Năm nay đã 77 tuổi, nhưng người thương binh, cựu chiến binh ấy vẫn ngày ngày đứng bên đường ngang dân sinh “canh” những chuyến tàu đi qua an toàn, thông suốt. Bất kể nắng mưa, người qua đường đều thấy ông lão ngồi trên cánh võng trong chốt gác đợi tàu, nhiều người đã quen và cảm thấy an tâm khi có bóng dáng ông cùng tiếng còi cất lên báo hiệu tàu sắp tới. Người thương binh ấy là ông Nguyễn Huy Chi (trú xóm 6, xã Quỳnh Tân, Quỳnh Lưu, Nghệ An).
Ông Chi chốt gác đường ngang làm nhiệm vụ
Sáng sớm, ông Nguyễn Huy Chi đạp chiếc xe lọc cọc khoảng 2km đến chốt canh tàu. Hành trang của ông ngoài chiếc xe đạp cũ kỹ là một cây cờ hiệu, mấy quả pháo sáng, một chiếc võng, một áo mưa, một tấm bạt và một chai nước.
Chốt canh tàu của ông ở địa bàn xóm 7, xã Quỳnh Tân. Đây là điểm giao cắt giữa đường sắt Bắc - Nam và đường ngang dân sinh nối quốc lộ 1A và một số xã phía Tây của huyện Quỳnh Lưu. Chốt gác của ông là một cái “bốt” lợp bằng mấy tấm bờrô xi măng, xung quanh không phên che. Ông Chi cho biết, vì không có phên chắn nên ông phải mang theo một tấm bạt, gió chiều nào che chiều ấy. Khi gió mùa Đông Bắc thì lạnh thấu xương, gió Lào thì rám mặt.
Ông Chi vào bộ đội năm 1964, chiến đấu ở chiến trường Lào. Ông bị thương 2 lần, hưởng chế độ thương tật 1/4. Năm 1970, sau một thời gian đi an dưỡng, ông được cho đi học để về phục vụ quê hương… Công việc canh đường của ông Chi bắt đầu từ năm 2005. Thời gian ấy, xã Quỳnh Tân nhận với ngành đường sắt trông nom tuyến đường ngang dân sinh này. Đây là tuyến đường huyết mạch của xã Quỳnh Tân và các xã lân cận nối với quốc lộ 1A nên người, xe qua lại rất đông. Trong khi đó, tuyến đường sắt đoạn qua đây lại đi theo lối vòng cung, cả hai đầu đều khuất tầm nhìn bởi núi, cây cối và nhà cửa. Ban đầu, xã giao cho thanh niên, nhưng sau đó giao cho Hội Cựu chiến binh. Ông Chi và một người nữa nhận việc. Nhưng chỉ được một thời gian, người làm cùng xin nghỉ công việc không lương này, chỉ còn mình ông Chi cần mẫn với những chuyến tàu.
6 giờ sáng ông có mặt, gần 12 giờ trưa về. 2 giờ chiều lại ra chốt, 4-5 giờ chiều về. Bà Nguyễn Thị Liên, vợ ông Chi, tâm sự: “Rõ khổ gia đình khuyên can ông ấy ở nhà, nhưng ông ấy cứ nhất quyết đi, nói ở nhà sẽ ốm, đi mới khỏe”. Mới đây, ghi nhận những đóng góp và để động viên ông Chi, ngành đường sắt đã hỗ trợ ông 1 triệu đồng/tháng.
Suốt 12 năm qua, từ khi có ông Chi, cung đường sắt qua điểm giao ở xã Quỳnh Tân này trở nên an toàn. Ông Chi kể, mới đây, một chị đi xe máy chở muối lên trên xã Quỳnh Tân bán. Khi tàu chuẩn bị tới, mặc cho ông thổi còi ra hiệu nhưng chị này vẫn cố vượt qua, chẳng may bị ngã xe. Rất may mọi người kịp kéo người và xe ra được nhưng bao muối thì bị tàu tông tung tóe. Một lần khác, một anh thanh niên đi ô tô đến thì tàu chuẩn bị qua. Ông Chi thổi còi ra hiệu dừng lại nhưng anh này vẫn cố vượt. Khi xe ô tô vừa qua khỏi thanh ray tầm 2-3m thì tàu lao tới. Ông Chi đọc biển số xe và ghi nhớ. Khi anh này quay về, ông dừng xe “mắng” cho một trận. Ông Chi tâm sự: “Sau mỗi việc xảy ra như thế, tôi rất lo. Cứ như mình không hoàn thành nhiệm vụ”.
Ông Bùi Đăng Sáu, Trưởng ga Hoàng Mai (Nghệ An) cảm kích: “Nếu ở Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung có những người như ông Chi thì chắc chắn tai nạn đường ngang sẽ bị đẩy lùi, mỗi năm Nhà nước tiết kiệm được hàng tỷ đồng và sẽ bớt đi những nỗi đau về tai nạn giao thông đường sắt”.
DUY CƯỜNG