Theo báo cáo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tình hình phát triển kinh tế thế giới đang có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại, đặt ra nguy cơ về cuộc khủng hoảng tài chính lớn trên thế giới tương tự như năm 2008. Nguy cơ này xuất phát từ tổng số nợ lớn đạt kỷ lục vào năm 2015 vừa qua.
Vòng lẩn quẩn
Nghiên cứu của IMF cho thấy mức nợ toàn cầu, bao gồm cả các khoản nợ của các chính phủ, hộ gia đình và doanh nghiệp phi tài chính đạt kỷ lục 152.000 tỷ USD trong năm 2015, mức cao hơn nhiều so với trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.
Về lý thuyết, để giảm các khoản nợ, các hộ gia đình sẽ cắt giảm tiêu dùng và các công ty sẽ cắt giảm đầu tư. Một khi các khoản nợ đã rút về mức độ chấp nhận, chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ phục hồi trở lại; các nền kinh tế sẽ tăng tốc. Tuy nhiên, theo Washington Post, điều này đã không xảy ra từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, trái lại, nợ lại tiếp tục tăng. Trên cơ sở toàn thế giới, mức nợ 152.000 tỷ USD năm 2015 tăng so với 112.000 tỷ USD trong năm 2007, thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính và 67.000 tỷ USD trong năm 2002.
Cuộc họp của Ủy ban kinh tế tài chính hỗn hợp của IMF và Ngân hàng Thế giới bàn về kinh tế toàn cầu
Các nền kinh tế trước khủng hoảng năm 2008 có mức tăng trưởng dựa vào số tiền vay nợ. Điều này không chỉ đúng với tình trạng bong bóng nhà ở tại Mỹ và châu Âu, mà còn đúng với việc ồ ạt đầu tư vào hàng tiêu dùng và các nhà máy. Tuy nhiên, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng dựa vào tiền đi vay nhiều khả năng sẽ gây thiệt hại cho cả người đi vay và người cho vay dẫn đến suy giảm kinh tế và dần dần rơi vào khủng hoảng.
Như vậy, theo IMF sẽ xảy ra “vòng lẩn quẩn”: nợ cao dẫn đến không khuyến khích cho vay dẫn đến nền kinh tế tăng trưởng chậm sau đó làm cho con nợ càng khó khăn hơn để trả nợ.
Các nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại
Theo thông báo của IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2016 sẽ tiếp tục suy giảm ở Mỹ và Anh (sau khi rời khỏi EU). Dự báo của IMF cho biết các nền kinh tế hàng đầu thế giới chỉ tăng trung bình 1,6% trong năm 2016, giảm so với con số 2,1% trong năm 2015 và giảm so với dự báo trước đây 1,8%.
Riêng nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ, dự báo cũng chỉ tăng trưởng 1,6% trong năm 2016 so với mức dự báo trước là 2,2% do đầu tư kinh doanh yếu kém. Tăng trưởng ở Anh được dự đoán sẽ giảm xuống còn 1,8% trong năm 2016 và 1,1% trong năm 2017, giảm so với mức 2,2% trong năm 2015. Khu vực đồng euro sẽ chỉ tăng trưởng 1,7% trong năm 2016, so với 2% trong năm 2015. Tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản, số 3 thế giới, dự kiến sẽ ở mức 0,5% trong năm 2016, bằng với mức trong năm 2015.
Theo Trưởng ban Cố vấn kinh tế IMF Maurice Obstfeld, nền kinh tế thế giới lại đang bên kia triền dốc. Báo cáo của IMF trong tháng 10 nêu lên tình trạng bấp bênh trong 8 năm được cho là giai đoạn phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Nổi bật là sự trì trệ kéo dài, đặc biệt là ở các nền kinh tế hàng đầu.
Cũng theo ông Obstfeld, điều quan trọng để nền kinh tế thế giới tăng trưởng ổn định là tăng cường đổi mới cấu trúc kinh tế, đồng thời thúc đẩy hội nhập thương mại. Theo ông, đi ngược lại với hội nhập thương mại chỉ có thể kéo dài tình trạng ảm đạm hiện nay. Cũng theo chuyên gia kinh tế này, các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế hàng đầu nên duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng (giảm lãi suất). Nhưng chỉ riêng chính sách tiền tệ không thể khôi phục lại sức sống cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục, công nghệ, cơ sở hạ tầng và mở rộng năng lực sản xuất trong khi thực hiện các bước để giảm bớt sự bất bình đẳng xã hội.
KHÁNH MINH (tổng hợp)