Nguy cơ tiềm ẩn

Trên địa bàn TPHCM hiện có nhiều nhà ôm trụ điện, cây cổ thụ. Những nhà ôm cây có từ thời xưa đã đành, nay có những ngôi nhà mới xây sau này vẫn xảy ra tình trạng ôm trụ điện, cây cổ thụ, rất nguy hiểm, nhất là những khi mưa gió, sấm sét.
Nguy cơ tiềm ẩn

Trên địa bàn TPHCM hiện có nhiều nhà ôm trụ điện, cây cổ thụ. Những nhà ôm cây có từ thời xưa đã đành, nay có những ngôi nhà mới xây sau này vẫn xảy ra tình trạng ôm trụ điện, cây cổ thụ, rất nguy hiểm, nhất là những khi mưa gió, sấm sét.

  • Trụ điện giữa nhà

Trên địa bàn quận 6, TPHCM có rất nhiều nhà có trụ điện ở giữa nhà, nhiều nhà còn nằm dưới bình điện hoặc trụ điện cao thế. Trong số này, Phòng Chẩn đoán y học cổ truyền, 1041 Hồng Bàng, phường 12, quận 6 (ngay bùng binh Phú Lâm) nằm dưới trụ điện cao thế­ có đường kính hơn 3m trùm hết diện tích sân trước phòng khám. Khoảng trống phía dưới trụ điện cao thế được tận dụng làm nơi cho bệnh nhân chờ khám, bốc thuốc. Phòng khám cũng là bếp ăn từ thiện, mọi người thường xuyên tập trung dưới trụ điện cao thế để làm thức ăn và nấu ăn phục vụ bữa cơm miễn phí cho người nghèo ở các bệnh viện TPHCM.

Có thể nói, tại quận 6 có rất nhiều trụ điện nằm trong nhà người dân đang sinh sống, như trên đường Bình Tiên, Phan Văn Khỏe, Bãi Sậy… Tiệm sửa xe số 254 Bình Tiên, phường 4, quận 6, có bình điện cao thế nằm ngay trên nóc nhà, trụ điện thì nằm trong khuôn viên căn nhà.

Tiệm sửa xe nằm dưới bình điện cao thế trên đường Bình Tiên, quận 6, TPHCM.

Tiệm sửa xe nằm dưới bình điện cao thế trên đường Bình Tiên, quận 6, TPHCM.

Điều đáng quan ngại, mặc dù dưới bình điện nhưng người thợ vẫn thản nhiên dùng que hàn bắn tia lửa để tân trang, sửa chữa xe, bên trong tiệm sửa xe còn có nhiều bình bơm hơi, khí oxy. Còn có nhà mới xây gần đây, như tiệm thuốc tây Khoa Nguyên (Bình Tiên), nhà 209 Phan Văn Khỏe, quận 6, TPHCM, cũng ôm luôn trụ điện. Ngoài ra còn những trường hợp bó dây điện, cáp quang nằm sát ngay ban công, lầu của một số nhà trên đường Lê Quang Sung, Bãi Sậy…

  • Cổ thụ thành cây kiểng

Không chỉ trụ điện mà đến cả cổ thụ cũng nằm trong nhà. Mùa mưa năm nào cũng có nhiều cây to ngã đổ, làm thiệt hại không ít nhà cửa, thế nhưng nhiều gia đình chủ quan vẫn còn sinh sống dưới cây cổ thụ.

Trên đường Tân Hưng (quận 5), trước ga Sài Gòn (đường Nguyễn Thông), trước đây một số người dựng tạm vách quanh gốc cây, lợp tôn sống tạm bợ rồi dần dần chiếm làm nơi buôn bán, cho đến khi khấm khá xây nhà lầu vẫn cho cây nằm trong nhà. Ở đây có nhiều cây cổ thụ có tán rộng, sum suê và cũng có cây trơ cành, nhánh cây dường như đã mục nhưng vẫn không thể tỉa bớt được, bởi có nhiều nhà dân bao quanh. Tình trạng nhà ôm cây cũng xuất hiện trên đường Trần Bình Trọng, Lý Văn Phước… với những căn nhà dựng tạm bợ.

Nhà cũ, do “lịch sử để lại” đã đành, nhưng nhà mới xây đẹp mà cũng có nhiều chủ cho ôm cây để làm “kiểng”, như nhiều nhà mới xây xong rất đẹp và khang trang trên đường Trần Phú. Có nhà khi lên lầu phải cưa nhánh mới xây được ban công, đến mức có cây chỉ còn ngọn mà không thấy nhánh, còn nhiều nhà chỉ tỉa bớt cho nhánh cây nằm sát để che mát.

Những nhà như nêu trên còn gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ, trường hợp phải mắc thêm đường dây điện hay cáp quang thì phải leo lên nhà dân, còn tỉa nhánh cây tán rộng thì hầu như không được vì dân lo cành cây rớt xuống sẽ làm hư nhà.

Nhà ôm cây, ôm trụ điện là thực trạng hiện nay tại một số quận. Vấn đề này rất cần được người dân, ngành chức năng quan tâm khắc phục để tránh nguy cơ tai nạn do tình trạng phóng điện, sét đánh, cây ngã đổ, nhất là vào mùa mưa, bão. 

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục