“Người tử tế” với môi trường

Suốt 15 năm nay, những người đến thư giãn, tập thể dục ở Công viên Tao Đàn (quận 1, TPHCM) vẫn gặp và dành tình cảm thân thiện cho cô Nguyễn Thị Liễu - người vẫn ngày ngày cần mẫn mang lúa, gạo tấm và chuối đến công viên để nuôi đàn chim sẻ và đàn sóc hoang ở nơi đây bằng cái tâm của một người phụ nữ nhân hậu.
“Người tử tế” với môi trường

Suốt 15 năm nay, những người đến thư giãn, tập thể dục ở Công viên Tao Đàn (quận 1, TPHCM) vẫn gặp và dành tình cảm thân thiện cho cô Nguyễn Thị Liễu - người vẫn ngày ngày cần mẫn mang lúa, gạo tấm và chuối đến công viên để nuôi đàn chim sẻ và đàn sóc hoang ở nơi đây bằng cái tâm của một người phụ nữ nhân hậu.

Cô Nguyễn Thị Liễu đã suốt 15 năm nay vẫn ngày ngày cần mẫn mang lúa, gạo tấm và chuối đến công viên để nuôi đàn chim sẻ và đàn sóc hoang ở Công viên Tao Đàn.

Tận tâm như người mẹ

Chúng tôi đến Công viên Tao Đàn vào một buổi sáng giữa tuần. Không khí trong lành cùng với những bóng cây rợp mát nơi đây tạo ra một nơi chốn yên bình, tách biệt với những ồn ào, tất bật ở bên kia đường. Trong khi những người khác đang đi bộ tập thể dục, có một người phụ nữ lặng lẽ mang những bịch xốp đựng thóc và chuối đến rải đều quanh những gốc cây. Cô vừa rải là đã thấy đàn chim sẻ sà xuống, ríu rít như những trẻ thơ được mẹ cho quà. Cùng lúc đó, trên các cành cây xuất hiện những chú sóc. Ban đầu chúng dường như còn dè dặt cảnh giác, nhưng rồi nhận ra người quen, chúng trở nên dạn dĩ hơn, thoăn thoắt chạy về phía những miếng chuối đã được cắt miếng để sẵn dưới gốc cây.

Người phụ nữ rải thóc, rải chuối xong, đứng nán lại thêm một lúc, trìu mến nhìn đàn chim và đàn sóc nhỏ đang ăn, nở một nụ cười mãn nguyện. Cô là Nguyễn Thị Liễu (66 tuổi, ngụ tại quận 1, TPHCM). Cô kể, vào khoảng năm 2000, trong một lần đến Công viên Tao Đàn tập thể dục, cô tình cờ nhìn thấy cảnh những chú sóc nhỏ chạy ngược xuôi trên cành để tìm thức ăn, nhưng chúng tìm hoài không được gì ngoài lá cây. Động lòng trắc ẩn, thương những chú sóc bị đói vì không có gì ăn, nên cô mua chuối mang đến nuôi chúng. Thời gian đầu, do chưa nắm được thói quen ăn uống của đàn sóc, nên cô mang cả nải chuối đến để dưới gốc. Đàn sóc e dè vì lo sợ bị người xấu bẫy để bắt, nên không dám đến ăn. Vài ngày sau, cô bỏ công ngồi lột vỏ rồi xắt chuối thành từng miếng một, đàn sóc quen dần và kéo đến ăn. Sau đó, cô mua thêm thóc mang đến cho chim sẽ ăn. Cứ như thế, suốt 15 năm qua, bất kể ngày nắng, ngày mưa, bất kể ngày lễ tết, mỗi sáng cô đều mang 6kg chuối và 6kg thóc tới rải ở 6 gốc cổ thụ trong Công viên Tao Đàn. Mấy năm trước, cô còn mang thóc đến rải nuôi cả đàn chim bồ câu ở Cung Văn hóa Lao động, nhưng rồi thấy chim bồ câu tụ tập về đây nhiều, có những kẻ xấu đã lợi dụng lúc đàn chim sà xuống ăn để bẫy bắt chim mang đi. Từ hơn 200 con bồ câu, chỉ sau một thời gian chỉ còn khoảng 1/4. Thấy vậy, cô rất áy náy, vì không ngờ việc mình cho chim bồ câu ăn lại vô tình dẫn đàn chim đến chỗ chết. Vì vậy, cô thôi cho chim bồ câu ở đấy ăn, chỉ tập trung nuôi đàn chim sẻ và đàn sóc ở Công viên Tao Đàn.

Cô Liễu chân thành chia sẻ, cô làm việc này có lẽ là do cái duyên với đàn chim, đàn sóc nơi đây. Đó cũng là một cách góp sức bảo vệ môi trường xanh TPHCM. Riêng tiền cô mua chuối cho đàn sóc ăn mỗi tuần đã là 420.000 đồng (11.000 đồng/kg), chưa kể tiền thóc cho chim ăn. Cô còn bỏ công ngồi chia thóc, chia tấm vào những túi nhỏ, rồi tỉ mẩn lột vỏ, xắt chuối thành từng miếng để cho sóc ăn.

Lan tỏa với cộng đồng

Việc làm ý nghĩa của cô Liễu đã nhận được rất nhiều sự đồng tình ủng hộ, có người cũng muốn cùng chia sẻ, hỗ trợ về vật chất, đề nghị mỗi tháng sẽ phụ với cô vài trăm ngàn đồng để cùng lo việc này. Song cô cho biết, dù không dư dả, thậm chí phải tằn tiện chi tiêu để có tiền mua thóc và chuối; nhưng cô từ chối những lời đề nghị giúp đỡ về tiền bạc, vì cô sợ người ta hiểu lầm việc làm của cô. Cô bảo, đến khi nào còn sức và còn đủ khả năng thì cô vẫn muốn tự mình nuôi đàn chim và đàn sóc nơi đây. Không chỉ chăm chút cho chim, sóc, cô còn nhiệt thành tham gia những hoạt động thiện nguyện, như góp quỹ từ thiện để ủng hộ phần cơm miễn phí cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở Bệnh viện Ung bướu; đóng góp kinh phí cho các đoàn y tế đi chữa bệnh miễn phí giúp người nghèo ở vùng sâu, vùng xa; đóng góp quỹ khuyến học…

Cuộc trò chuyện giữa cô Liễu với chúng tôi tại Công viên Tao Đàn cứ liên tục bị gián đoạn do những lời chào, thăm hỏi của những người xung quanh dành cho cô Liễu. Chúng tôi nghe nhiều người quý mến, gọi cô là “người tử tế”. Cô Đào (ngụ tại quận 1, đến tập thể dục tại Công viên Tao Đàn) kể: “Mười mấy năm nay rồi, ngày nào tôi cũng thấy cô Liễu mang thóc và chuối đến đây nuôi chim, nuôi sóc. Đây là một việc làm rất tốt đẹp, thiết thực bảo vệ môi trường xanh và cũng là tấm gương cho mọi cư dân TPHCM thấy bản thân cần có trách nhiệm hơn với cộng đồng xung quanh”.

Trao đổi với chúng tôi, chú Ngọc, nhân viên bảo vệ của Công viên Tao Đàn cho biết: “Cô Liễu giống như bà mẹ tận tụy chăm chút đàn chim, đàn sóc nơi đây. Ban quản lý cũng như nhân viên bảo vệ trong Công viên Tao Đàn đều biết và tạo điều kiện hết mình để cô Liễu thực hiện việc làm ý nghĩa này”. Được hỏi rằng sẽ tiếp tục lo cho đàn chim, đàn sóc đến bao giờ, cô Liễu cười bảo: “Đến khi nào không còn sức nữa thì thôi, chứ bỏ thì không bỏ được, ngày nào chúng cũng đợi cô đến, thương lắm con à!. Nguyện ước của cô là chỉ mong có thêm nhiều người phát từ tâm, tình nguyện làm công việc như cô đang làm, ở nhiều nơi khác nữa, để bảo vệ sự tồn tại của những động vật hoang dã dễ thương này”.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục