Nguyên Giám đốc Hãng phim Giải Phóng Võ Thành Lê - Yêu nghề và nặng lòng với đồng đội

Có thể nói anh Võ Thành Lê (ảnh) là người cuối cùng thuộc thế hệ những nhà điện ảnh tiền phong của cách mạng miền Nam. Anh đã vĩnh viễn ra đi vào cõi vĩnh hằng…
Nguyên Giám đốc Hãng phim Giải Phóng Võ Thành Lê - Yêu nghề và nặng lòng với đồng đội

Có thể nói anh Võ Thành Lê (ảnh) là người cuối cùng thuộc thế hệ những nhà điện ảnh tiền phong của cách mạng miền Nam. Anh đã vĩnh viễn ra đi vào cõi vĩnh hằng…

1. Tên thật của anh là Võ Văn Tòng, bí danh Võ Thành Lê. Sinh ngày 10-9-1927 tại xã An Định, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, thoát ly tham gia kháng chiến chống Pháp năm 1945, phụ trách an ninh xã An Định. Sau đó anh phụ trách văn phòng Ủy ban kháng chiến huyện Mỏ Cày. Năm 1950, anh công tác tại Đài vô tuyến điện tỉnh Gò Công, sau nhập thành tỉnh Mỹ Tho, thuộc Tỉnh đội Mỹ Tho.

Năm 1954, anh tập kết ra miền Bắc thuộc Sư đoàn 330. Đến 1958 chuyển ngành về Cục Truyền thanh Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1963, anh vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, công tác tại Thông tấn xã Giải phóng rồi chuyển sang làm Trưởng phòng kỹ thuật sản xuất phim Xưởng phim Giải Phóng.

Thời kháng chiến chống Mỹ, khi mọi người nô nức vào Nam thì anh vượt Trường Sơn ra Bắc. Năm 1972, đường Trường Sơn bị máy bay Mỹ bắn phá ác liệt. Người đi vào, kẻ đi ra gian khổ như nhau. Anh phụ trách những chuyến xe tải vận chuyển phim nhựa, đưa chuyên viên kỹ thuật điện ảnh, máy móc vào Nam, giúp Xưởng phim Giải Phóng có được Xưởng âm thanh trong rừng miền Đông. Bộ phim có âm thanh đầu tiên của xưởng phim là phim tài liệu Tiếng  hát học đường, biên kịch và đạo diễn Lê Văn Duy, quay phim Thế Tiến, âm thanh Trần Như Hồng. Trước đó, những bộ phim do Xưởng phim Giải Phóng sản xuất đều là phim câm. Mỗi lần đội chiếu bóng mang phim đi chiếu bao giờ cũng đi kèm người đọc thuyết minh.

Anh vào ra đường Trường Sơn rất nhiều lượt. Anh còn giúp các em học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc tình nguyện trở vào Nam chiến đấu. Là con em cán bộ miền Nam đang chiến đấu được gửi ra miền Bắc đào tạo nhưng các em lại muốn trở về Nam chiến đấu. Khi biết anh sắp trở vào miền Nam, các anh trong Ban Thống nhất Trung ương đến gặp nhờ anh dẫn các em trở vào Nam.

Trước anh, nhiều đồng chí đã từ chối. Lý do là ở ngoài Bắc, các em được chăm sóc chu đáo, vào chiến trường miền Nam, ai huấn luyện, dạy dỗ các em? Nhưng anh Võ Thành Lê nghĩ, trong hoàn cảnh chiến đấu ở chiến trường, các em sẽ nên người. Chiến trường là nơi rèn luyện nhân cách, đạo đức thanh niên tốt nhất. Anh mời các em đến họp mặt. Trong cuộc họp, anh chỉ căn dặn các em: “Gặp Mỹ không được chạy” rồi cho các em về nhà trường từ giã thầy cô, bạn bè. Sau hòa bình, anh nghe tin vài em hy sinh nhưng những em còn sống đều là các cán bộ thành đạt, nhiều em tốt nghiệp đại học nước ngoài.

2.
Là kỹ sư phụ trách kỹ thuật điện ảnh nhưng anh rất yêu thích văn học nghệ thuật. Trong chiến khu Đồng Tháp Mười anh vẫn đọc các tác phẩm của Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nhất Linh, Khái Hưng, Lê Văn Trương… Khi tập kết ra Bắc, anh say mê Raharin Stancu trong Những người chân đất, George Amado trong Con đường đói khát; thích chất bạo liệt, nồng cháy văn học Nam Mỹ. Mỗi tuần anh đọc đủ 300 trang sách. Sau hòa bình anh vẫn giữ thói quen ấy.

Nhờ vậy anh có thể gợi ý, góp ý tốt với văn nghệ sĩ điện ảnh. Nhờ vậy, lúc làm Giám đốc Hãng phim Giải Phóng, anh làm tốt công việc điều hành, quản lý nghệ thuật. Anh quan niệm: “Quản lý nghệ thuật không cần phải là người sáng tác nhưng ít ra người đó phải am hiểu nghệ thuật”. Nhà văn nổi tiếng Ilya Erhenbourg nói: “Chỉ huy một tiểu đoàn quân không khó, không khổ sở bằng việc chỉ huy một tiểu đội nghệ sĩ”.

Anh đồng ý nhận định đó. Theo anh, người quản lý nghệ thuật phải biết đi vào cái riêng biệt, phải tìm hiểu kỹ, thậm chí biết rõ cá tính từng nghệ sĩ, tìm ra sắc thái riêng mỗi nghệ sĩ. Điện ảnh là loại hình nghệ thuật tổng hợp. Do đó trong hãng phim có cán bộ nghệ thuật và cán bộ kỹ thuật. Người lãnh đạo điện ảnh giỏi và khôn ngoan phải biết điều hòa, cấu trúc tốt, tạo điều kiện cho hai loại người ấy hòa hợp nhau. Mối quan hệ giữa họ càng chặt chẽ, tác phẩm điện ảnh càng có chất lượng nghệ thuật cao.

Thời anh làm giám đốc hãng phim, có rất nhiều bộ phim nổi tiếng, chất lượng nghệ thuật cao như Ván bài lật ngửa, Hòn đất, Vùng gió xoáy, Về nơi gió cát, Xương rồng đen, Gánh xiếc rong… Anh là người hiền lành, ít nói.

Những suy tư sâu sắc của anh ít người thấu hiểu. Anh sống tận tâm, có trái tim trong sáng, yêu nghề và nặng lòng với đồng đội, với những người một thời gắn bó máu lửa với anh. Với nghệ sĩ, bao giờ anh cũng xem họ là bạn, đồng chí, anh em. Tôi nhớ anh thường nói: “Thời chiến tranh, tôi làm công tác hậu cần cho anh em trong những chuyến hàng chuyên chở trên đường Trường Sơn. Thời hòa bình, tôi là người chỉ huy các công trình xây dựng cơ ngơi Hãng phim Giải Phóng gồm phim trường quay nội cảnh, rạp chiếu bóng, xưởng in tráng phim màu”.

Tóm lại, anh là nhà xây dựng, nhà thiết kế, kiến trúc sư của Hãng phim Giải Phóng, kế tục nhà khai sáng điện ảnh - đạo diễn Mai Lộc. Lịch sử điện ảnh cách mạng miền Nam và Việt Nam sẽ phải ghi công lớn của anh Võ Thành Lê. 

Đạo diễn LÊ VĂN DUY

Tin cùng chuyên mục