Nguồn nhân lực giỏi: Không thể chần chừ!

Năm 2007 khép lại với thông tin về thu hút đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục 20,3 tỷ USD. Điều đó không có gì lạ. Thế nhưng còn có một nỗi lo thật sự bên cạnh luồng thông tin đáng phấn khởi này.

Khởi đầu câu chuyện từ một ngày chủ nhật cuối năm, khi tôi ngồi uống cà phê với hai anh bạn - một người quanh năm mò mẫm trong thị trường chứng khoán, còn một người lại bận rộn với thị trường địa ốc. Tất nhiên, cả hai đều nghiệp dư.

Chúng tôi đưa ra hình ảnh khá thú vị của cậu sinh viên Ryan, người Mỹ trong chương trình “Đuổi hình, bắt chữ” của Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội. Ryan tranh đua quyết liệt với một cô sinh viên người Hàn Quốc để giành chiến thắng, mà cả hai khá rành “ngoại ngữ” tiếng Việt.

Anh bạn “chứng khoán” bập vào ngay: Mới hôm qua, đi ngang Đại học RMIT ở Phú Mỹ Hưng, tôi thấy rất đông sinh viên nước ngoài đang đá bóng. Hiện tượng sinh viên nước ngoài đổ xô vào Việt Nam để học đại học là cái sự lạ. Tại sao vậy? Anh bạn “địa ốc” góp chuyện: Chẳng có gì lạ! Các công ty nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Như vậy, để có thể hoạt động sản xuất kinh doanh, họ rất cần nhân lực có nghề, trong khi tại Việt Nam lực lượng này đang rất thiếu.

Đúng thế! Theo thông tin từ báo chí, hiện có đến 40.000 lao động nước ngoài nhập khẩu đang làm việc tại Việt Nam. Số lượng này rất nhỏ so với nhu cầu. Thử tính, đến nay, các khu công nghiệp - khu chế xuất trong cả nước thu hút 24,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài với 150 khu công nghiệp - khu chế xuất, tổng diện tích là 32.300 ha. Trong đó 90 KCN đang hoạt động, 60 KCN đang thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng.

Dự kiến đến 2015 có 113 KCN đi vào hoạt động với diện tích 29.257 ha, và 27 KCN mở rộng diện tích tới 6.000 ha. Nguồn nhân lực có tri thức, có tay nghề cao để đáp ứng cho khu vực kinh tế này ngày càng thiếu.

Chưa kể, khu vực kinh tế trong nước cũng có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực giỏi. Dự kiến đến 2010, cả nước có tới 500.000 doanh nghiệp với 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với hầu hết các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ thì khả năng kinh nghiệm, trình độ công nghệ phải khá cao thì mới có thể tồn tại trên thị trường. Điều ấy phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhân lực có chất lượng.

Trước tình hình ấy, vấn đề cần quan tâm là, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm về đào tạo nguồn nhân lực đã có quyết sách gì để nhanh chóng bổ sung lực lượng đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, cho nhu cầu phát triển kinh tế đất nước? Thời gian không còn thể chần chừ, lưỡng lự được nữa!

CHÂU LONG

Tin cùng chuyên mục