Sau Tết Nguyên đán, nhiều kênh rạch trên địa bàn TPHCM bị ứ đọng rác và lục bình, bèo kết thành bè nhưng không được khai thông. Đây chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và dễ phát sinh dịch bệnh như tiêu chảy, sốt xuất huyết… Ứng phó với nguy cơ tiềm ẩn này như thế nào?
Mầm mống của dịch bệnh
Đi dọc theo tuyến kênh Nước Đen (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân TPHCM), không ai chịu nổi mùi hôi thối nồng nặc từ lòng kênh bốc lên. Tại đoạn kênh cắt ngang đường Tân Kỳ Tân Quý, toàn bộ mặt kênh bị rác phủ kín, thấy mà hãi hùng. Ở đoạn giao nhau với kênh 19-5, lục bình lẫn bèo giăng chằng chịt dòng kênh.
Bác Mười Hiền, nhà ở gần kênh Nước Đen cho biết: “Lâu rồi không thấy mấy ổng (lực lượng Thanh niên xung phong của phường - PV) xuống vớt lục bình, khai thông dòng nước chảy. Vì thế từ tết tới nay, cứ vào giờ chạng vạng, muỗi thi nhau xuất hiện và bu đầy tường nhà. Mới đây, họp tổ dân phố, bà con bức xúc phản ánh với chính quyền nhưng chưa thấy ai xuống xịt thuốc hay vớt bèo gì cả…”.
Tương tự, tại rạch Bầu Châu từ phường 20 (quận Tân Phú) chảy qua các phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân), phường 14 (quận 6) và đổ ra kênh Tân Hóa cũng có nguy cơ bùng phát nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm. Cụ thể, ở đoạn kênh chảy qua phường 20 rác thải tràn ngập. Do thiếu ý thức nên người dân sống hai bên dòng kênh vô tư đổ đủ thứ rác thải, kể cả vứt súc vật chết xuống lòng kênh, khiến ruồi nhặng bu đen bu đỏ. Đó là chưa kể đội quân bán hàng rong, xe đẩy bán thức ăn… cũng góp phần “đầu độc” dòng kênh bằng các loại rác thải, mất vệ sinh.
Ở đoạn kênh chảy qua phường 14 (quận 6), lòng kênh bị thu hẹp, nhiều bụi cây rậm rạp mọc lên chắn ngang lòng kênh khiến nước và rác thải luôn bị ứ đọng. Anh Võ Hồng Phương, tổ trưởng tổ dân phố 111 (khu phố 5, phường 14, quận 6) cho biết: “Để tránh ô nhiễm và bùng phát các loại dịch bệnh, chúng tôi đã dùng lưới B40 rào ngang qua lòng kênh để chắn, vớt rác. Tuy nhiên, do người dân sống ở phường 20 đổ rác xuống kênh quá nhiều nên vớt không xuể. Chúng tôi đã báo việc này lên phường nhưng nhận được câu trả lời là… chờ giải quyết”.
Ở kênh Bầu Châu, đoạn bên hông nhà số 74 Phan Anh (quận 6) ngập đầy rác lẫn xác chết động vật. Mùi xú uế bốc lên khiến những ai đi qua đều phải bịt mũi.
Tại rạch Ụ Cây (phường 9, 10 và 11, quận 8), mặc dù được quận 8 triển khai nhiều biện pháp vớt rác, dọn vệ sinh nhưng sau tết nạn đổ rác xuống kênh vẫn tái diễn. Theo phản ánh của một số bà con sống ven rạch (đoạn dưới chân cầu Chánh Hưng), khoảng một tuần nay muỗi xuất hiện nhiều vào ban đêm. Điều này cảnh báo nguy cơ bùng phát ổ dịch truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tiêu chảy rất dễ xảy ra.
Phòng chống đã căn cơ?
Theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, tình hình thời tiết năm nay nắng nóng dễ tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển nhanh. Vì thế, việc phòng chống và lập kế hoạch diệt ổ dịch phát sinh trên địa bàn TPHCM cần được quan tâm đúng mức.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hưng Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 8, cho biết: “Đến thời điểm này, quận chưa có dấu hiệu phát sinh những ổ dịch bệnh truyền nhiễm. Chúng tôi vẫn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và phân vùng ở những nơi có nguy cơ phát sinh dịch bệnh để chủ động phòng ngừa, hỗ trợ trạm y tế các phường lên kế hoạch xử lý ổ dịch nhỏ…”.
Ông Phong cũng thừa nhận, “điểm nóng” về dịch bệnh sốt xuất huyết ở quận 8 là rạch Ụ Cây. Do con rạch này tiếp giáp với chợ Xóm Củi- nơi có nhiều tiểu thương buôn bán rồi vứt rác, thực phẩm thừa xuống rạch và lâu ngày rác bẩn này là mầm mống phát sinh dịch bệnh.
Rõ ràng, nguyên nhân gây phát sinh ruồi muỗi, lăng quăng ở nhiều kênh rạch của TPHCM bắt nguồn từ việc dòng chảy bị ngăn chặn do rác thải lẫn lục bình không được vớt thường xuyên. Nếu ngành y tế dự phòng ở các địa phương chỉ chú trọng việc phun xịt thuốc diệt muỗi, ruồi, lăng quăng… thì chưa thể giải quyết tận gốc mầm mống phát sinh các loại dịch bệnh vào mùa nóng này.
TUẤN VŨ