Các chuyên gia trong ngành y tế cho rằng, với thực trạng môi trường ngày càng gia tăng ô nhiễm do khói bụi, khí thải từ các nhà máy, phương tiện giao thông đang trở thành vấn đề đáng báo động.
Diễn biến phức tạp
Tổng cục Môi trường nhận định, hiện mức độ ô nhiễm và suy thoái môi trường tại Việt Nam vẫn gia tăng. Các tác nhân gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM chủ yếu do hoạt động giao thông, nhất là phương tiện cá nhân tăng quá nhanh, gây phát thải nhiều; hoạt động xây dựng cũng chưa được kiểm soát tốt, cùng với các xí nghiệp hoạt động trong nội ô… vẫn thải ra môi trường lượng khí thải khổng lồ. Mặt khác, hệ thống kênh rạch chằng chịt, nhưng bị lấn chiếm, xả rác thải bừa bãi cũng gây ra vấn nạn ô nhiễm ngay trong các khu dân cư. Dự báo, đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030, sự gia tăng ô nhiễm môi trường và suy giảm môi trường sống có chậm lại nhưng vẫn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài đến sau năm 2030 mới giảm. Trong đó, nổi lên vấn đề lớn nhất là mức độ đô thị hóa chưa cao nhưng tốc độ đô thị hóa tăng mạnh, tỷ lệ nước thải, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, ô nhiễm không khí, nguồn nước mặt bị ô nhiễm và thu hẹp diện tích cùng nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường khác.
Nghiên cứu mới nhất về chỉ số hiệu suất môi trường trên thế giới cho thấy, Việt Nam là một trong 10 quốc gia ô nhiễm không khí nhất thế giới. Nghiên cứu trên nhằm đánh giá và xếp hạng các quốc gia về vấn đề môi trường thuộc hàng ưu tiên ở 2 lĩnh vực là bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ hệ sinh thái. Trong đó, 5 vấn đề chính được đánh giá, xếp hạng gồm: nước và điều kiện vệ sinh, chất lượng không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe, nông nghiệp, đa dạng sinh học và môi trường sống. Nghiên cứu được thực hiện 2 năm/lần với dữ liệu lấy từ các cơ quan chính phủ và cơ quan nghiên cứu khác. Cũng theo nghiên cứu này (về chỉ số ảnh hưởng tới sức khỏe), Việt Nam đạt 69,61/100 điểm và đứng thứ 93. Số điểm này được đo bởi chỉ số “mức độ rủi ro” do tiếp xúc với môi trường, dùng để đánh giá các mối nguy hiểm đối với sức khỏe con người, gây ra bởi nguồn nước, vệ sinh, ô nhiễm chất dạng hạt, ô nhiễm không khí trong gia đình và ô nhiễm ozon. Đáng chú ý nhất trong các vấn đề được đánh giá, chất lượng không khí ở Việt Nam đứng thứ 170/180 quốc gia được đánh giá, xếp hạng với điểm số 54,76/100.
Bệnh hô hấp tăng
Tại hội thảo “Những cảnh báo mới về an toàn hô hấp” do Hội Tai - Mũi - Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam vừa tổ chức tại TPHCM cuối tuần qua, các chuyên gia nhận định, chính việc môi trường ô nhiễm ngày càng cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng, làm gia tăng các bệnh về đường hô hấp và bệnh về tai mũi họng, tỷ lệ người bị bệnh dị ứng tăng cao, hen phế quản ngày càng nhiều hơn ở người già và trẻ nhỏ, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Thực trạng môi trường ngày càng gia tăng ô nhiễm do khói bụi, khí thải từ các nhà máy, phương tiện giao thông... còn gây nguy cơ bệnh tật đến hệ hô hấp của con người và trở thành vấn đề đáng báo động.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 với chuyên đề “Môi trường đô thị” được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố vào tháng 7-2017 cũng cho thấy, trung bình mỗi năm có hàng chục ngàn người mắc các bệnh liên quan đến hệ hô hấp do chất lượng không khí, chiếm 3% - 4% tổng dân số. Trong đó, tỷ lệ người bị bệnh hô hấp ở các đô thị phát triển như TPHCM, Hà Nội… thường cao hơn khá nhiều so với các đô thị ít phát triển. Qua các báo cáo, nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy, các bệnh ở trẻ em liên quan đến ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao. Nổi bật là bệnh suyễn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, lao, viêm phổi, bại não, ung thư và các dị tật bẩm sinh.
Nghiên cứu của Forbes Việt Nam chỉ ra, chất lượng không khí ở Việt Nam rất thấp. Trong đó, miền Bắc ô nhiễm nặng hơn miền Nam. Điều này cho thấy, Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro sức khỏe từ môi trường. Vì vậy, Việt Nam nằm trong “tốp” các quốc gia ô nhiễm không khí nặng, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm. Trong số 10 bệnh gây chết người cao nhất tại Việt Nam có 6 bệnh liên quan tới không khí, gồm các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư phổi, phế quản...