(SGGP).– Ngày 23-3, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) tổ chức hội thảo khoa học về khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản Nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.
Theo Cục Quản lý công sản, nguồn lực tài chính đất đai là rất lớn nhưng chưa được khai thác đầy đủ và chủ động, một phần địa tô chênh lệch từ đất chưa được tập trung vào ngân sách nhà nước. Cụ thể, kết quả thu ngân sách nhà nước từ đất giai đoạn 2002 - 2010 cho thấy, số thu từ đất đã tăng không ngừng, từ 5.486 tỷ đồng (4,43%) năm 2002 tăng lên 67.767 tỷ đồng (11,21%) năm 2010 nhưng vẫn chưa đủ so với thực tế.
Bộ Tài chính cũng cho biết, nguồn lực tài chính khai thác từ đất tập trung vào ngân sách nhà nước trong cả giai đoạn 2011 - 2020 là rất lớn. Trên thực tế, số thu này có thể còn cao hơn vì giá đất tính để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo lộ trình mới đang dần tiếp cận giá thị trường, nhất là trong trường hợp chuyển mạnh sang đấu giá đất để giao đất, cho thuê đất.
Mặt khác, số liệu từ Cục Quản lý công sản cho thấy, trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước và cơ sở hoạt động hiện nay chiếm khoảng 1,5 tỷ m², tương đương 594.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn có hơn 100.000m² nhà với tổng giá trị khoảng 138 tỷ đồng.
Xét về giá trị, số nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (gọi chung là doanh nghiệp nhà nước) hiện chiếm đến 97,2% giá trị tài sản doanh nghiệp nhà nước. Riêng các doanh nghiệp nhà nước đang quản lý, sử dụng khoảng 155 triệu m2 đất và ở những vị trí đắc địa, có giá trị thương mại cao.
Điển hình là trụ sở của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại số 75 Đinh Tiên Hoàng, đối diện Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội hoặc Tổng Công ty Đường sắt tại số 136 Hàm Nghi, quận 1, TPHCM. Trong quá trình hình thành các tập đoàn, tổng công ty đa ngành, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách ưu đãi về đất (tiền cho thuê đất chưa sát với giá chuyển nhượng đất trên thị trường) để kinh doanh bất động sản nhằm hưởng chênh lệch.
Để cải thiện tình trạng này, Bộ Tài chính đã có dự thảo đề án khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.
Cụ thể, sẽ có hai phương án thu ngân sách từ đất đai. Phương án 1, tổng số thu ngân sách nhà nước từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất) bình quân là 81.646 tỷ đồng/năm.
Phương án 2, tổng số thu ngân sách nhà nước từ đất bình quân là 98.624 tỷ đồng/năm với giả định giá đất tăng 20% (không tính trượt giá) và có dự kiến phát sinh thêm khoản thu đối với thuế tài sản. Theo đó, dự kiến ngân sách nhà nước sẽ thu được 4 - 5 tỷ USD mỗi năm từ đất đai trong 10 năm tới.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị sẽ bãi bỏ khung giá đất hiện tại. Chính phủ chỉ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất để UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá và quyết định giá đất theo cơ chế thị trường. Ngoài ra, phương pháp định giá đất cũng sẽ được cải cách để giá đất sát giá thị trường, khắc phục tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chủ yếu kiếm lời từ chênh lệch giá đất.
H.Trâm