Trong số báo ra ngày 30-7-2014, Báo SGGP có bài “Nhồi nhét trên xe giường nằm”, nêu thực trạng nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách chở khách quá số lượng quy định. Nhiều bạn đọc đã gọi đến đường dây nóng phản ánh thêm: Để tăng lợi nhuận, các nhà xe đã tự ý thay đổi thiết kế xe khiến hành khách phải đối mặt với nguy hiểm.
Xe ghế thành xe giường
Thiết kế nội thất xe khách phải phù hợp với kết cấu khung xe để đảm bảo độ an toàn khi lưu thông, nếu thay đổi thiết kế sẽ làm ảnh hưởng đến sự chắc chắn, khả năng chịu lực và độ ổn định của xe khi lưu thông. Thế nhưng với những xe ghế đã lỗi thời, chủ doanh nghiệp vận tải hành khách đã tùy tiện cải tạo để biến xe ghế thành xe giường, thêm giường để nhét khách, hạ hầm xe thấp xuống để vận chuyển được thêm xe máy, hàng hóa. Quan sát tại Bến xe miền Đông và Bến xe miền Tây, có thể thấy hầu hết các xe giường đều có chứa xe máy trong hầm. Để cho xe máy dễ dàng lọt hầm mà không cần gỡ nhiều bộ phận như yên xe, bánh sau, cổ…, nhà xe đã cho hạ hầm thấp xuống từ 10 - 20cm.
Bạn đọc Trần Thanh Linh (ngụ tại quận 8, TPHCM) phản ánh: “Mua một vé xe giường đi Hà Nội, tôi đến đúng vị trí xe đậu trong bến, dò đúng biển số xe in trong vé, nhưng lại thấy đó là loại xe ghế. Tưởng nhầm xe, nhưng hỏi tài xế thì đúng là xe giường mình sẽ đi. Thì ra bên ngoài là xe ghế nhưng bên trong đã “lên đời” thành xe giường nhưng khá chật hơn xe giường đúng nghĩa, hành khách phải khom thấp xuống, nghiêng người mới di chuyển được trong đường luồng. Đây là xe ghế 48 chỗ (tính luôn tài xế, phụ xe), nhưng được đóng lại đến 50 giường (chưa tính chỗ ngồi tài xế, phụ xe), ngay cả phía trên đường luồng cũng bị đóng thêm giường ghép. Xe chạy trên quốc lộ 1A bằng phẳng nhưng giường tầng phía trên vẫn rung lắc, chao đảo; khi xe qua đường cong hành khách nằm tầng trên muốn rớt xuống”.
Không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật
Điều rất đáng lo ngại là nhiều xe giường đã bị bỏ qua những quy chuẩn an toàn kỹ thuật phòng khi xảy ra sự cố: không có dây đai an toàn, không bình chữa cháy, không rìu phá cửa kính phòng khi gặp tai nạn, lối thoát hiểm bị tận dụng làm nơi nhét khách. Một chủ xưởng ô tô ở quận Bình Tân cho biết: “Tất cả xe ghế cải tạo thành xe giường đều không thể đảm bảo các quy chuẩn của xe giường, về kỹ thuật chỉ bằng 70% - 80% so xe giường đúng chuẩn. Chi phí cải tạo xe ghế thành xe giường có rất nhiều mức giá, chủ xe muốn giảm tốn kém thì giảm chất lượng khung sườn, dây điện… Hầm xe hạ quá thấp nên rất nguy hiểm khi lưu thông trên đường xấu”.
Nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách, đầu tháng 6-2014 Bộ GTVT đã có quy định cấm việc cải tạo xe ghế thành xe giường hai tầng. Bộ GTVT cũng đã có quy định siết chặt về kiểm định xe cơ giới đường bộ, do vậy tại TPHCM, nhiều xe ghế cải tạo thành xe giường đã bị rớt khi vào kiểm định. Thế nhưng có hàng ngàn xe ghế đã được đóng, cải tạo thành xe giường và loại xe này vẫn tồn tại, tham gia vận tải hành khách. Quan sát tem kiểm định các xe này thì thấy mộc đỏ đều của các tỉnh. Một tài xế xe giường cho hay: “Xe tôi mang biển số TPHCM nhưng tem kiểm định lại ở tỉnh. Bây giờ không phải như trước, ở TPHCM cứ đưa xe vào kiểm định là rớt. Mình chỉ cần về tỉnh khác đăng kiểm, kiểm định rất nhanh, không phải chờ lâu. Những xe hạ hầm, đóng thêm giường đều không bị buộc thay đổi trả về nguyên trạng”.
PGS-TS Nguyễn Hữu Hường, giảng viên Khoa Kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa TPHCM, nhận định: “Xe ghế được cải tạo thành xe giường sẽ không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Bởi trọng lượng nhẹ hơn, trong khi mặt kính cản gió phải thay đổi lớn hơn. Trọng tâm xe ghế được đặt ở giữa, nhưng lên giường thì trọng tâm chuyển lên gần mui xe, sẽ dễ bị lật nếu chạy không cẩn thận. Nói chung tất cả về kỹ thuật, kết cấu xe, tính ổn định vẫn thấp hơn so với xe nguyên trạng. Ngoài ra, chất lượng xe ghế cải tạo thành xe giường có thể tùy thuộc theo nhiều giá cả thỏa thuận với các xưởng ô tô, nên có những xe sử dụng thép không đúng chất lượng, mối hàn không đảm bảo, dây điện giá rẻ mà điện tải rất lớn có thể dẫn đến chập điện, gây cháy nổ”.
THANH HẢI