Với mong muốn giữ vững tiêu chí của một cuộc thi không chỉ đơn thuần là tìm kiếm các giọng hát hay, Sao mai còn là bệ phóng, nơi chắp cánh cho các tài năng âm nhạc đích thực của Việt Nam đến gần hơn với công chúng và tỏa sáng, chương trình ngoài những tiêu chí khắt khe về âm nhạc cũng đưa ra nhiều nội quy đối với các thí sinh. Cụ thể thí sinh dự thi phải là công dân có quốc tịch Việt Nam hoặc công dân gốc Việt mang quốc tịch nước ngoài đang sinh sống trong nước tuổi từ 17 đến 27.
Tham dự cuộc thi thí sinh không được mặc đồ hở hang, không sử dụng y phục có in ấn logo hoặc các thương hiệu sản phẩm hoặc in chữ nước ngoài. Đặc biệt, ban tổ chức có quyền loại bất cứ cá nhân nào vì bất cứ lý do gì mà theo ban tổ chức là không đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn hoặc do thí sinh có những hành vi, phát ngôn hay có những vấn đề cá nhân về đạo đức, lối sống làm ảnh hưởng, phương hại đến uy tín của liên hoan… Những thí sinh tự ý bỏ cuộc không có lý do sẽ phải bồi thường về thiệt hại vật chất…
So với nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình thì Sao mai có tuổi đời lâu nhất và cũng được coi là chương trình giữ được màu sắc “cũ” nhất. Với 30 thí sinh lọt qua vòng sơ tuyển để tham dự 3 đêm chung kết dòng nhạc Dân gian, nhạc Thính phòng và Nhạc nhẹ, ban tổ chức sẽ chọn ra các giọng hát xuất sắc đại diện cho 3 dòng nhạc tham dự đêm chung kết xếp hạng trao giải Nhất- nhì- ba và giải triển vọng…
Trưởng ban tổ chức Trịnh Lê Văn thừa nhận, mặc dầu giải thưởng của cuộc thi không có nhiều giá trị về mặt vật chất song sẽ là bước đỡ quan trọng khẳng định con đường nghệ thuật của mỗi thí sinh.