“Tình hình ở Macedonia hiện nay khá giống với cuộc khủng hoảng ở Ukraine”, đó là nhận định của nhà phân tích chính trị Dusan Janjic khi trả lời phỏng vấn hãng Sputnik vừa qua.
Nhận định của chuyên gia Janjic đưa ra sau hàng loạt sự kiện diễn ra tại Macedonia gần đầy khiến cộng đồng quốc tế không khỏi quan ngại. Ngày 17-5 vừa qua, hơn 20.000 người Macedonia, trong đó có cả những người Albania thiểu số ở Macedonia, tập trung tại thủ đô Skopje, đòi Thủ tướng Nikola Gruevski phải từ chức, đồng thời tuyên bố tiếp tục biểu tình cho đến khi ông Gruevski ra đi. Trước đó 2 tuần, 22 người đã thiệt mạng trong một vụ đụng độ giữa cảnh sát và các phần tử thiểu số người gốc Albania tại thị trấn Kumanovo ở miền Bắc nước này. Chính phủ Macedonia gọi đây là cuộc tấn công của nhóm khủng bố nguy hiểm nhất ở Balkan.
Trong khi Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi điều tra vụ đụng độ trên, Nga đã cảnh báo về âm mưu của một cuộc cách mạng màu ở quốc gia Balkan, đồng thời cáo buộc phương Tây đứng sau âm mưu này. Theo giới quan sát, những cáo buộc của Mátxcơva không phải không có cơ sở khi nhìn lại những gì mà Mỹ và phương Tây đã làm ở Nam Tư cũ nhằm làm tan rã liên bang này; phá hoại vị thế của Nga ở Balkan.
Khi đó, dù Liên Xô tan rã, nhưng việc nước Nga vẫn tiếp tục tồn tại và ngày một hùng mạnh làm gai mắt phương Tây. Kosovo, lúc đó thuộc CH Serbia và LB Nam Tư cũ đã trở thành mục tiêu để Mỹ thực hiện kế hoạch mở rộng NATO sang phía Đông, đặt hệ thống phòng thủ tên lửa sát lãnh thổ của Nga. Sự kiện “45 người Albania bị giết hại” ở ngôi làng Racak, Kosovo, tháng 1-1999 đã được Mỹ và phương Tây sử dụng để tuyên truyền về cái gọi là tội ác chống lại loài người của Chính phủ Nam Tư cũ. Vin vào cớ bảo vệ thường dân vô tội, Mỹ và đồng minh phương Tây đã đưa máy bay không kích Nam Tư, bất chấp sự phản đối của LHQ.
Sự thật đã được phơi bày khi bác sĩ pháp y người Phần Lan Helena Ranta thú nhận trong cuốn tự truyện rằng, cô bị người đứng đầu của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tại Kosovo là William Walker và Bộ Ngoại giao Phần Lan gây áp lực để viết báo cáo sai sự thật về những gì xảy ra ở Kosovo. Chính phủ Serbia chỉ chống lại những kẻ khủng bố Albania, không nhằm vào dân thường và hoàn toàn không có bất cứ thường dân nào thiệt mạng trong vở kịch ở Racak.
Chuyên gia Sinisa Malus nhận định, những gì đang xảy ra ở Macedonia xuất phát từ việc Thủ tướng Gruevski luôn ủng hộ Nga. Điều này đã làm phương Tây thật sự khó chịu. Nó không khác gì việc cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych thân Nga dẫn đến việc ông này phải ra đi. Chuyên gia trên lưu ý âm mưu tổ chức một Maidan (quảng trường ở Ukraine, nơi tập trung của người biểu tình đòi lật đổ ông Yanukovych) ở Macedonia trùng với chuyến đi tới Skopje của Đại sứ Mỹ Jesse Bailey, người đã làm việc lâu năm ở Thổ Nhĩ Kỳ và có quan hệ rộng trong khu vực.
Chuyên gia Janjic thì cho rằng, hiện nay đại bộ phận người Albania ở Macedonia không muốn bất ổn vì họ khá thoải mái với các chính sách và có nhiều quyền lực trong chính quyền. Tuy nhiên, các phần tử mà Chính phủ Macedonia gọi là những kẻ khủng bố mới là vấn đề đáng phải quan tâm và có thể là ngòi nổ cho các cuộc xung đột sắc tộc. Và khi đó, Macedonia sẽ chìm trong xung đột, phương Tây sẽ hả hê vì Nga lại mất đi một đối tác.
VĂN ĐỖ