Người về từ Gạc Ma

Đổ máu để giữ cờ Tổ quốc
Người về từ Gạc Ma

Sự kiện ngày 14-3-1988 ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mãi mãi là mốc son của dân tộc. Trong trận chiến bi hùng đó, tỉnh Quảng Bình có 13 người lính hy sinh, 2 người được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh Mai Xuân Hải

Anh Mai Xuân Hải

Và giấy báo tử của mình

Và giấy báo tử của mình

Đổ máu để giữ cờ Tổ quốc

Quảng Bình trong những năm 1980 có hàng ngàn lượt con em lên đường làm người lính Hải quân nhân dân Việt Nam, đa số đều đăng ký tòng quân lên đường ra Trường Sa. Đợt tuyển quân năm 1988 có hơn 300 con em từ các làng quê được vào Vùng C Hải quân làm nhiệm vụ, đa số họ lên tàu ra với Trường Sa.

Trận chiến giữ đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988 ghi lại trong sử sách 64 anh hùng liệt sĩ. Trong số đó, tỉnh Quảng Bình có số người lính ngã xuống nhiều nhất với 13 người. Trận chiến giữ gìn biển đảo ngày đó có 2 người được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đều là người quê Quảng Bình gồm anh hùng Trần Văn Phương (Đơn Sa, Quảng Phúc, Quảng Trạch) và anh hùng Nguyễn Văn Lanh (Vạn Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình), nay ông Nguyễn Văn Lanh vẫn còn sống. Đây cũng là vùng đất có 3 người lính bị bắt cuối ngày 14-3-1988 và địch giam giữ tại bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc).

Lịch sử của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam chép về anh hùng Nguyễn Văn Lanh như sau: “Sáng ngày 14-3-1988, đồng chí Nguyễn Văn Lanh trong khi cùng đơn vị vận chuyển vật liệu từ tàu HQ 604 lên đảo thì tàu địch đến bao vây, uy hiếp. Tình thế rất căng thẳng. Khi địch đổ quân xuống đảo, ép bộ đội, giật cờ của ta hòng chiếm đảo, theo lệnh của đồng chí Trần Đức Thông, chỉ huy cụm đảo: “Đồng chí nào biết bơi thì bơi ngay vào đảo hỗ trợ cho các đồng chí trên đảo bảo vệ cờ”. Nguyễn Văn Lanh cùng 11 anh em khác nhảy ngay xuống biển và bơi vào đảo. Khi đó trên đảo, địch đã nổ súng, đồng chí Trần Văn Phương, người giữ cờ đã hy sinh.

Nguyễn Văn Lanh đã xông đến, bảo vệ cờ, mặt giáp mặt với kẻ thù, đồng chí vẫn bình tĩnh dũng cảm và kiên cường đấu tranh với địch. Khi địch tiến đến giằng cờ, Nguyễn Văn Lanh kiên quyết giữ lại, đôi bên giằng co, địch nhổ xà beng đánh, Lanh né người tránh được. Địch dùng lê đâm, đồng chí tránh nhưng bị sạt qua bả vai. Khi thấy tên sĩ quan địch dùng súng ngắn định bắn, bằng một động tác bất ngờ, Nguyễn Văn Lanh đánh bật khẩu súng trong tay hắn. Địch bên ngoài điên cuồng nổ súng, đồng chí bị thương vào bả vai. Một tên xông tới dí lưỡi lê vào bụng Lanh hăm dọa, bắt hạ cờ. Đồng chí kiên quyết gạt lê ra thì tên địch nổ súng, đạn xuyên qua bả vai trái làm đồng chí mất đà, ngã nhào xuống nước. Đồng đội đã vào tiếp cứu và tiếp tục giương cao cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của ta trước mặt kẻ thù. Khi địch rút, Nguyễn Văn Lanh được đồng đội tìm kiếm và đưa ra tàu HQ 505 cấp cứu, sau đó được đưa về tuyến sau điều trị. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, đồng chí Nguyễn Văn Lanh đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Lanh đã nêu cao tấm gương sáng về tinh thần dũng cảm kiên quyết chiến đấu mặt giáp mặt kẻ thù và đã chiến thắng, góp phần giữ vững chủ quyền của Tổ quốc trên đảo Gạc Ma. Đồng chí Nguyễn Văn Lanh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, 3 bằng khen và giấy khen. Ngày 13-12-1989, đồng chí Nguyễn Văn Lanh được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Huân chương vì chủ quyền Trường Sa

Ba người lính bị tù đày ở Lôi Châu gồm Mai Xuân Hải (Liên Trạch), Lê Văn Đông (Tây Trạch), Nguyễn Văn Thống (Nhân Trạch) đều ở huyện Bố Trạch. Họ là những người lính kiên cường, sau ba năm, năm tháng, mười lăm ngày, thông qua con đường ngoại giao họ đã được trở về Tổ quốc thân yêu. Nhưng trước khi trở về, gia đình những người lính này đã nhận “giấy báo tử” vào cuối năm 1988. Anh Mai Xuân Hải kể lại: “Sau này về mới biết, cha mẹ đã lập bàn thờ, mộ chí là hình nộm bằng chuối trong quan tài”. Trong khi đó, bà Hoàng Thị Viêm, mẹ của anh Lê Văn Đông nói: “Giấy báo tử về tui như thấy trời sập trước mắt nhưng hy vọng, chỉ thắp hương chứ không dám làm tang vì vẫn còn ngóng đợi lắm”. Phía làng biển Nhân Trạch, người làng và gia đình cũng làm lễ tang cho anh Thống bởi “giấy báo tử” đã được chính quyền xã và huyện đội tổ chức bàn giao rất nghiêm kính. Thương nhất là vợ anh Đông, chị Nguyễn Thị Thương. Họ cưới nhau trước lúc lên đường đúng một đêm, ngày nhận giấy báo tử cũng là lúc chị Thương sinh hạ đứa con gái bé bỏng. “Lúc đó cứ nghĩ chắc chắn góa bụa nuôi con, suốt ngày khóc chồng đến xóm làng cũng thương” - chị Thương nói.

Rồi một ngày đầu năm 1991 cả ba người con của làng Tây Trạch, Liên Trạch, Nhân Trạch trở về, gia đình vui mừng khó tả. Họ ôm con vào lòng, có người còn day vào mặt người lính giữ đảo Gạc Ma năm ấy xem có là thật, bởi họ đã biệt tăm bằng “giấy báo tử” từ lâu.

Họ đã được phong tặng Huân chương Chiến công hạng ba vì “Đã có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa”.

Ai còn, ai mất?

Những người lính từ trận chiến 14-3-1988 khi hoàn thành nhiệm vụ, được phục viên, trở về xây dựng quê hương. Chúng tôi lần lượt gặp mặt hàng chục người con từ sự kiện đó ở mảnh đất Quảng Bình. Khá nhiều người đang có cuộc sống ổn định từ cuộc mưu sinh bằng đôi bàn tay người lính. Anh Lê Văn Đông đã xây được căn nhà chắc chắn, ba đứa con được học hành tới nơi tới chốn, đứa con gái đầu đã trở thành cô giáo đang dạy học ở quận 8, TPHCM. Tính người lính cần cù, chịu khó, anh cùng vợ vỡ hoang hơn 3ha đất trống đồi trọc để trồng cao su. Người lính bị thương Nguyễn Văn Thống trăn trở làm ăn trên vùng đất ven biển Đông với nghề buôn bán, nay đã xây được căn nhà hai tầng vững chắc. Nhưng những trường hợp khá giả như thế không nhiều, kém may mắn hơn là anh Mai Xuân Hải vẫn chưa dựng xong liếp nhà. Bởi trong người anh còn đến tám mảnh đạn, suốt năm phải ở viện khi trái gió, trở trời, một mình vợ anh tần tảo lo cho chồng. Anh Hải nói: “Tôi về quê cũng tham gia lao động, cũng trồng rừng, nuôi trâu, giữ bò, chăn nuôi gà vịt nhưng cái số không đến, cứ nuôi được con gì gần bán lại lăn đùng ra chết, chừ có ít rừng bạch đàn trên núi mong cho cây tốt tươi để có chút đỉnh bán lấy tiền mua thuốc chữa đủ thứ bệnh trong người”.

Anh Dương Đình Lê ở Tây Trạch có vợ và ba con nhưng mất lúc mới 47 tuổi vì bệnh ung thư. Vợ anh, chị Dương Thị Sen (37 tuổi), một mình nuôi con. Chị nói: “Chừ khó khăn, cả ba đứa con đòi bỏ học về làm thuê nhưng thấy con học giỏi nên không cho đứa nào bỏ học cả dù phải đi làm thuê kiếm tiền học cho con. Chừ đứa đầu đã lên lớp 11, vô đội tuyển học sinh giỏi huyện thì càng cố nữa”.

Minh Phong

Tin cùng chuyên mục