
Trải qua 2 cuộc kháng chiến, nhân dân các dân tộc Lâm Đồng đã đoàn kết một lòng, cùng cả nước làm nên những chiến thắng lịch sử chấn động địa cầu. Ngày nay, tinh thần đại đoàn kết của các dân tộc anh em ở tỉnh Lâm Đồng đã trở thành nguồn nội lực trong thời kỳ đổi mới xây dựng đất nước.

Lâm Đồng là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số đang chung sống, gồm 40 dân tộc anh em. Trong đó, đồng bào các dân tộc thiểu số có gần 43.000 hộ với 235.550 nhân khẩu. Những năm qua, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được Đảng, Nhà nước ưu tiên đầu tư về mọi mặt như xây dựng nâng cấp kết cấu cơ sở hạ tầng điện – đường – trường – trạm cùng nhiều dự án phát triển kinh tế… Những kết quả tích cực đó đã giúp hàng ngàn hộ dân vùng sâu vùng xa thoát được đói nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con.
Ông Nguyễn Phan Lũy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm, từ sau ngày đất nước đổi mới đến nay, bằng nhiều nguồn vốn của trung ương và địa phương, tỉnh đã đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số 426 tỷ đồng (chưa kể vốn đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông và điện lưới quốc gia), trong đó đầu tư hơn 5.000 ha vườn cho 7.500 hộ; hơn 4.000 con bò cho 3.479 hộ. Riêng trong năm 2005, tỉnh đã chuyển đổi 6.728 ha đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp nhằm cấp cho 8.503 hộ thiếu đất, hỗ trợ trên 41 tỷ đồng xây dựng nhà cho hơn 7.000 hộ; giao khoán rừng cho gần 7.000 hộ với tổng diện tích trên 166.000 ha…
Nhờ đó, tỷ lệ hộ đói nghèo trong toàn tỉnh hiện chỉ còn lại dưới 8% (thấp nhất so với các tỉnh ở Tây Nguyên). Năm 2005, có 87% con em đồng bào dân tộc thiểu số đến độ tuổi đi học đã được ra lớp. Hệ thống y tế cũng ngày càng hoàn thiện, đảm bảo tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Cùng với sự đầu tư của trung ương, các dân tộc anh em trong tỉnh đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, không kể lương giáo, Kinh hay dân tộc thiểu số, nhiều tổ chức, cá nhân cũng như các ban ngành đoàn thể bằng nhiều hình thức góp vốn, chuyển giao kỹ thuật, cây giống, vật nuôi… giúp cho hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số biết trồng cây công nghiệp, làm ruộng nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao.
Xã Tân Châu, một trong những xã đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đã được Nhà nước công nhận là xã anh hùng trong thời kỳ đổi mới, với hàng trăm hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Bên cạnh đó, hàng trăm tấm gương sản xuất giỏi như ông K’ Toàn một cán bộ hưu trí không những làm tốt công tác xã hội mà còn là người làm kinh tế giỏi; Kơ Să Ha Tang một nông dân chế tạo máy tuốt bắp hạt, giúp cho bà con giảm bớt sự nhọc nhằn trong đời sống…
Nhiều người từng phục vụ chế độ cũ cũng đã phấn đấu làm ăn, trở thành những tấm gương sản xuất giỏi, nhân tố tích cực trong đời sống ở khu dân cư.
Những kết quả đó đã minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trong thời kỳ đổi mới và đại hội đại đoàn kết các dân tộc lần thứ nhất này của tỉnh Lâm Đồng chính là dịp để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác đại đoàn kết nhằm tạo nguồn nội lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu xóa đói giảm nghèo; từng bước cải thiện đời sống vật chất; nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc ít người.
THỤY TRANG